Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế với chiều dài 66,4 km đang được tăng tốc thi công cả ngày lẫn đêm để đạt được tiến độ đề ra trước khi bước vào mùa mưa.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một vài hộ dân chưa chịu di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện các giải pháp để khơi thông “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng cho dự án.
Sớm cấp giấy quyền sử dụng đất
Nằm lọt thỏm giữa công trường đang thi công đường cao tốc, ngôi nhà cấp bốn lợp mái tôn của gia đình ông Bùi Văn Giáp ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà đến nay vẫn chưa thực hiện di dời để bàn giao mặt bằng. Dưới thời tiết nắng gắt như đổ lửa của mùa hè, nhưng ngôi nhà của ông Giáp luôn trong tình trạng phải “cửa đóng, then cài” để hạn chế một phần nào lớp bụi mù mịt mỗi lần các xe ben chở vật liệu xây dựng chạy ngay sát bên hông nhà.
Khi tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn được triển khai xây dựng, toàn bộ diện tích đất rộng hơn 6.000 m2 của gia đình ông Bùi Văn Giáp nằm trong diện phải thu hồi.
Ông Bùi Văn Giáp đã nhận tiền hỗ trợ đền bù của Nhà nước là 1,4 tỷ đồng và được cấp hai lô đất tái định cư với diện tích 280m2 và 250m2. Theo ông Bùi Văn Giáp, lý do hiện nay gia đình chưa chịu bàn giao mặt bằng bởi từ khi nhận tiền đền bù đến nay cũng gần nửa năm nhưng cơ quan chức năng của thị xã Hương Trà chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình đối với hai lô đất tái định cư.
“Gia đình rất ủng hộ chủ trương thu hồi đất của nhà nước để làm đường cao tốc. Tuy nhiên, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu tái định cư làm quá chậm, khi có giấy này người dân mới yên tâm chuyển đến nơi ở mới”, ông Bùi Văn Giáp nói.
Ông Bùi Văn Giáp chia sẻ, do ngôi nhà nằm ngay cạnh cây cầu vượt đang thi công nên bụi bặm và tiếng ồn của các loại máy móc làm việc tăng ca suốt ngày đêm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Theo ông Giáp, sau nhiều lần kiến nghị, mới đây Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Trà mới gọi gia đình lên để yêu cầu nộp tiền sử dụng đất một lô được cấp ở khu tái định cư, trước khi làm sổ đỏ.
Gia đình anh Đinh Xuân Tuấn ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà cũng “đợi” cấp giấy quyền sử dụng đất mới thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng. Diện tích đất thu hồi của gia đình hai mẹ con anh Tuấn khoảng hơn 7.500 m2 và được cấp hai lô đất cho gia đình với diện tích 350 m2/lô.
Hiện nay, mẹ của anh Đinh Xuân Tuấn đã nhận tiền hỗ trợ đền bù tài sản trên đất là hơn 1 tỷ đồng, đối với ngôi nhà của vợ chồng anh Tuấn, đến nay chưa nhận được tiền đền bù bởi xây dựng trong quá trình điều chỉnh quy hoạch đường cao tốc. Để giải quyết bất đồng này, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vận dụng tối đa khung chính sách của Nhà nước và mới đây đã thống nhất hỗ trợ 80% giá trị ngôi nhà, tương đương với khoảng 800 triệu đồng.
Hai lô đất tái định cư của gia đình anh Tuấn nằm cách ngôi nhà cũ khoảng hơn 1 km. Cách đây một tháng, gia đình anh Tuấn bắt đầu xây dựng và hiện mới hoàn thiện phần móng nhà. Anh Đinh Xuân Tuấn cho biết, gia đình đang đợi số tiền 800 triệu hỗ trợ để có kinh phí xây dựng tiếp và đợi khi nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây xong nhà ở khu tái định cư mới bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Cuối tháng 6 sẽ bàn giao mặt bằng sạch
Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn thị xã Hương Trà có chiều dài 24,3 km. UBND thị xã Hương Trà đã phê duyệt quyết định hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng đối với khoảng 700 hộ gia đình; trong đó, có 39 hộ dân được bố trí đất tái định cư.
Theo UBND thị xã Hương Trà, trên thực địa hiện còn 6 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho đại diện chủ đầu tư để thi công; trong đó, hầu hết các hộ dân này đã nhận tiền hỗ trợ đền bù, nhận đất tái định cư nhưng chưa chịu bàn giao mặt bằng vì đợi làm nhà xong mới chuyển đi.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Duy Hùng cho biết, đến thời điểm hiện nay, các ngành chức năng của thị xã mới bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 21 hộ dân tái định cư, 18 hộ còn lại chủ yếu là các lô đất phụ sẽ được bàn giao giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tháng 6/2021.
Hiện nay, tại phường Hương Hồ có trường hợp gia đình ông Huỳnh Đình Duy đã được cơ quan chức năng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất nhận tiền, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Duy Hùng, diện tích đất thu hồi của gia đình ông Huỳnh Đình Duy là phần đất lấn chiếm nên không được bố trí đất tái định cư theo quy định. Ngày 6/5/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản số 3633/UBND-NĐ về việc giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn thị xã Hương Trà và thống nhất phương án không bố trí đất tái định cư cho trường hợp ông Huỳnh Đình Duy nhằm đảm bảo công bằng đối với các hộ dân khác.
Hiện nay, UBND thị xã Hương Trà đang lên phương án tổ chức cưỡng chế theo quy định pháp luật như một giải pháp cuối cùng đối với trường hợp hộ dân này.
Một vướng mắc khác là việc di dời toàn bộ cửa hàng xăng dầu Hưng Phát ở xã Hương Thọ do ảnh hưởng của tuyến cao tốc đi qua. Hiện tại, UBND thị xã Hương Trà đã thuê Công ty cổ phần thẩm định giá Thừa Thiên – Huế tiến hành thẩm định làm cơ sở để cơ quan chức năng bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất theo quy định.
Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng điều hành Dự án 2, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn) cho hay, các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng trên toàn tuyến đều nằm tập trung ở gói thầu số 7 (từ Km 61+268 – Km 69) đi qua thị xã Hương Trà nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công, nhất là khi các nhà thầu đang phải “chạy đua” với thời gian trước khi bước vào mùa mưa bão.
Các hộ dân nhận tiền đền bù đều được hỗ trợ tiền thuê nhà trong vòng 6 tháng nên việc kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng là không thỏa đáng. Chính quyền địa phương có thể bố trí các hộ dân ở tạm nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong quá trình đợi hoàn thiện xây dựng nhà ở các khu tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, toàn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 11 gói thầu với khoảng 50 nhà thầu. Năm 2020, do ảnh hưởng mưa lũ lịch sử kéo dài ở miền Trung cũng như các đợt bùng phát dịch COVID-19 đã làm chậm mục tiêu tiến độ của dự án.
Hiện nay, trên toàn tuyến, các nhà thầu đã thi công được khoảng 52% khối lượng công việc, phần thi công nền đường dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9/2021. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh quyết tâm thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2021.
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khởi công từ tháng 9/2019, có tổng chiều dài xây dựng là 98,35km, đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; trong đó, đoạn tuyến đi qua tỉnh Thừa Thiên – Huế là 66,4km, trải dài qua huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc.
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành cùng với đoạn La Sơn-Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn-Túy Loan sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của quốc lộ 1A khi tuyến đường đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố, góp phần tạo động lực phát triển cho các tỉnh miền Trung.
(Nguồn: TTXVN)