Nhà thầu cao tốc Bắc-Nam lại đối mặt nguy cơ thua lỗ vì giá vật liệu

Việt Hùng |

Các nhà thầu dự án cao tốc Bắc-Nam đang gặp khó khăn về giá mặt hàng thép khi tăng “phi mã” và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ vốn đầu tư của công trình.

Chưa hết khó khăn sau khi giá vật liệu như đất đá khan hiếm và đội giá, các nhà thầu xây dựng lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ thua lỗ khi giá thép, xi măng tăng “phi mã” và điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.

Giá đất, thép tăng giá gấp 2-3 lần

Là đơn vị thi công gói thầu của đoạn cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, ông Trần Đình Ngân, chỉ huy trưởng công trường thi công gói 11-XL của Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cho biết trước đây giá vật liệu đất đắp nền từ 20.000-22.000 đồng/m3 nhưng hiện nay giá đã lên tới 35.000-37.000 đồng/m3. Giá tăng gần gấp đôi mà vẫn chưa đủ vật liệu để mua.

Giá vật liệu thép tăng đã ảnh hưởng tới giá trị các gói thầu của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Giá vật liệu thép tăng đã ảnh hưởng tới giá trị các gói thầu của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Để có thể thi công, nhà thầu loay hoay tìm khảo sát mỏ khác nằm trong quy hoạch và được địa phương cấp phép để đáp ứng nguồn vật liệu cho gói thầu. Hiện tại, với giá mua của mỏ ngoài khá cao và khoảng cách xa từ 17-20km dẫn đến việc các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng,” ông Ngân ngao ngán nói.

Thừa nhận việc mua bán vật liệu thi công là quan hệ giữa các nhà thầu với chủ mỏ đất, mỏ đá không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, bởi khi nhà thầu đã bỏ giá thầu thì phải làm đúng theo quy định. Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng việc khan hiếm vật liệu, giá đất bị đẩy lên cao, nhà thầu bị thiệt hại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.

Không chỉ vật liệu xây dựng, giá thép trong thời gian qua cũng tăng theo thị trường thế giới do phụ thuộc vào lượng nhập khẩu và giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này.

Theo ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, khi bỏ thầu gói XL-13 cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, giá thép trên thị trường khoảng 11.000 đồng/kg. Hiện nay, nhà cung cấp báo giá thép cho Công ty lên tới 19.500 đồng/kg, tăng khoảng 70-80% so với giá bỏ thầu.

“Giá thép đã chênh lệch so với giá bỏ thầu rất nhiều, chưa kể các vật liệu khác như xi măng cũng đang tăng thêm khoảng 30.000 đồng/tấn,” ông Khôi nói.

Đảm nhiệm nhà thầu liên danh thi công 3 gói thầu lớn nhất của 3 dự án cao tốc Bắc-Nam đầu tư công, đại diện Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) cho rằng trước tình trạng giá thép tăng hiện nay, VINACONEX ước tính giá trị bù lỗ của các nhà thầu tại 3 gói thầu này khoảng hơn 337 tỷ đồng.

Với nhu cầu sử dụng khoảng 2.000 tấn thép tại 2 gói thầu cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long cho hay với mức giá này, ước tính nhà thầu sẽ thua lỗ hàng chục tỷ đồng.

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long - chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 cho biết theo dự toán được duyệt, giá vật liệu thép trung bình tại cao tốc này khoảng 11.650 đồng/kg. Trong khi đó, giá thị trường các nhà thầu mua thực tế trung bình hiện nay khoảng 18.600 đồng/kg.

“Việc biến động tăng giá thép dẫn tới tăng giá dự toán đối với dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 khoảng 572 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí dự phòng của các hợp đồng xây lắp là 726,69 tỷ đồng, vì vậy chưa ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án cao tốc này,” đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay.

Đề xuất sớm điều chỉnh giá các gói thầu

Theo một chuyên gia giao thông, đối với hợp đồng xây dựng áp dụng hình thức đơn giá điều chỉnh sẽ có hai phương pháp thực hiện gồm điều chỉnh theo chỉ số giá và điều chỉnh bằng phương pháp bù giá trực tiếp.

Điều chỉnh giá theo phương pháp chỉ số giá sẽ căn cứ vào chỉ số giá do địa phương công bố dựa trên cơ sở biến động giá nguyên vật liệu (thép, xi măng…). Trong dự toán các gói thầu đều có hệ số, chỉ số điều chỉnh từng thành phần chi phí. Khi các địa phương công bố chỉ số giá, chủ đầu tư, nhà thầu sẽ lấy giá trị thanh toán nhân với mức giá điều chỉnh.

Đối với phương pháp bù giá trực tiếp, trên cơ sở khối lượng bóc tách khối lượng vật liệu của từng gói thầu, chủ đầu tư, nhà thầu lấy mức giá thực tế trừ đi mức giá tính trong đơn giá dự thầu nhân với khối lượng thực hiện sẽ ra giá trị bù giá.

Theo ông Phạm Văn Khôi, hợp đồng các gói thầu dự án cao tốc Bắc-Nam sử dụng vốn đầu tư công quy định điều chỉnh giá theo chỉ số giá. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp trong điều kiện giá vật tư, vật liệu nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

“Với việc tăng giá thép như hiện nay nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước nên cần thay đổi phương pháp điều chỉnh giá từ phương pháp chỉ số giá sang phương pháp bù giá trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu,”  ông Khôi đề xuất.

Với đà tăng giá thép có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở xây dựng các tỉnh, thành ban hành công bố giá, chỉ số giá theo tháng sát với thực tế thị trường để Ban có cơ sở điều chỉnh giá trong quá trình thi công, kịp thời tháo gỡ một phần khó khăn về tài chính cho các nhà thầu.

Trường hợp chỉ số giá của các địa phương không phản ảnh kịp thời sự biến động của vật liệu, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng hình thức điều chỉnh giá từ chỉ số giá sang phương pháp bù giá trực tiếp.

Nhấn mạnh tất cả gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sử dụng vốn đầu tư công đều áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng chỉ số giá do các địa phương công bố làm cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh giá các gói thầu.

“Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều tỉnh, thành chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng hoặc có công bố nhưng giá và chỉ số giá không theo kịp giá thị trường,” đại diện Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khẩn trương báo cáo vướng mắc về tình hình biến động giá vật liệu, nhất là giá thép trong quá trình thi công các dự án cao tốc Bắc-Nam để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc công bố giá, chỉ số giá và báo cáo về tình hình biến động trượt giá của vật liệu xây dựng.

 (Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Thị trường vật liệu xây dựng “tăng nhiệt”

Hà Trang |

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm, đặc biệt là sắt, thép xây dựng. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà thầu, doanh nghiệp kinh doanh VLXD mà còn khiến cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình nhà ở của người dân cũng bị chậm tiến độ.

Phát hiện nhiều vật liệu nổ khi thi công móng nhà

Tây Long |

Ngày 16/3/2021, thông tin từ Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy/Dự án RENEW (NPA/RENEW) cho biết, đội xử lý bom mìn lưu động của dự án vừa xử lý nhanh một số lượng lớn vật liệu nổ được người dân phát hiện.

Quảng Trị: Phát hiện và hủy nổ thành công 150 vật liệu nổ

Thanh Thủy |

Ngày 10/12, Tổ chức Nhóm cố vấn bom mìn Vương quốc Anh (Dự án MAG) tại tỉnh Quảng Trị cho biết đã phát hiện và hủy nổ thành công 150 vật liệu nổ.

150 vật liệu nổ được phát hiện trong một hầm đạn

Q.H |

Ngày 9/12/2020, trong quá trình làm nhiệm vụ tại thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nhân viên Dự án MAG phát hiện 1 hầm đạn chứa nhiều vật liệu nổ các loại.