Ngày 21/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á cập nhật năm 2022; cập nhật và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 - 2023.
Tại buổi họp báo, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất nhanh chóng, nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu của năm 2022. Kết quả này được hỗ trợ bởi những cân đối kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi ổn định trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng trong nước.
Dựa trên các yếu tố tăng trưởng trên, ông Andrew Jeffries cho biết, ADB vẫn giữ nguyên dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,5% trong năm 2022 và tiếp tục tăng tốc lên 6,7% vào năm 2023.
Làm rõ các yếu tố giúp phục hồi nhanh nền kinh tế Việt Nam trong cả năm 2022, theo ông Andrew Jeffries, đầu tư đang ngày càng tăng, lạm phát được kiểm soát và các điều kiện tài chính, tiền tệ phù hợp được dự đoán thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế của năm 2022.
Báo cáo của ADB nhận định chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu được khôi phục góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Nhu cầu trên thị trường thế giới giảm làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam. Trong tháng 8, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống 52,7 từ mức 54,0 của tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn khả quan do đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực này.
Di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.
“Chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và các biện pháp kiểm soát giá cả xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục hiệu quả sẽ giữ lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4% vào năm 2023, giống như dự báo của chúng tôi trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2022 vào tháng 4”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho hay.
Bên cạnh triển vọng tích cực và kinh tế Việt Nam đang vận động khá tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries lưu ý, báo cáo của ADB nhấn mạnh những rủi ro với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn còn cao. Theo đó, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam; sự thiếu hụt về lao động được cho là sẽ cản trở sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và xuất khẩu mang tính thâm dụng lao động trong năm 2022; việc triển khai chậm các khoản đầu tư công theo kế hoạch và chi tiêu xã hội, nhất là việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, có thể làm chậm tăng trưởng trong năm nay và năm tiếp theo.
Tại họp báo, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam đã làm rõ các câu hỏi của báo chí xung quanh những điểm nổi bật trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á cập nhật năm 2022, những dự báo đối với kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022, triển vọng phát triển năm 2023.
Bên cạnh những điểm sáng, chuyên gia này cảnh báo Việt Nam đã “xuất hiện những đám mây đen trong xuất khẩu”. Cụ thể, theo ông Nguyễn Minh Cường, nhu cầu trên thị trường thế giới yếu hơn nên xuất khẩu chậm lại. Tiền đồng giảm giá làm giá trị hàng nhập khẩu đắt hơn hàng xuất khẩu, dự kiến sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2022. Lạm phát toàn cầu cao, mặc dù đang dần chậm lại và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tiếp tục làm giảm kiều hối.
Với những nguyên nhân trên, cán cân vãng lai của Việt Nam dự báo sẽ thâm hụt 1,5% GDP trong năm nay. Cán cân vãng lai được dự báo thâm hụt ở mức 1,7% GDP trong năm 2023 do kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu yếu đi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh, việc Chính phủ quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, gồm cả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ bù đắp phần giảm sút của xuất khẩu do ảnh hưởng của cầu trên thị trường thế giới đang yếu đi. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng bằng cách giữ nguyên các mức lãi suất chính sách, đồng thời mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất để cho vay với chi phí thấp cho nền kinh tế.
(Nguồn: Ngày Nay)