Kỳ vọng tín dụng "hâm nóng" thị trường bất động sản

Minh Ngọc |

 

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, doanh nghiệp bất động sản cho rằng trong tình hình hiện nay, tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST kiến nghị một số đề xuất về chính sách: 

Chúng tôi xin đề nghị NHNN cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án nếu như phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Doanh nghiệp cũng đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư.

Ngoài ra vì với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi đề nghị về chính sách tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.

Cùng với đó, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, cụ thể là về mức lãi suất:

Lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.

Riêng đối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đã đồng hành cùng ngân hàng trong nhiều năm, nay doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất tăng cao thì các ngân hàng thương mại cũng nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Từ phía góc nhìn của ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong năm 2022, tín dụng đối với bất động sản (BĐS) của toàn ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế với dư nợ ở mức 2,58 triệu tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, tăng khoảng 24,3% so với thời điểm cuối năm 2021.

Đối với các NHTM, lĩnh vực BĐS có định hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào BĐS phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, BĐS để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng.

Cụ thể, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tại VCB tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của VCB.

Với số liệu về tăng trưởng tín dụng BĐS trong năm qua, có thể khẳng định về phía VCB không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.

Đối với các phân khúc BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là phân khúc BĐS luôn được VCB ưu tiên cấp tín dụng nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển KTXH của các địa phương và toàn quốc. Trong năm 2022, dư nợ BĐS thuộc phân khúc này đã tăng hơn 4 lần so với 31/12/2021.

Về định hướng tín dụng, VCB định hướng mở rộng cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất.

VCB cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước, các liên doanh trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam với mức lãi suất ưu đãi.

Về tín dụng ưu đãi cho thị trường bất động sản, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định tín dụng cho lĩnh vực BĐS luôn có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua nên cho rằng chính sách tín dụng siết chặt, thắt chặt là chưa thoả đáng, cần đánh giá trung thực, khách quan để tháo gỡ. Bà Hồng cũng thông tin thêm về định hướng hỗ trợ tín dụng trong thời gian tới:

NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng này đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, triển khai chương trình này.

Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia gói này thì sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng này thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để đi tiếp.

Đồng thời, về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các TCTD cố gắng giảm mặt bằng lãi suất. Về cơ cấu thời hạn trả nợ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử, tháo gỡ riêng. NHNN sẽ chỉ đạo TCTD tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

(Nguồn: Báo Chính phủ)

TAGS

Thủ tướng: Giá cả bất động sản phải là động lực thúc đẩy sự phát triển, chứ không triệt tiêu sự phát triển

Hà Văn |

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điểm cân bằng, dung hòa của cung cầu bất động sản thể hiện ở giá cả. Giá cả bất động sản phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển.

Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ 'phá băng' cho thị trường bất động sản

PV |

Ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Lao động nước ngoài kể lại việc bị lừa làm việc bất hợp pháp ở Lào

PV |

Do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong nước, nhiều người Sri Lanka đã quyết định tìm việc làm ở nước ngoài vào năm ngoái, để rồi bị mắc kẹt ở Lào, bị ép buộc làm việc cho các trung tâm lừa đảo tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (SEZ) ở tỉnh Bokeo.

Ngân hàng Nhà nước không chỉ đạo ‘siết tín dụng bất động sản’

Minh Phương |

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) diễn ra sáng 8/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh: Bất động sản (BĐS) là một trong những ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế.