Liên hiệp hợp tác xã để phát triển nông nghiệp bền vững

Mai Lâm |

Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể dưới nhiều hình thức liên kết, hợp tác gắn sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị là định hướng của tỉnh Quảng Trị để chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết để thành lập liên hiệp hợp tác xã (HTX) đang được các địa phương quan tâm thực hiện.

Cuối tháng 10/2023, huyện Vĩnh Linh thành lập Liên hiệp HTX Lúa hữu cơ Vĩnh Linh gồm 4 HTX: Đức Xá, Thủy Ba Đông (xã Vĩnh Thủy), Thượng Hòa (xã Vĩnh Hòa), Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm) với 881 thành viên. Liên hiệp HTX này ra đời dựa trên điểm chung là các HTX thành viên đều đang tham gia sản xuất lúa hữu cơ cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.

Như vậy, thay vì trước đây công ty phải đến từng HTX để hợp tác sản xuất, thu mua lúa thì nay chỉ làm việc qua Liên hiệp HTX Lúa hữu cơ Vĩnh Linh. Liên hiệp HTX này có nhiệm vụ đặt hàng lại các HTX thành viên sản xuất lúa theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đây là mô hình liên kết ngang (hợp tác cùng làm sản phẩm chung là lúa hữu cơ cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, liên hiệp HTX không tham gia vào các dịch vụ sản xuất khác của các HTX thành viên).

Theo Liên minh HTX tỉnh, mô hình liên hiệp HTX như trên đang được tỉnh khuyến khích nhân rộng vì tạo được sự đầu tư tập trung trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm, giúp giảm chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng như bộ máy quản lý. Đặc biệt, sự liên kết này khắc phục được bất cập, tồn tại lâu nay là sản xuất riêng lẻ từng HTX sẽ không đủ số lượng hàng hóa để cung ứng nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, các địa phương đã xác định được một số cây trồng chủ lực như lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, hồ tiêu, cây dược liệu...

Từ đó, có những HTX đã chủ động xây dựng đề án phát triển chuỗi giá trị hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để tạo sản phẩm riêng. Tuy nhiên, các mô hình vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Quảng Trị hiện có 332 HTX, trong đó có nhiều HTX nông nghiệp có chung sản phẩm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Vì thế, việc liên kết các HTX này để thành lập liên hiệp HTX mang tính liên xã, liên huyện, liên vùng là cần thiết để tổ chức lại sản xuất, hình thành các cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đảm bảo chất lượng, đồng nhất về chủng loại gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Trên thực tế, vào năm 2019, trên địa bàn tỉnh có mô hình liên kết HTX đầu tiên là Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Hải Lăng. Liên hiệp này được thành lập với 10 HTX thành viên. Tuy nhiên, quá trình hoạt động, mô hình này chưa thật sự phát huy được vai trò, hiệu quả vì chỉ dừng lại ở điểm chung là cùng bao bì, nhãn mác sản phẩm lúa chất lượng cao, còn các HTX thành viên của liên hiệp vẫn mạnh ai nấy làm, tự tổ chức sản xuất, tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của đơn vị mình sản xuất.

Liên minh HTX tỉnh xác định mục tiêu, giai đoạn 2023 - 2026, bên cạnh việc củng cố, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Hải Lăng sẽ thành lập mới 2-3 liên hiệp HTX sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, sen và các sản phẩm từ sen, cây dược liệu, hồ tiêu...

Vì thế, thời gian tới, các địa phương cần tổ chức rà soát toàn diện các HTX trên địa bàn để đánh giá thực chất về hoạt động của mô hình HTX, từ đó phân loại, có giải pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh việc xây dựng lộ trình, định hướng hợp nhất, sáp nhập các HTX quy mô nhỏ hình thành HTX quy mô lớn hơn cần lựa chọn một số HTX hoạt động hiệu quả để vận động thành lập liên hiệp HTX.

Hướng dẫn, hỗ trợ các liên hiệp HTX xây dựng điều lệ, nghiên cứu thị trường, phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phổ biến các chính sách hỗ trợ thực hiện liên kết như Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các liên hiệp HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 theo quy định Nghị quyết 68/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và các quy định pháp luật khác về chính sách hỗ trợ thành lập liên hiệp HTX, trong đó ưu tiên phát triển liên hiệp HTX tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lợi thế cạnh tranh theo chương trình OCOP nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương.

Việc thành lập mới các liên hiệp HTX cần có lộ trình, giải pháp cụ thể để đảm bảo hoạt động hiệu quả bền vững, tránh chạy theo hình thức, số lượng. Trước mắt, cần tổ chức cơ cấu lại hoạt động HTX, liên hiệp HTX phù hợp với Luật HTX 2023. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện và duy trì tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới để nắm bắt tình hình, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các HTX nông nghiệp củng cố hoạt động và phát triển.

Khảo sát, thu thập nhu cầu của các HTX về xây dựng dự án/kế hoạch liên kết, từ đó sớm có định hướng phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung, sản xuất đồng bộ nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các HTX cũng cần chủ động trong việc tìm kiếm đối tác, xây dựng các liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với thành viên, người lao động trong HTX.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ký kết 26 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thanh Trúc |

Ngày 3/11, Sở Công thương Quảng Trị phối hợp siêu thị Co.opmart Đông Hà tổ chức Chương trình hỗ trợ kết nối sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh năm 2023 (gọi tắt là Chương trình kết nối sản phẩm). Đây được xem là hoạt động trọng điểm của Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh trong năm nay.

Thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Lúa hữu cơ Vĩnh Linh

Nguyên Đồng |

Ngày 24/10, UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức hội nghị thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Lúa hữu cơ Vĩnh Linh với sự tham gia của 881 thành viên thuộc 4 hợp tác xã (HTX), gồm: Đức Xá, Thuỷ Ba Đông (xã Vĩnh Thủy); Thượng Hòa (xã Vĩnh Long); Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm).

Thành công kép trong hoạt động đối ngoại, cùng hợp tác và phát triển

PV |

Chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ ba của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vừa kết thúc thành công tốt đẹp.

Hội thảo khoa học hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani

Trần Tuyền |

Ngày 6/10, tại TP. Đông Hà, Sở Ngoại vụ Quảng Trị phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) – Ubon Ratchathani (Thái Lan).