Bằng sự cần cù, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Võ Phi Hùng ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tìm hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng tiềm năng, lợi thế ở địa phương, anh đã xây dựng thành công mô hình nuôi thỏ thương phẩm và thỏ sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy ở địa phương có nhiều nguồn phụ phẩm nông nghiệp cũng như các loại rau, lá cỏ có sẵn trong tự nhiên phù hợp với nuôi thỏ, năm 2017, anh Hùng đầu tư trên 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại với diện tích 100 m2 , nuôi khoảng 300 con thỏ sinh sản giống New Zealand. Thỏ là loài vật dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, sinh sản nhanh, vốn đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh. Mỗi năm thỏ sinh sản từ 5 - 6 lứa, mỗi lứa khoảng từ 8 - 10 con. Sau khi sinh nuôi khoảng 2,5 tháng, trọng lượng đạt từ 2 - 2,5 kg thì có thể xuất bán. Nhờ vậy, đàn thỏ của anh Hùng phát triển nhanh, bước đầu mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Từ hiệu quả ban đầu, bằng vốn tự có và vốn huyện hỗ trợ giải quyết việc làm 50 triệu đồng qua kênh hội nông dân, anh tiếp tục mở rộng quy mô với diện tích 500 m2, nuôi 1.000 con thỏ thương phẩm và 200 cặp thỏ sinh sản. Các lồng nuôi thỏ được sắp xếp khoa học, chia thành các phân khu khác nhau: chuồng nuôi thỏ bố mẹ, chuồng nuôi thỏ hậu bị, chuồng nuôi thỏ con vừa tách mẹ… Xung quanh chuồng trại luôn sạch sẽ nhờ được thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp.
Ngoài các loại thức ăn xanh dễ kiếm tại địa phương như cỏ, lá các loại cây khoai lang, chuối, sắn… anh còn tận dụng một phần diện tích vườn nhà để trồng thêm cỏ giàu chất dinh dưỡng và mua một số tinh bột làm thức ăn cho thỏ. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình ngày càng phát triển, bình quân mỗi năm gia đình anh có doanh thu trên 3 tỉ đồng, thu lãi ròng trên 500 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 5 lao động.
“Trong quá trình nuôi thỏ, tôi thường xuyên cập nhật kiến thức chăn nuôi mới trên mạng internet, đặc biệt là xem, lắng nghe các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật nuôi thỏ, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách phòng, tránh dịch bệnh hay kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thỏ có quy mô trong nước. Từ đó giúp tôi có cách chọn con giống, phòng bệnh, chế độ thức ăn cho thỏ để xây dựng mô hình có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thuận lợi nhất của việc nuôi thỏ là đầu ra sản phẩm, hiện mô hình của tôi cung không đủ cầu. Do đó, ngoài nguồn thỏ của gia đình, tôi còn nhập thỏ từ 20 hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho các nhà hàng tiêu thụ. Sắp tới, tôi sẽ nuôi thêm bồ câu và nâng cấp chuồng trại để chăn nuôi thỏ theo hướng công nghiệp.
Tôi rất mong ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để mở rộng quy mô chăn nuôi, giải quyết thêm việc làm cho lao động tại địa phương”, anh Hùng cho biết.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thuận Lê Xuân Toản cho biết: “Anh Hùng là tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã. So với các mô hình khác như chăn nuôi gia cầm, trồng hoa màu thì mô hình nuôi thỏ của anh cho nguồn thu nhập cao hơn hẳn. Thời gian tới, hội tiếp tục vận động nông dân trên địa bàn xã học tập mô hình của anh để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa những loại cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp, hiệu quả”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)