Nâng cao giá trị cây chanh leo

Thục Quyên |

Thay vì phải tự phân loại, đóng thùng rồi gửi theo xe khách hoặc xe tải về kho của Công ty Nafoods Tây Bắc, từ tháng 4/2020 đến nay, người trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh chỉ cần đưa sản phẩm quả chanh leo của mình về nhập cho Hợp tác xã Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Qua đó giúp người trồng chanh leo giảm được chi phí vận chuyển, gia tăng giá trị sản phẩm.

Có mặt tại cơ sở sơ chế chanh leo của Hợp tác xã (HTX) Tây Vĩnh Thủy, chúng tôi thấy trong khuôn viên rộng gần 200 m2 chất đầy những sọt chanh leo được thu mua từ khắp các vùng trồng chanh leo trong tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Quang Hiếu, Tổ trưởng Tổ chanh leo Vĩnh Trung, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh cho biết, bắt đầu trồng từ năm 2019 với diện tích hơn 3,5 ha, vào vụ, bình quân mỗi ngày tổ chanh leo của anh thu hoạch gần 3 tấn quả. Trước đây anh và các thành viên trong tổ phải tự phân loại từng quả chanh leo ra loại A, B hay C, đóng thùng giấy rồi gửi theo xe khách ra Hà Nội.

Phân loại chanh leo tại HTX Tây Vĩnh Thủy -Ảnh: T.Q
Phân loại chanh leo tại HTX Tây Vĩnh Thủy -Ảnh: T.Q

Nhưng từ tháng 5/2020 đến nay, anh chỉ cần chở toàn bộ quả chanh leo thu hoạch trong ngày lên nhập lại cho HTX Tây Vĩnh Thủy. Theo anh Hiếu, trước đây để vận chuyển chanh leo ra tới kho của công ty tại Hà Nội, anh phải mất tiền cước từ 500 - 1.000 đồng/kg. Thời gian vận chuyển dài, lại không được vận chuyển bằng xe chuyên dụng nên tỉ lệ quả hư hỏng khá cao. Do vậy, từ khi cơ sở sơ chế chanh leo của HTX Tây Vĩnh Thủy đi vào hoạt động, người trồng chanh leo như anh rất thuận lợi trong việc bán sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với trước đây.

Giám đốc HTX Tây Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Hạnh chia sẻ, năm 2018 cây chanh leo bắt đầu được trồng tại HTX Tây Vĩnh Thủy với diện tích gần 7 ha. Sản lượng thu hoạch đạt từ 15 - 20 tấn quả tươi/ha. Xác định đây là nguồn cung khá dồi dào, năm 2020 HTX đã đứng ra thương lượng và ký kết hợp đồng với Công ty Nafoods Tây Bắc làm đại lý thu mua, phân loại, sơ chế quả chanh leo. Theo đó, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty Nafoods Tây Bắc, HTX đã đầu tư trên 350 triệu đồng mở rộng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy rửa chanh tự động, kho bảo quản lạnh bằng container.

Không chỉ thu mua quả chanh leo tại huyện Vĩnh Linh, HTX đã tích cực mở rộng thị trường thu mua ra các địa phương lân cận như Hướng Hóa, Cam Lộ… Chỉ tính riêng trong năm 2020, HTX đã thu mua gần 500 tấn quả chanh leo, mang lại doanh thu gần 3 tỉ đồng, đồng thời tạo việc làm cho từ 10 - 15 lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Quả chanh leo sau khi thu mua sẽ được phân loại theo các mức A, B và chanh múc dịch. Trong đó, đối với loại A và B ngoài các yêu cầu về cảm quan như màu sắc đồng đều, không bị loang dầu, mức độ trầy xước… thì với loại A số lượng phải dưới 13 quả/kg, loại B từ 13 - 14 quả/kg. Giá thu mua đối với chanh leo loại A từ 45.000 đồng/kg, chanh leo loại B từ 17.000 đồng/kg. Những quả không đạt các tiêu chí trên sẽ được phân loại là chanh múc dịch với giá 6.000 đồng/ kg.  Anh Hạnh thông tin, đối với chanh loại A và B, sau khi đưa vào máy rửa sạch và phân loại sẽ có xe của Công ty Nafoods Tây Bắc vận chuyển về Hà Nội hoặc Gia Lai. Riêng đối với chanh múc dịch, sau khi rửa sạch sẽ được công nhân cắt vỏ và múc dịch tại chỗ, sau đó đóng túi nilon và đưa vào kho bảo quản lạnh.

“Giá thu mua này có thể thay đổi theo từng thời điểm nhưng là giá chung của toàn công ty, do công ty quy định, do vậy khi bán chanh leo cho HTX, người trồng chanh leo giảm được chi phí vận chuyển, giảm hư hỏng do quãng đường vận chuyển xa, qua đó gia tăng lợi nhuận cho người trồng”, anh Hạnh khẳng định.

Mới đây, trong chuyến kiểm tra tại huyện Vĩnh Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đã đến thăm cơ sở sơ chế chanh leo của HTX Tây Vĩnh Thủy và đánh giá cao sự năng động, nhạy bén của HTX trong việc liên kết với Công ty Nafoods Tây Bắc để thu mua, sơ chế quả chanh leo cho người dân. Qua đó không những góp phần gia tăng lợi nhuận cho người trồng chanh leo mà còn là điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, chất lượng chanh leo Quảng Trị được đánh giá tốt hơn so với các địa phương khác, lại thu hoạch trái vụ. Do vậy, trong thời gian tới, HTX Tây Vĩnh Thủy cần tập trung đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, mở rộng thị trường để thu mua toàn bộ sản phẩm chanh leo thu hoạch của người dân. Phối hợp chặt chẽ với Công ty Nafoods Tây Bắc trong việc phân loại, sơ chế, bảo quản sản phẩm theo đúng quy trình, cũng như có hướng đi thích hợp để nâng cao giá trị cho cây chanh leo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phát triển chanh leo phục vụ chế biến và xuất khẩu

Phan Việt Toàn |

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp… tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản.

Phát triển cây chanh leo, “điểm sáng” cho ngành nông nghiệp

Trường Sơn |

Những năm gần đây, cây chanh leo được triển khai trồng thí điểm tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đạt năng suất và chất lượng cao. Từ hiệu quả kinh tế cây chanh leo mang lại đã mở ra một “điểm sáng” mới phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Quảng Trị phát triển vùng sản xuất chanh leo phục vụ xuất khẩu

Thanh Thủy |

Mặc dù, là một loại cây nông nghiệp mới được triển khai trong những năm gần đây tại Quảng Trị, thế nhưng cây chanh leo đã khẳng định chỗ đứng mới của mình trên bản đồ sản xuất các loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao trên địa bàn.

Cây chanh leo cho thu nhập 250- 300 triệu đồng/ hecta

Nguyễn Trang |

Phối hợp với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai dự án liên kết phát triển vùng sản xuất chanh leo phục vụ xuất khẩu từ năm 2018, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 80 hecta trồng cây chanh leo.