Ngăn mặn trên sông Hiếu, bây giờ đã hết gian nan...

Đào Tâm Thanh |

Trong một thời gian quá đỗi là dài, độ chừng ra giêng không mấy, trời Quảng Trị bắt đầu chuyển sang màu ong ong vàng, cũng chính là lúc gió Lào khởi sự hoành hành, thoạt đầu có vẻ mơn man vào buổi sáng sớm, sau đó thì đanh lại vào giữa trưa và trút cơn nắng lửa vào chính ngọ, lan cái nóng như xối lửa sang cả ban chiều.

Cùng với đó, trên sông Hiếu, nước mặn dâng chậm rãi về phía thượng nguồn, thư thả qua cầu Đông Hà, lên đến cầu treo Cam Hiếu và lúc đỉnh điểm, có thể chạm mép cầu Đuồi. Nước sông Hiếu đoạn qua cầu Đuồi bị nhiễm mặn là thông tin luôn đem lại nỗi lo lắng, bất an cho người dân vùng thượng nguồn Cam Lộ vì nguồn nước chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh phụ thuộc rất nhiều vào con sông này. Điều đáng mừng là đến hôm nay, mọi chuyện đã khác. Giữa tháng 6/2022 với những giờ nóng kỷ lục, khô khát nhất, chúng tôi có dịp đi qua những làng quê ven bờ sông Hiếu và đã cảm nhận được sự ngọt ngào của dòng nước từ con sông quê hiền hòa khi công trình đập ngăn mặn sông Hiếu đi vào vận hành, sử dụng…

Nước nhiễm mặn, đồng khô, cỏ cháy

Trong ký ức của ông Nguyễn Thanh Lân, nguyên Cụm trưởng Cụm thủy nông Cam Lộ (giai đoạn 1986-2007), Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà (giai đoạn 2007-2014), người gắn bó và tường tận đất ruộng, nước nôi vùng thượng nguồn Cam Lộ, ám ảnh nhất vẫn là vào giữa vụ đông xuân, khi sông Hiếu bắt đầu nhiễm mặn, vậy là báo hiệu một mùa đồng khô cỏ cháy không thể cứu vãn đã cận kề.

Trong miên man câu chuyện với ông Lân, tôi được gợi nhớ lại vào năm 1977-1978, vì cũng hết sức sốt ruột bởi tình trạng mặn xâm nhập trên sông Hiếu, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho cây trồng và dân sinh, Phòng Thủy lợi huyện Bến Hãi (cũ) đã cho triển khai xây dựng một đập ngăn mặn bằng cách cừ tre hai bên, đổ đất ở giữa nơi eo thắt nhất của sông Hiếu đoạn qua thôn Định Xá, xã Cam Hiếu. Đây có thể xem là một giải pháp tình thế để giữ nguồn nước ngọt cho Trạm bơm Lâm Lang bơm tưới vào đồng ruộng.

Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu - Ảnh: Đ.T
Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu - Ảnh: Đ.T

Cũng xin nói thêm về Trạm bơm Lâm Lang có một không hai này. Ngay sau ngày tỉnh Quảng Trị được giải phóng, vào năm 1973, nước bạn Hungari đã viện trợ cho tỉnh một trạm bơm nước đặt trên sông Hiếu, nằm ở địa bàn thôn Lâm Lang, xã Cam Thủy, Cam Lộ. Đây là trạm bơm nước hiện đại nhất các tỉnh miền Trung lúc bấy giờ, có 4 máy, công suất một máy là 85 mã lực đặt trên một tổ hợp phao bằng thép nổi ở mặt nước có diện tích chừng 500 m2 . Máy chạy bằng dầu diesel. Cứ tính một máy trong một giờ tiêu thụ hết 16 kg dầu, thì một ngày đêm (24 giờ), cả 4 máy xài hết hơn 1,5 tấn dầu.

Trạm bơm có hệ thống ống dẫn nước bằng nhôm đường kính gần 1m đưa nước lên kênh mương và đảm nhận tưới cho khoảng 500 ha ruộng của các xã phía Đông Cam Lộ, từ Cam Thủy, Cam Thanh (cũ), băng qua Quốc lộ 1 đến tận xã Cam Giang (cũ). Ngoài Trạm bơm Lâm Lang, dọc hai bờ sông Hiếu lên phía thượng nguồn có rải rác một số trạm bơm của các hợp tác xã nông nghiệp và quy mô nhất là Trạm bơm Cam Lộ đặt tại thôn An Thái, xã Cam Tuyền được xây dựng vào năm 1983, ban đầu có đến 10 máy, công suất bơm nước 960 m3 /máy/ giờ, sau giảm xuống 7 máy và đặt cách nơi cũ khoảng 100 m. Hiện Trạm bơm Cam Lộ cùng với hệ thống thủy lợi Tân Kim- Đá Mài đã đảm bảo nước tưới cho 750 ha lúa/vụ của các địa phương thuộc huyện Cam Lộ.

Điều đáng nói là do đắp bằng đất, thủ công, thô sơ, nên chỉ cần có một trận mưa nguồn lớn, chưa nói đến lũ lụt, đập ngăn mặn ở thôn Định Xá kể trên lại bị cuốn trôi. Và nước mặn thừa cơ lấn lên phía thượng nguồn gây khó khăn rất lớn cho người dân trong trồng trọt, sinh hoạt. Điệp khúc đồng khô cỏ cháy xuân thu nhị kỳ lại tái diễn làm đảo lộn cuộc sống, sản xuất của người dân Cam Lộ, một phần của cư dân Đông Hà.

Ngăn mặn hiệu quả và hơn thế nữa...

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022), UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức lễ khánh thành công trình đập ngăn mặn sông Hiếu.

Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu nằm trong danh mục quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Công trình có nhiệm vụ kiểm soát mặn, ngọt; cấp nước sản xuất cho gần 1.300 ha đất nông nghiệp và gần 200 ha đất nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người; kết nối hạ tầng giao thông bộ hai bên bờ sông Hiếu; tạo cảnh quan môi trường đô thị và phát triển du lịch. Tổng mức đầu tư dự án sau khi thực hiện hoàn thành là trên 440 tỉ đồng.

Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà Trương Văn Hùng cho biết: Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu được đầu tư với nhiệm vụ phục vụ đa mục tiêu: Sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt; kết nối giao thông hai bên bờ sông Hiếu, đảm bảo lưu thông đường thủy; tạo cảnh quan môi trường, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch và tạo điểm nhấn kiến trúc trong quy hoạch tổng thể thành phố Đông Hà. Công trình hoàn thành và đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp; tạo động lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiên tiến và hiện đại; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Cam Lộ, thành phố Đông Hà nói riêng.

Trước đó, vào ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 4581/QĐUBND ban hành quy trình vận hành công trình đập ngăn mặn sông Hiếu để Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị và các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình quản lý, khai thác, vận hành. Trong quy trình vận hành công trình đập ngăn mặn sông Hiếu (kèm theo Quyết định số 4581/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh) đã xác định thời kỳ lũ sớm: Từ ngày 1/8 đến 15/9 hằng năm; thời kỳ lũ chính vụ: Từ ngày 16/9 đến 5/11 hằng năm; thời kỳ lũ muộn: Từ ngày 6/11 đến 31/12 hằng năm.

Các phương án phòng, chống thiên tai cho công trình đã được chuẩn bị chi tiết, cụ thể, chủ động, nhất là vào mùa mưa lũ hằng năm. Về mùa kiệt: Từ ngày 1/1 đến 31/7 hằng năm. Trong mùa kiệt phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết, diễn biến lượng mưa thượng nguồn và mực nước, độ mặn ở các Trạm đo Đông Hà, Thạch Hãn, Cửa Việt và tại vị trí công trình trên sông Hiếu (phía thượng lưu). Khi mực nước phía thượng lưu công trình thấp hơn +0,60m hoặc độ mặn tại vị trí công trình lớn hơn hoặc bằng 4‰ thì đóng toàn bộ 3 cửa van điều tiết và đóng cửa van âu thuyền để ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo mực nước thượng lưu đập đúng mực nước yêu cầu.

Ông Nguyễn Thanh Lân chia sẻ, là người một đời gắn bó với công tác thủy nông trên vùng đất khó, ông thực sự phấn khởi và chia sẻ với niềm vui với hàng vạn nông dân sinh sống dọc đôi bờ sông Hiếu khi khát khao cháy bỏng là có dòng nước ngọt để sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh đã trở thành hiện thực. Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu đưa vào vận hành đã chấm dứt tình trạng đồng khô, cỏ cháy mỗi khi vào mùa hạn hán, ngăn mặn, giữ ngọt tốt, làm cho cảnh quan môi trường đôi bờ sông Hiếu luôn xanh sạch, trong lành, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển của sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nguy cơ đuối nước cao ở khu vực đập ngăn mặn sông Hiếu

Vũ Hoàng |

Nghỉ hè cùng với thời tiết nắng nóng nên những ngày này ở khu vực phía thượng lưu đập ngăn mặn sông Hiếu trên địa bàn Phường 3 và phường Đông Thanh, TP. Đông Hà (Quảng Trị) có nhiều trẻ em đến tắm sông.

Khánh thành công trình Đập ngăn mặn sông Hiếu vào cuối tháng 4/2022

Đức Việt |

Ngày 4/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đi kiểm tra hoàn thành công trình Đập ngăn mặn sông Hiếu để chuẩn bị tổ chức lễ khánh thành nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Cần có giải pháp phục hóa diện tích ruộng bỏ hoang vì nhiễm mặn

Hiếu Giang |

Gần một nửa trong tổng số 80 ha diện tích ruộng lúa của thôn Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã bỏ hoang khoảng 20 năm nay vì nhiễm mặn. Số diện tích còn lại canh tác lúa một vụ cũng “nhờ trời” vì không có hệ thống thủy lợi. Dù đất ruộng lúa tại đây được đánh giá là khá phì nhiêu nhưng do những nguyên nhân bất lợi nói trên nên đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của người dân địa phương.

Sông Hiếu nhiễm mặn gây khó khăn cho việc cấp nước tưới

Thanh Trúc |

Hơn 50 ha lúa của 320 xã viên thuộc Hợp tác xã (HTX) Hiếu Nam, xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) trong giai đoạn sinh trưởng đang đứng trước nguy cơ mất trắng do không có nước tưới. Nguyên nhân là từ hơn một tháng nay, tình trạng mặn xâm nhập trên sông Hiếu đã ảnh hưởng đến nguồn nước tưới trên địa bàn xã, trong đó có Trạm bơm Hiếu Nam, gây ảnh hưởng đến việc cấp nước sản xuất vụ hè thu cho diện tích lúa ở vùng này.