Mùa tuyển sinh đại học năm 2022, đa số các trường đại học dành đến 90% chỉ tiêu cho hai hình thức xét tuyển vào đại học bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi kết quả điểm thi tốt nghiệp năm nay không chênh lệch nhiều so với các năm trước, thì điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ lại tăng đột biến, không ít ngành có điểm chuẩn vượt ngưỡng 30 điểm, khiến phụ huynh, học sinh của Quảng Trị cũng như các nơi khác băn khoăn có nên tồn tại phương thức tuyển sinh đại học bằng học bạ hay không.
Theo thống kê của các trường đại học, nguyên nhân đầu tiên khiến điểm chuẩn của phương thức xét tuyển bằng học bạ các ngành thuộc nhiều trường năm nay tăng là do hồ sơ thí sinh nộp xét tuyển bằng học bạ tăng cao.
Tiếp theo do ảnh hưởng của COVID-19 đối với việc dạy và học trong 3 năm qua, các nhà trường áp dụng hình thức vừa dạy học trực tuyến, trực tiếp, kết hợp trực tuyến với trực tiếp; kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến nên phần nào điểm số cũng có “nới” hơn.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá giữa các trường THPT, trong đó có các trường THPT tại Quảng Trị không đồng đều nhau nên kết quả điểm trong học bạ của học sinh giữa các trường “vênh” nhau. Vì vậy, tuyển sinh đại học theo hình thức xét tuyển học bạ rất dễ dẫn đến thiếu công bằng, gây thiệt thòi cho học sinh. Việc tuyển sinh này đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Để tăng cơ hội vào đại học, em N.H., Trường THPT Đông Hà chọn cách đăng ký xét tuyển học bạ vào một số ngành, trong đó có ngành báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Điểm trung bình ba môn xét tuyển theo khối D01 của H. đạt 26,75 điểm, cao hơn 1 điểm so với điểm chuẩn học bạ năm trước của ngành này nên H. hy vọng có thể trúng tuyển.
Tuy nhiên, khi trường công bố điểm trúng tuyển các ngành của năm học 2022-2023 theo hình thức xét tuyển bằng học bạ thì H. lại không đạt bởi điểm chuẩn năm nay là 29,5, tăng 3,75 điểm so với năm 2021- 2022. Nhiều học sinh của Quảng Trị cũng đã không trúng tuyển vào các trường đại học theo hình thức xét tuyển học bạ vì năm nay điểm chuẩn tăng quá cao.
Đơn cử, tại Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm có điểm chuẩn học bạ tăng cao so với năm trước. Các ngành sư phạm: Sinh tăng 7,5 điểm; Lịch sử và Địa lý tăng 6,75 điểm, Khoa học tự nhiên tăng 8 điểm...
Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD&ĐT đã tiến hành đối sánh điểm thi tốt nghiệp với điểm học bạ của các trường trên cả nước. Kết quả, môn thi nào cũng có điểm học bạ cao hơn điểm thi.
Nhiều địa phương dẫn đầu về điểm trung bình học bạ các môn nhưng lại có trung bình điểm thi tốt nghiệp tụt dốc, tiêu biểu nhất là môn tiếng Anh. Cụ thể, điểm trung bình học bạ môn tiếng Anh lớp 12 của cả nước là 7,27; mốc điểm có nhiều học sinh đạt được nhất là 8,0 điểm.
Tuy nhiên, kết quả thi môn này thì điểm trung bình là 5,15; mốc điểm nhiều thí sinh đạt nhất chỉ 3,8. Đây là mức chênh quá lớn để các trường xem lại cách dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh.
Kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ năm nay cho thấy việc tuyển sinh bằng hình thức xét học bạ đang nảy sinh tình trạng “làm đẹp” cho điểm học bạ, gây mất công bằng đối với học sinh. Lường trước tình trạng “làm đẹp” điểm học bạ, một số trường đại học đã không xét tuyển theo phương thức xét học bạ hoặc có trường đưa thêm nhiều tiêu chí sàng lọc khi xét tuyển học bạ.
Theo Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Ngoại ngữ, Sở Giáo dục Quảng Trị, nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra các quy chế thi, tuyển sinh. Giai đoạn từ năm 1998- 2004 có quy chế tuyển thẳng đại học đối với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi.
Năm đầu tiên áp dụng, số học sinh được tuyển thẳng rất ít, có tỉnh chỉ 3-5 em. Đến năm thứ 2, số học sinh được tuyển thẳng tăng lên hàng chục lần, bắt đầu nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong cách cho điểm học bạ và điểm thi. Trước thực trạng này, năm học 2004- 2005, Bộ GD&ĐT bỏ hình thức tuyển thẳng đại học, chỉ cộng điểm thưởng cho học sinh tốt nghiệp giỏi.
Năm 2006, Bộ GD&ĐT bỏ luôn việc thưởng điểm. Cuối năm 2006, quy chế mới chỉ còn diện tuyển thẳng đại học đối với học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba quốc gia kèm theo yêu cầu học sinh phải tốt nghiệp THPT loại khá trở lên.
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đổi mới phương thức thi theo hướng giảm áp lực và tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, làm cơ sở cho xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp THPT bao gồm 50% trung bình điểm thi và 50% điểm trung bình cả năm lớp 12. Từ đó, đã nở rộ hiện tượng “làm đẹp” học bạ lớp 12 của nhiều trường.
Hội nhập với thế giới, tuyển sinh đại học ở nước ta ngày càng đa dạng hóa, với hàng chục phương thức xét tuyển như: dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT, kết quả học tập theo tổ hợp môn, kết quả kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng lực chuyên biệt,...); tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT; dựa vào giải học sinh giỏi quốc gia; học lực kết hợp phỏng vấn; chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; kết hợp học bạ với năng khiếu...
Sự đa dạng này mang tính tích cực, tiến bộ, tạo cơ hội cho học sinh học đại học, mỗi phương thức có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nếu không có phương án, biện pháp hạn chế tiêu cực sẽ gây nhiều hệ lụy. Thực trạng điểm chuẩn đại học theo phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ theo hướng “lạm phát” như hiện nay đang đặt ra nhiều mối lo về chất lượng thật sự của giáo dục.
Ông Hồ Sỹ Anh đề xuất, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc lại phương thức xét tuyển bằng học bạ. Nên chăng không tính điểm học bạ nữa, sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, kết hợp với thi đánh giá năng lực như một số trường đại học đã thực hiện có độ tin cậy, tín nhiệm cao trong tuyển sinh.
Tiến tới thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (trung tâm khảo thí) độc lập với Bộ GD&ĐT để tiến hành kiểm hành, đánh giá học sinh sau khi học xong chương trình lớp 12, lấy kết quả kiểm tra đáng tin cậy đó làm một điều kiện cần để xét tuyển đại học nhằm mang lại sự công bằng cho học sinh; giảm thiểu tiêu cực về điểm số từ học bạ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)