Những yếu tố tạo nên mùa vàng

Thanh Trúc |

Năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay đã đem lại niềm phấn khởi cho nông dân khắp các địa phương trong tỉnh khi bước vào thu hoạch lúa vụ đông xuân 2020 - 2021. Tiến hành trong điều kiện chồng chất khó khăn sau các đợt thiên tai liên tiếp xảy ra vào cuối năm 2020, vụ đông xuân 2020 - 2021 đã được mùa trọn vẹn nhờ sự quyết tâm từ cả hệ thống chính trị cho đến người dân, sự nỗ lực vượt bậc trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai sản xuất vụ mùa đã được đền đáp xứng đáng.

Nhiều điểm mới trong vụ đông xuân

Vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh gieo trồng 25.650 ha lúa, đạt 100,6% kế hoạch. Trong đó diện tích lúa chất lượng cao ước đạt trên 19.000 ha, diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn ước đạt 5.000 ha. Theo dự ước, năng suất lúa đạt 60,51 tạ/ha, sản lượng ước hơn 155.208 tấn. Đây là lần đầu tiên năng suất lúa vụ đông xuân toàn tỉnh đạt trên 60 tạ/ha, cá biệt có nơi năng suất lúa đạt 76 tạ/ha như ở HTX Văn Quỹ, xã Hải Phong (Hải Lăng).

Triển khai gieo trồng vụ đông xuân trong điều kiện thời tiết bất lợi, ảnh hưởng nặng nề của các đợt lũ lịch sử năm 2020, đầu vụ gieo cấy gặp rét đậm, rét hại, tuy nhiên chưa có vụ sản xuất nào nông dân HTX Văn Quỹ, xã Hải Phong được mùa như vụ này. “Toàn HTX gieo trồng 155 ha lúa các loại, vụ mùa này đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay, ước khoảng 76 tạ/ha, nông dân rất phấn khởi. Các giống lúa như ST 24, An Sinh có năng suất, chất lượng cao, người dân trông chờ lúa được giá để bán ra, phần nào giải quyết những khó khăn sau thiên tai vừa qua”, Giám đốc HTX Văn Quỹ, xã Hải Phong Nguyễn Bá Chánh chia sẻ.

Nông dân huyện Vĩnh Linh thu hoạch lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 - Ảnh: T.T​
Nông dân huyện Vĩnh Linh thu hoạch lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 - Ảnh: T.T​

Ngay từ đầu vụ, ngành chức năng đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt trên 90% diện tích sử dụng giống lúa đảm bảo phẩm cấp, nhiều giống lúa mới ngắn ngày có tiềm năng được đưa vào sản xuất. Cùng với đó là chú trọng bố trí, điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp, áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Nét nổi bật trong sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 là có trên 90% diện tích sử dụng giống lúa đảm bảo phẩm cấp, nhiều giống lúa mới ngắn ngày có tiềm năng được đưa vào sản xuất. Việc ứng dụng khoa họckỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã giảm chi phí sản xuất trên đơn vị diện tích, nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, góp phần tăng thu nhập và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Diện tích sản xuất theo phương thức có hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm là 630 ha. Đây là động lực để khuyến khích nông dân thay đổi phương thức sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thúc đẩy dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới, khoa học kỹ thuật, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh đã chọn được một số giống lúa thuần có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn như QR1, Dự Hương 8, VNR20, DCG66...

Tiến hành đồng bộ trong công tác chỉ đạo và tổ chức sản xuất

Với sự quyết tâm từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai phương án khắc phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, khẩn trương triển khai sản xuất vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020 - 2021 của tỉnh, toàn tỉnh đã khôi phục 1.274,5 ha đất sản xuất bị vùi lấp để triển khai sản xuất đúng thời vụ. Ngành nông nghiệp đã khẩn trương phân bổ 1.198 tấn giống lúa, 87,3 tấn giống ngô, 15 tấn giống rau, 200 tấn giống lạc, 4.500 tấn giống hom sắn cho người dân sản xuất từ nguồn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, UBMTTQVN và các tổ chức, cá nhân khác.

Trong các đợt ra quân cải tạo đồng ruộng, đã có nhiều cách làm năng động để khắc phục hậu quả thiên tai, kịp thời triển khai sản xuất, tiêu biểu như ở HTX Nông nghiệp Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Quyền Giám đốc HTX Nông nghiệp Triệu Thuận Nguyễn Đình Thăng cho biết: “Ngoài việc vận động người dân tự san lấp cải tạo ruộng đồng, HTX đã đầu tư kinh phí gần 280 triệu đồng thuê máy hỗ trợ san ủi gần 7 ha diện tích ruộng bị bồi lấp dày, nạo vét hàng chục cây số kênh mương nội đồng để khơi thông dòng chảy, đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích, trong đó chủ yếu là giống lúa ngắn ngày. Năng suất bình quân ước đạt 64 tạ/ha, người dân rất phấn khởi vì đây là vụ mùa có năng suất cao nhất từ trước đến nay”.

Trong quá trình chỉ đạo triển khai sản xuất, ngành nông nghiệp tăng cường cử cán bộ về cùng các địa phương để hướng dẫn khắc phục hậu quả thiên tai, điều tra dịch bệnh, nhất là khôi phục đồng ruộng, tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại trên cây trồng... Đồng thời kết nối, mời gọi các doanh nghiệp liên kết với các HTX, tổ hợp tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Đánh giá những kết quả nổi bật trong sản xuất lúa vụ đông xuân 2020 - 2021, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, có nhiều nguyên nhân góp phần làm nên thắng lợi của vụ đông xuân, trong đó quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và ngành chức năng, sự quyết tâm khôi phục sản xuất sau thiên tai của người dân. Bên cạnh đó, người dân đã tuân thủ nghiêm túc cơ cấu giống và khung lịch thời vụ trên cơ sở định hướng của ngành nông nghiệp và địa phương, điều kiện thời tiết từ đầu đến cuối vụ cơ bản thuận lợi. Sau lũ lụt, lượng phù sa dồi dào đã giúp cây trồng phát triển tốt, các đối tượng dịch hại ít gây hại đến cây trồng. Đối với công tác giống, vụ đông xuân 2020 - 2021, ngoài nguồn giống hỗ trợ của trung ương và các tổ chức, cá nhân, người dân trực tiếp mua giống ở các đơn vị cung ứng giống có địa chỉ tin cậy, giống đảm bảo đúng chủng loại, chất lượng, góp phần tăng năng suất, sản lượng.

Những cơ sở quan trọng góp phần đưa vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi cũng chính là bài học kinh nghiệm quý báu để ngành nông nghiệp cũng như người dân áp dụng, tuân thủ chặt chẽ để tiếp tục thu được nhiều vụ mùa bội thu sắp tới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Liên kết trồng 4.000ha lúa hữu cơ, VietGAP

Công Điền |

Dự án liên kết hướng đến mục tiêu năm 2025 toàn tỉnh Quảng Trị có trên 1.000ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ và 3.000ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cần xây dựng cụ thể quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP

Kăn Sương |

Đó là kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) chiều nay 29/4/2021 về Đề án sơ bộ phát triển lúa VietGAP, lúa hữu cơ Quảng Trị. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam tham dự buổi làm việc.

Giá lúa gạo bật tăng trở lại, xuất khẩu gạo lạc quan

Vũ Long |

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuy giảm nhưng vẫn ổn định ở mức cao; giá lúa gạo trong nước bật tăng trở lại.

Hải Lăng chú trọng sản xuất lúa hữu cơ

Võ Văn Hạ |

Là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) xác định việc mở rộng diện tích, đầu tư, thâm canh tăng năng suất cây trồng, nhất là đối với cây lúa là nhiệm vụ quan trọng đối với địa phương. Đặc biệt, huyện luôn chú trọng tiếp tục xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung theo đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quản lý sử dụng nhãn hiệu gạo Hải Lăng để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp tục tìm kiếm, đưa vào thử nghiệm một số giống lúa mới có triển vọng; tổ chức sản xuất giống lúa, lúa đặc sản, lúa hữu cơ tập trung theo hướng liên kết với các công ty để tiêu thụ, tạo sản phẩm hàng hóa…