Hải Lăng chú trọng sản xuất lúa hữu cơ

Võ Văn Hạ |

Là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) xác định việc mở rộng diện tích, đầu tư, thâm canh tăng năng suất cây trồng, nhất là đối với cây lúa là nhiệm vụ quan trọng đối với địa phương. Đặc biệt, huyện luôn chú trọng tiếp tục xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung theo đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quản lý sử dụng nhãn hiệu gạo Hải Lăng để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp tục tìm kiếm, đưa vào thử nghiệm một số giống lúa mới có triển vọng; tổ chức sản xuất giống lúa, lúa đặc sản, lúa hữu cơ tập trung theo hướng liên kết với các công ty để tiêu thụ, tạo sản phẩm hàng hóa…

Theo kế hoạch sản xuất, tổng diện tích gieo trồng lúa và màu hằng năm trên địa bàn huyện Hải Lăng đạt 17.967 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 86.832 tấn, trong đó cây lúa có diện tích gieo cấy 13.562 ha/năm, được cơ cấu bằng các loại giống chủ lực như: Khang Dân, An Sinh 1399, HN6, HT1, HC95, Thiên Ưu 8... Đây là những loại giống lúa cho năng suất, chất lượng cao và chống chịu được nhiều loại sâu bệnh, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đặc biệt là đảm bảo chất lượng tốt cho thương hiệu gạo Hải Lăng.

Gạo và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của Hải Lăng đã được người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: PV​
Gạo và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của Hải Lăng đã được người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: PV​

Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Lăng những năm gần đây là việc áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, bố trí lịch thời vụ hợp lý và đưa cơ giới vào sản xuất, rút ngắn được thời gian sản xuất, tránh được thiệt hại do thiên tai gây ra hằng năm, góp phần đưa năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha/vụ. Điều đáng ghi nhận là vụ sản xuất năm 2017, một số địa phương ở Hải Lăng tiến hành thực hiện sản xuất lúa hữu cơ để cung cấp sản phẩm gạo sạch ra thị trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người và từng bước cải tạo môi trường, hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Năm đầu tiên thực hiện, Hải Lăng có 4 HTX sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 17,5 ha, trong đó có 3 đơn vị liên doanh, liên kết với Công ty Ong Biển sản xuất 15,5 ha và HTX Kim Long, xã Hải Quế thực hiện 2 ha. Sau một năm triển khai sản xuất lúa hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch và được tiêu thụ mạnh trên thị trường, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở các HTX sản xuất nông nghiệp. Đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất lúa hữu cơ từ 2 ha trở lên được bố trí liền vùng, sử dụng các loại giống: Đài Thơm 8, Lộc Trời, ST24 và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học thì được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, mỗi năm hỗ trợ không quá 10 ha.

Bên cạnh đó, huyện tổ chức 10 lớp tập huấn trang bị kiến thức khoa học - kỹ thuật về sản xuất lúa hữu cơ cho trên 100 thành viên tham gia. Cùng với chính sách này, huyện Hải Lăng còn thành lập một Liên hiệp HTX gồm 8 đơn vị với 102 hộ nông dân tham gia, đó là các HTX Diên Khánh, Hưng Nhơn, Lam Thủy, Đại An Khê, Hà Lộc, Phước Điền, Văn Quỹ và HTX Kim Long. Diện tích được thực hiện trong vụ sản xuất đông xuân 2018-2019 đối với 8 đơn vị thuộc Liên hiệp HTX là 17,696 ha, gieo trồng các loại giống lúa giống lúa: Đài Thơm 8, ST24, Lộc Trời 1 và chỉ được sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm gồm các loại phân vi sinh, phân bón lá, chất khoáng và chế phẩm sinh học tự nhiên. Kết quả vụ sản xuất này, năng suất lúa hữu cơ ở Hải Lăng đạt từ 50 - 54 tạ/ha.

Anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Kim Long, xã Hải Quế cho biết, việc sản xuất lúa hữu cơ chỉ sử dụng phân vi sinh, phân bón lá, chất khoáng, chế phẩm sinh học tự nhiên nên cây lúa hấp thu, chuyển hóa, sinh trưởng chậm hơn và năng suất không bằng dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng sản xuất lúa hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Tại thời điểm hiện nay, giá mỗi cân gạo hữu cơ từ 25.000 đồng trở lên nên người sản xuất rất yên tâm. Từ kết quả đó, huyện Hải Lăng đã phối hợp với Công ty Ong Biển mở rộng diện tích 122,16 ha, trong đó có HTX sản xuất lúa hữu cơ với quy mô lớn như: HTX Phước Điền 36,8 ha, HTX Long Hưng 24 ha, HTX Đại An Khê 18 ha, Liên hiệp HTX 43,36 ha. Đối với các HTX sản xuất lúa cho Công ty Ong Biển được hỗ trợ phân bón, giống, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm nên các hộ sản xuất rất phấn khởi. Ngay vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021, mặc dù bị thiệt hại nặng nề do thiên tai nhưng các địa phương ở Hải Lăng vẫn phấn đấu gieo cấy trên 6.800 ha, trong đó có 33,4 ha lúa hữu cơ. Toàn bộ diện tích lúa ở Hải Lăng hiện đang phát triển tốt hy vọng sẽ có cho năng suất cao trong vài tháng sắp tới.

Anh Lê Đình Lễ, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết: “Việc sản xuất lúa hữu cơ luôn được huyện Hải Lăng hết sức quan tâm vì không chỉ sản xuất ra gạo sạch, đảm bảo tốt sức khỏe con người, cải tạo môi trường mà còn làm thay đổi nhận thức của nông dân đang lạm dụng nhiều loại hóa chất trong sản xuất làm thoái hóa đất đai, ảnh hưởng lâu dài đến năng suất, chất lượng cây trồng. Vấn đề đặt ra đối với địa phương trong việc sản xuất lúa hữu cơ và các loại nông sản sạch là quy hoạch đất đai liền vùng, liền khoảnh để sử dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, nhất là đưa các loại giống lúa chất lượng cao vào gieo trồng.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên thị trường để người tiêu dùng biết được quy trình sản xuất lúa hữu cơ và chất lượng an toàn của lúa hữu cơ để tiêu thụ đúng sản phẩm. Khó khăn đối với người sản xuất lúa hữu cơ đang gặp phải, đó là không sử dụng các loại hóa chất nên phải mất nhiều công sức xử lý cỏ dại và trên địa bàn chưa có nhà máy sấy lúa nên tốn kém trong khâu vận chuyển của các công ty làm ảnh hưởng đến việc thu mua sản phẩm cho người sản xuất. Đây là vấn đề mà các cấp, ngành và các đơn vị liên doanh, liên kết cần quan tâm hỗ trợ người sản xuất trên địa bàn để Hải Lăng ngày càng phát triển mạnh việc sản xuất lúa hữu cơ, cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng ngày càng nhiều.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gạo - mũi nhọn của ngành nông nghiệp năm 2021

Nguyễn Văn Lợi |

Dự báo năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục chiếm ngôi vị số 1 thế giới, giá gạo Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức cao.

Quảng Trị đề nghị hỗ trợ hơn 800 tấn gạo cho người dân vùng thiên tai dịp Tết Nguyên đán

Tiến Nhất |

Ngày 14/1, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã có văn bản gửi Trung ương đề nghị hỗ trợ hơn 800 tấn gạo tới nhân dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ không phải do thiếu lương thực

Lâm Phan |

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt: Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang dư thừa lương thực, đủ sức phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chế biến.

Tạo tiền đề để nâng cao chất lượng gạo Quảng Trị

Đan Tâm |

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tính đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị xác định quan điểm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên 3 trụ cột chính, trong đó nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế. Đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, cũng đã xác định rõ: Các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương trong đó có công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên. Từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhiều địa phương trong tỉnh bước đầu đã hình thành thương hiệu gạo sạch, góp mặt trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Đây là tiền đề quan trọng để góp phần xây dựng thương hiệu gạo mang đặc trưng Quảng Trị trong tương lai gần.