Gạo - mũi nhọn của ngành nông nghiệp năm 2021

Nguyễn Văn Lợi |

Dự báo năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục chiếm ngôi vị số 1 thế giới, giá gạo Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức cao.

Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới

Sau khi chiếm ngôi vị “Gạo ngon nhất thế giới”, gạo ST25 của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua chiếm được sự quan tâm của cả người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Các giống lúa chất lượng cao ST đang được đẩy mạnh sản xuất, nhân rộng diện tích để đáp ứng thị trường.

Nhờ có nhiều giống gạo ngon, Việt Nam chiếm vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Ảnh: Nguyễn Quang Lợi
Nhờ có nhiều giống gạo ngon, Việt Nam chiếm vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Ảnh: Nguyễn Quang Lợi

Với diện tích cánh đồng lúa ST25 trải rộng trên 600ha, cánh đồng lúa của ông Lê Văn Long - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi - xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đang là mô hình điển hình của cánh đồng mẫu lớn.

Ông Lê Văn Long cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu bệnh, năng suất lúa vụ này đạt khá, việc tiêu thụ lúa cũng rất thuận lợi; khi thu hoạch xong, lúa được giao bán ngay theo hợp đồng đã ký kết với Công ty Cổ phần gạo Ông Thọ Sài Gòn với giá bán tại ruộng đạt 7.700 đồng/kg.

Tại trại Nghiên cứu và sản xuất giống lúa ST của kỹ sư Hồ Quang Cua, cánh đồng nhân giống có diện tích gần 10ha, sản xuất lúa giống đầu dòng với các giống chủ lực ST25, ST24, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, qua quá trình chọn lọc, lai tạo giống lúa thơm ST ngắn ngày, có thể gieo trồng quanh năm, có khả năng kháng sâu bệnh và đạt năng suất cao hơn hẳn giống lúa thơm mùa mỗi năm chỉ trồng được một vụ.

Đặc biệt, ưu điểm các giống lúa thơm ST, kể từ giống ST20 đến ST24, ST25 đã khẳng định được đỉnh cao về phẩm chất gạo ngon, liên tiếp đạt giải cao nhất trong các cuộc thi gạo ngon trong nước và thế giới.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NNPTNT có biện pháp phối hợp, xây dựng đề án phát triển sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo ngon Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý về hoạt động sản xuất, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy nhanh mở rộng vùng sản xuất giống lúa ST25.

Chế biến sâu gia tăng giá trị gạo Việt

Năm 2020, giá gạo Việt Nam đã bứt phá vươn lên vị trí số 1, vượt qua cả gạo Thái Lan và giúp Việt Nam chiếm vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Theo ông Phạm Thái Bình - một trong những doanh nhân chuyên xuất khẩu gạo chất lượng cao, xuất khẩu gạo năm 2021 tiếp tục là ngành mũi nhọn mang lại giá trị kim ngạch cao. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức cao trong năm 2021 này.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Lúa gạo là ngành có sự đổi mới rất nhanh về công nghệ trong hệ sinh thái nông nghiệp.

"Hiện nay, chúng ta đã có bộ tổ hợp giống lúa chất lượng cao, phù hợp với từng mùa vụ, từng vùng sinh thái. Thực tế, trong bản đồ gen công bố năm 2015, có đến 90% lượng giống lúa đều là sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bằng nhiều giai đoạn kế tiếp, cho đến nay, chúng ta đã có quy trình công nghệ tương đối toàn diện cho phát triển ngành lúa gạo. Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến cũng ngày càng phát triển, các công nghệ chế biến gạo tốt nhất, hiện đại nhất đã được các doanh nghiệp ứng dụng. Hiện nay, có đến 85% số lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam là gạo chất lượng cao.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Quảng Trị đề nghị hỗ trợ hơn 800 tấn gạo cho người dân vùng thiên tai dịp Tết Nguyên đán

Tiến Nhất |

Ngày 14/1, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã có văn bản gửi Trung ương đề nghị hỗ trợ hơn 800 tấn gạo tới nhân dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ không phải do thiếu lương thực

Lâm Phan |

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt: Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang dư thừa lương thực, đủ sức phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chế biến.

Tạo tiền đề để nâng cao chất lượng gạo Quảng Trị

Đan Tâm |

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tính đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị xác định quan điểm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên 3 trụ cột chính, trong đó nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế. Đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, cũng đã xác định rõ: Các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương trong đó có công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên. Từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhiều địa phương trong tỉnh bước đầu đã hình thành thương hiệu gạo sạch, góp mặt trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Đây là tiền đề quan trọng để góp phần xây dựng thương hiệu gạo mang đặc trưng Quảng Trị trong tương lai gần.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại tăng kỷ lục, lập đỉnh mới

Vũ Long |

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 3.1.2021 đã ở mức cao nhất: 505 USD/tấn, là mức cao kỷ lục trong 9 năm gần đây.