Tạo tiền đề để nâng cao chất lượng gạo Quảng Trị

Đan Tâm |

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tính đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị xác định quan điểm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên 3 trụ cột chính, trong đó nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế. Đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, cũng đã xác định rõ: Các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương trong đó có công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên. Từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhiều địa phương trong tỉnh bước đầu đã hình thành thương hiệu gạo sạch, góp mặt trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Đây là tiền đề quan trọng để góp phần xây dựng thương hiệu gạo mang đặc trưng Quảng Trị trong tương lai gần.

Quảng Trị hiện có trên 70% dân số và lao động đang sống ở vùng nông thôn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Những năm gần đây, trong tiến trình phát triển sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị, bên cạnh các loại cây trồng chủ lực khác, cây lúa được ưu tiên đầu tư và đang có bước chuyển biến tích cực từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất hữu cơ, canh tác tự nhiên gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đang phấn đấu để có diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao bình quân hằng năm đạt trên 80% tổng diện tích gieo trồng lúa, trong đó diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng nhận, có liên kết đạt từ 11.000 - 12.000 ha.

Gạo hữu cơ Quảng Trị đã có mặt trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng - Ảnh: Đ.T​
Gạo hữu cơ Quảng Trị đã có mặt trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng - Ảnh: Đ.T​

Phấn đấu giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân hằng năm tăng 2,5 - 3%. Sản lượng lương thực có hạt ổn định 25 - 26 vạn tấn/năm. Chuyển đổi sản xuất cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng từ chú trọng sản lượng sang chất lượng và giá trị, sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, giá trị gia tăng lớn; hạn chế ô nhiễm môi trường. Chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến để tăng giá trị sản phẩm. Xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo sạch địa phương gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để cây lúa phát triển bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp (giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp của tỉnh hiện đang ở mức trung bình, đạt 58,9 triệu đồng/ha) thì việc thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được xem là bước đột phá. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở tỉnh hiện nay là quá trình đổi mới, sắp xếp lại các yếu tố liên quan đến chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp từ khâu quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Quá trình này diễn ra trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra sự đổi mới theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nói cách khác, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích phù hợp với đặc điểm, lợi thế của các vùng, từ gò đồi, miền núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển của tỉnh. Cùng với đó là tiến hành tích tụ, tập trung đất đai tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển toàn diện, nhất là sản xuất cây lúa.

Trong xu thế phát triển hiện nay, tích tụ và tập trung ruộng đất là một tất yếu. Các hoạt động này giúp cho người nông dân phá vỡ thế manh mún, là điều kiện quyết định mở rộng sản xuất, tạo điều kiện để thực hiện chuyên môn hóa trong sản xuất, thuận tiện cho quá trình áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa và tổ chức sản xuất. Tích tụ, tập trung được đất đai mới hình thành những vùng sản xuất lúa tập trung, cánh đồng lớn, tạo ra được sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Ở những vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh, cần chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ sang kinh tế liên kết, hợp tác.

Hiện nay, người dân chủ yếu sản xuất lúa theo quy mô hộ cá thể, manh mún, mạnh ai nấy làm nên năng suất, chất lượng không cao, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Vì vậy, phải tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với hợp tác xã, doanh nghiệp với người dân; liên kết vùng, giữa các địa phương… tạo ra sản phẩm lúa gạo số lượng lớn, chất lượng cao. Do vậy, cần chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm gạo sạch mà thị trường cần và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nhằm tăng giá trị sản xuất, hạn chế rủi ro. Để đạt được điều này cần nâng cao kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của người nông dân trong quá trình sản xuất. Người nông dân phải được đào tạo nghề và được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp nhằm tạo sự liên kết trong quá trình cung cấp các yếu tố đầu vào và bao tiêu đầu ra, hình thành nên chuỗi giá trị trong quá trình sản xuất nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển và tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa lớn. Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm tạo ra giá trị cao hơn, chủ động được khâu chế biến, bảo quản sản phẩm sẽ chủ động hơn trong khung lịch thời vụ và tránh tình trạng được mùa mất giá.

Một trong nhiều vấn đề mà những địa phương đang tiến hành sản xuất gạo sạch, gạo chất lượng cao là cần được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường, đây là động lực chính để tạo ra các sản phẩm gạo hàng hóa đặc trưng của từng địa phương, có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu trưng bày sản phẩm, tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ nông sản. Phát triển mạnh các hình thức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thể hiện vai trò “bà đỡ” cho người nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tốt chức năng cầu nối giữa người dân với thị trường, hỗ trợ người dân trong việc cung cấp dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, một trong những khó khăn của người dân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa, chế biến, tiêu thụ gạo là nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất. Tỉnh cần quan tâm tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay và nâng mức vốn vay để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Hằng năm, tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ, khuyến khích nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Chú trọng công tác giống và nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi hiện có để phát huy tối đa năng lực thiết kế; đảm bảo tưới chủ động trên 90% diện tích đất trồng lúa 2 vụ, ngăn mặn giữ ngọt 15.500 ha; tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư; chủ động tiêu úng 21.500 ha đất sản xuất nông nghiệp. Phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đảm bảo an toàn hồ chứa cũng là những điều kiện rất quan trọng để đảm bảo ổn định diện tích đất trồng lúa chủ động nước tưới, đạt năng suất cao.

Trong giai đoạn hiện nay, việc thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp nhằm hướng người trồng lúa làm ra sản phẩm lúa gạo đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng được thương hiệu, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, nâng cao giá trị lúa gạo Quảng Trị, từng bước xây dựng thương hiệu gạo Quảng Trị, để người trồng lúa có thể thu được lợi nhuận cao hơn trong quá trình sản xuất lúa ở những địa bàn thuận lợi trong tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại tăng kỷ lục, lập đỉnh mới

Vũ Long |

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 3.1.2021 đã ở mức cao nhất: 505 USD/tấn, là mức cao kỷ lục trong 9 năm gần đây.

Cam Lộ lan tỏa yêu thương bằng mô hình “ATM gạo”

Lê Trường |

Cứ đều đặn thứ 5 hàng tuần, rất đông bà con nhân dân có mặt tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để được nhận gạo hỗ trợ.

Giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong 9 năm qua

PV |

Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2011 do tình trạng thiếu container khiến giá cước vận chuyển tăng vọt.

Gạo sạch Triệu Phong “lên ngôi”

Nhơn Bốn |

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai tích cực, có hiệu quả , đặc biệt là sản phẩm gạo sạch Triệu Phong (Quảng Trị) đã “lên ngôi” khi được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041-2:2017. Đây cũng là sản phẩm gạo đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Trị đến thời điểm này được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.