Trong hành trình dựng xây quê hương phát triển, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn đối mặt với nhiều thích thức và khó khăn. Thế nhưng với tinh thần “Không chịu lùi lại phía sau”, xã Ba Tầng đã và đang cố gắng để làm nên những nụ cười vui hòa trong sắc nắng nơi biên cương Tổ quốc.
Vươn lên dựng xây làng bản
Nằm cuối cùng của trục đường Lìa, xã Ba Tầng với diện tích rộng khoảng 60,65km2 chủ yếu là rừng tự nhiên, thế nhưng cứ hết đời này qua thế hệ khác, người Vân Kiều theo thói quen canh tác truyền thống cứ ”đuổi” dần những cánh rừng đi khỏi địa giới hành chính của địa phương mình. Rừng hờn. Rừng giận. Rừng không giữ đất, giữ nước cho con người có nơi sản xuất, cứ thế theo thời gian, đất cằn cỗi, bạc màu nên cái đói, cái nghèo cũng tăng dần và quẩn quanh trong những nếp nhà sàn tàn tạ. Ốm đau, thất học, thiếu ăn, thiếu mặc gần như đã trở thành thói quen thường nhật của những con người nơi vùng đất biên cương xa xôi, cách trở.
Chính sách đỏi mới đến với bản làng cùng sự đầu tư của Đảng và Nhà nước và tinh thần cố gắng vươn lên, thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn của người dân đã làm cho Ba Tầng vươn lên mang tầm sức sống mới.
Chúng tôi có mặt tại gia đình anh gia đình anh Hồ Văn Giản, 32 tuổi ở thôn Trùm trong niềm vui gia đình anh không còn nằm tronh danh sách hộ nghèo của địa phương. Anh Giản chia sẻ “Có được cuộc sống no đủ như ngày hôm nay là niềm vui lớn của gia đình chúng tôi. Niềm vui ấy đến từ sự quan tâm của các cấp, các ngành địa phương và của cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Ba Tầng nên gia đình anh đã không còn cảnh phải “giật gấu, vá vai” chạy ăn từng bữa như trước đây. Mấy năm nay cho dù dịch bệnh xảy ra, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ lớn nhưng gia đình tôi vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập bền vững từ việc chăn nuôi, trồng cây sắn, chuối...nên kinh tế gia đình ít bị ảnh hưởng và đã thoát được hộ nghèo để vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc”.
Không ngừng nâng cao trình độ, tầm hiểu biết cho người dân trong phát triển kinh tế, tại xã Ba Tầng đã có nhiều lớp học xóa mù chữ cho các chị em phụ nữ. Dù đã ở vào tuổi 57 nhưng bà Hồ Thị Thoong, cư dân của thôn A Dơi Đớ vẫn đều đặn đến lớp học xóa mù chữ của thôn do các thầy giáo “Quân hàm xanh”, Đồn Biên phong Ba Tầng giảng dạy. Chị Thoong tâm sự “Mình là đồng bào dân tộc, từ trước đến giờ chưa được học cái chữ, cuộc sống nơi vùng cao biên giới rất khó khăn, mình và nhiều chị em trong thôn lại mù chữ nên vất vả lắm. Giờ được đến lớp học chữ, mình thấy vui nhiều vì có chữ thì mình sẽ hiểu biết nhiều hơn để làm ăn, lo lắng cho gia đình phát triển kinh tế, thoát được cái nghèo”.
Hiện tại, xã Ba Tầng phát triển diện tích sắn lên đến hơn 600ha, năng suất bình quân đạt khoảng gần 18 tấn/ha đã trở thành cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, trong đó, có nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Bên cạnh cây sắn, xã Ba Tầng còn đẩy mạnh phát triển cây bời lời, cây chuối, rừng tràm, cây ăn quả, cao su, cà phê...để đang dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân. Ông Hồ Văn Băng, Chủ tịch UBND xã Ba Tầng cho biết “Để đưa xã Ba Tầng phát triển, Đảng bộ và các cấp chính quyền đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ngay tại địa phương, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và giúp đỡ người dân về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, tập trung phát triển một số loại cây trồng chủ lực nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm”.
Giữ vững biên cương
Xã Ba Tầng có đường biên giới dài hơn 10km, vì thế ngoài nhiệm vụ xây dựng kinh tế, người dân địa phương còn tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Thượng tá Đinh Quang Duyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết “Từ nhiệm vụ tuần tra đường biên cột mốc đến việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, chúng tôi luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân. Họ chính là những “cột mốc sống” giúp chúng tôi hoàn thành tốt sự nghiệp cao cả là bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”
Thực hiện Đề án 1555 của UBND tỉnh về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia giai đoạn 2019-2029” và Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới”, xã Ba Tầng đã có 138 hộ gia đình với 333 thành viên đăng ký tự quản 9,2km đường biên giới, bảo vệ 08 mộc quốc giới và thành lập 13 tổ “Tự quản an ninh trật tự thôn, bản” với 91 thành viên. Đây là những nhân tố “đỏ” để làm nòng cốt cho việc xây dựng “Lũy thép lòng dân” bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Đứng giữa mênh mông sắc màu của đất trời biên giới ngập tràn ánh nắng những ngày đầu mùa hạ, tôi cảm nhận được sự đổi thay tích cực của bản làng trên miền biên cương Ba Tầng. Đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây ngày càng sung túc, ấm no, phát triển để đẩy xa thời kỳ “tự sản, tự tiêu” làm cho nền kinh tế địa phương bó hẹp trong môi trường nhỏ hẹp, không dám vươn xa cùng bè bạn. Người dân tộc Vân Kiều xã Ba Tầng bây giờ đã biết làm mô hình kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm đem lại lợi nhuận cao, cho bản làng đổi thay từ chính trong mỗi ngôi nhà no ấm và cũng chính họ sẽ mãi tạo dựng nên thành trì bảo vệ sự vững bền biên cương Tổ quốc.