Đổi mới hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ở Ba Tầng

Thanh Hải |

Hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trong trường mầm non là một trong những yếu tố cốt lõi để đánh giá chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non của nhà trường. 

Vượt qua những thách thức của địa bàn xã vùng bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bằng sự nỗ lực quyết tâm cao và tình yêu nghề, mến trẻ, tập thể sư phạm Trường Mầm non Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn bám trường, bám bản, không ngừng đổi mới sáng tạo trong chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng ở vùng rẻo cao biên giới phía Tây của tỉnh về bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục mầm non, đưa trẻ em đến trường để được chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ..., để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Ba Tầng là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn ở phía Nam của huyện Hướng Hóa, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại không thuận lợi, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Điều đáng ghi nhận là xã Ba Tầng hiện có số lớp và tỉ lệ huy động trẻ mầm non đến trường cao nhất trong các xã vùng bản của huyện Hướng Hóa, tỉ lệ huy động luôn đạt trên 92%. Năm học 2023-2024, toàn xã có 15 lớp học với 409 trẻ mầm non các độ tuổi, trong đó trẻ mẫu giáo 4 tuổi và 5 tuổi huy động đạt tỉ lệ 100%.

Cô trò cùng học, cùng chơi -Ảnh: N.T.H
Cô trò cùng học, cùng chơi -Ảnh: N.T.H

Đến nay, nhờ làm tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, trẻ đến học ở trường mầm non có sự phát triển khá toàn diện nên người dân tin tưởng, chủ động đưa con đến trường theo học chương trình giáo dục mầm non, không còn cảnh giáo viên phải đi từng nhà vận động để đón trẻ đến lớp như trước.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Tầng Đỗ Thị Diễm Ngọc cho biết, một trong những thành công lớn nhất trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là huy động nguồn lực tổ chức bán trú để nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Năm 2015, Trường Mầm non Ba Tầng có 12 lớp học nhưng chỉ có 4 phòng học, còn lại đi mượn lớp ở trường tiểu học và nhà dân để tổ chức dạy học. Từ năm 2016 đến năm 2019, bằng ngân sách địa phương và nguồn vận động xã hội hóa đã xây dựng đảm bảo đủ 15 phòng học cho học sinh ở điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ.

Về công tác tổ chức bán trú, tập thể Trường Mầm non Ba Tầng đã nỗ lực phối hợp với phụ huynh, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn xã để tìm ra những cách làm mới trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ phù hợp với thực tế của địa phương.

Ngoài việc sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách, nhà trường đã huy động sự hỗ trợ từ các đơn vị, cá nhân hảo tâm đầu tư xây dựng 4 bếp ăn với trị giá gần 600 triệu đồng; xây dựng 6 mái che làm nhà ăn cho trẻ, trị giá gần 300 triệu đồng; tài trợ 4 giếng khoan với số tiền 120 triệu đồng và 1 công trình lọc nước 60 triệu đồng phục vụ cho học sinh và Nhân dân.

Trong 3 năm (2020-2023) các đơn vị, cá nhân hảo tâm đã hỗ trợ đồ dùng bán trú như tủ lạnh, nồi cơm điện, tủ đựng chén bát... với trị giá gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà trường huy động tài trợ bữa ăn bán trú cho trẻ từ Tổ chức Vòng Tay Thái Bình - Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị hỗ trợ cho trẻ tại hai điểm trường Vầng - Trùm từ năm 2020 - 2023 khoảng gần 500 triệu đồng; Câu lạc bộ Ánh Sao hỗ trợ cho 25 trẻ nhà trẻ năm học 2022-2023 với số tiền khoảng 25 triệu đồng.

“Thống kê nguồn vận động xã hội hóa từ năm 2016 đến nay, Trường Mầm non Ba Tầng đã được hỗ trợ tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng đầu tư xây dựng phòng học, mái che, bếp ăn và đồ dùng bán trú, tài trợ bữa ăn cho trẻ, góp phần để nhà trường có điều kiện thực hiện những đổi mới trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non.

Việc tổ chức được bán trú và huy động các nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đảm bảo đủ dinh dưỡng, giảm dần tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng qua từng năm đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về thói quen chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở vùng bản.

Đồng thời, tổ chức tốt bữa ăn tại trường sẽ hình thành cho trẻ thói quen trong ăn uống, giúp trẻ có các kỹ năng tốt hợp vệ sinh khi trẻ ở nhà. Đến nay, 100% trẻ được tổ chức bán trú tại trường; trẻ suy dinh dưỡng được hạn chế và hạ dần trong từng năm, hiện chỉ ở mức 11,5%”, cô Ngọc chia sẻ.

Để phối hợp thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, vào đầu năm học, nhà trường xây dựng nội dung hướng dẫn phụ huynh chăm sóc giáo dục trẻ ở nhà. Tại các điểm trường, ban giám hiệu, giáo viên tại các điểm trường dành nhiều thời gian đến từng gia đình để cùng nói chuyện, chia sẻ các kỹ năng cần thiết, thói quen sử dụng các đồ dùng ăn uống ở gia đình giúp trẻ hình thành tốt hơn các kỹ năng cần thiết.

Thông qua trao đổi trực tiếp với cha mẹ trẻ tại các cuộc họp, giờ đón trả trẻ để hướng dẫn phụ huynh trong việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tại nhà. Nhà trường cũng phối hợp tốt với phụ huynh trong công tác lao động vệ sinh, cải tạo khuôn viên, xây dựng vườn rau của trẻ nhằm giúp trẻ có rất nhiều nơi để vui chơi, trải nghiệm cũng như cung cấp rau sạch cho các bữa ăn của trẻ tại trường.

Năm học 2021-2022, Trường Mầm non Ba Tầng đã đoạt giải Nhất cấp huyện và giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi “Xây dựng video hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại gia đình”. Kết quả, có 70% phụ huynh làm tốt việc nuôi dưỡng chăm sóc trẻ tại nhà như thôn Vầng, Ba Tầng và một số thôn khác.

Với sự đồng lòng, đồng sức, nỗ lực phấn đấu của tập thể sư phạm Trường Mầm non Ba Tầng, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Ba Tầng được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh; Bộ GD&ĐT tặng bằng khen.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về giáo dục mầm non, thì những đổi mới sáng tạo trong hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở Trường Mầm non Ba Tầng có ý nghĩa đặc biệt trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ, trở thành điểm sáng về đổi mới huy động và chăm sóc trẻ mầm non ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giáo dục kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh

Hiếu Giang |

Từ thực tế trong cả nước xảy ra nhiều vụ hoả hoạn, nhiều người gặp lúng túng trong việc xử lý tình huống và thoát nạn, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tỉnh Quảng Trị và các trường học đã phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Đây cũng là một nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện trong các cơ sở giáo dục.

3 giáo viên Quảng Trị được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen

Tú Linh |

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có quyết định tặng bằng khen cho 200 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu trong cả nước năm học 2022-2023 nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982 - 2023). Tỉnh Quảng Trị có 3 giáo viên được tặng bằng khen dịp này.

Giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non

Lệ Như |

Giáo dục trẻ em nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cần thiết, nhằm hướng đến xây dựng một môi trường “Xanh - sạch - đẹp - an toàn” cho chính các em. 

Phát huy quyền làm chủ của giáo viên trong cơ sở giáo dục

Ly Na |

Nhằm phát huy quyền làm chủ của giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động (NLĐ), góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giáo viên, NLĐ trong các cơ sở giáo dục, năm học 2023-2024, các cấp công đoàn trong tỉnh Quảng Trị đã chủ động, tích cực tham gia, phối hợp với người đứng đầu đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.