Giáo dục trẻ em nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cần thiết, nhằm hướng đến xây dựng một môi trường “Xanh - sạch - đẹp - an toàn” cho chính các em.
Để thực hiện điều đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là ban hành kế hoạch triển khai hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường (BVMT) và quy trình xử lý rác thải trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2026.
Trường Mầm non xã Xy, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được tách ra từ Trường THCS Xy từ năm 2006. Hiện nay, ngoài điểm chính, trường còn có 3 điểm lẻ với tổng số 253 cháu từ lớp trẻ đến lớp lớn, chủ yếu là con em của đồng bào Vân Kiều. 100% trẻ được học bán trú với điều kiện ăn ở chu đáo. Dù địa bàn xa xôi, nhiều trở ngại, nhưng những năm trở lại đây, Trường Mầm non xã Xy được đánh giá là trường có tỉ lệ huy động trẻ đến lớp ở mức cao.
Đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục, trường còn chú trọng đến công tác giáo dục BVMT cho các cháu bằng nhiều hoạt động cụ thể. Thực hiện theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, từ đầu năm học 2023-2024, Trường Mầm non xã Xy đã chủ động kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ vải thổ cẩm, kêu gọi sự hỗ trợ của giáo viên và phụ huynh may gần 100 túi xách bằng vải phát cho trẻ lớp lớn để đựng các dụng cụ cá nhân đến trường nhằm hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.
Cùng với đó, nhà trường còn trang bị các thùng rác có màu sắc khác nhau kèm hướng dẫn, ký hiệu để trẻ em dần làm quen với việc phân loại rác thải. Từ trước đến nay, khi các cháu đến lớp, phụ huynh thường sử dụng túi nilon để đựng các đồ dùng cá nhân cho các cháu. Từ khi trường triển khai tuyên truyền đến tận cán bộ, giáo viên và phụ huynh về thực phong trào “nói không với túi nilon”, đồng thời, giáo viên may túi vải tặng cho các cháu lớp lớn đựng đồ dùng cá nhân thay cho túi nilon, ý thức của phụ huynh và các cháu có thay đổi đáng kể.
Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục kêu gọi ủng hộ vải để may túi tặng cho các cháu lớp còn lại, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các đề tài, sáng kiến cụ thể, từ đó nâng cao nhận thức cho phụ huynh và trẻ về “nói không với sử dụng túi nilon”, dần hình thành thói quen cho mỗi trẻ và phụ huynh trong việc hạn chế sử dụng túi nilon trong cuộc sống hằng ngày, từ đó, lan tỏa trong cộng đồng để chung tay bảo vệ môi trường.
Với mục đích xây dựng môi trường trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn; nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ xử lý rác thải đúng quy trình; rèn kỹ năng sống cho trẻ mầm non phù hợp theo từng độ tuổi, từ đó giáo dục trẻ biết ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng bỏ rác đúng nơi quy định, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch triển khai hoạt động giáo dục BVMT và quy trình xử lý rác thải trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2026.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Minh cho biết: “Chúng tôi yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục BVMT và quy trình xử lý rác thải trong các cơ sở GDMN phải đảm bảo tính thường xuyên, chủ động và kịp thời. Các cơ sở GDMN phối hợp chặt chẽ, cụ thể với cha mẹ trẻ, cộng đồng và cơ quan đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT, phân loại, thu gom và xử lý rác thải đúng quy trình.
Đồng thời, yêu cầu 100% đơn vị GDMN tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các nội dung về giáo dục BVMT và quy trình xử lý rác thải trong trường mầm non. Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục BVMT và quy trình xử lý rác thải một cách hiệu quả. Xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện trong nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thể chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội của trẻ; có trách nhiệm giáo dục trẻ em ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung, giáo dục trẻ BVMT trong nhà trường, gia đình và nơi công cộng, giáo dục những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi nhằm hình thành ở trẻ thói quen, hành vi văn hóa chuẩn mực”.
Theo kế hoạch, ngành sẽ thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục BVMT. Xây dựng các góc trong lớp đảm bảo gần gũi, thân thiện, an toàn, gọn gàng, sạch đẹp và cần thay đổi theo từng chủ đề tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn trẻ. Cùng với đó, sẽ trang bị thiết bị, đồ chơi giáo dục thân thiện với môi trường. Về thùng rác, mỗi lớp học bố trí tối thiểu 1 thùng rác có nắp đậy đặt ở vị trí thuận lợi để đựng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế. Đối với nhà trường, ở mỗi điểm đặt 3 loại thùng rác ở vị trí phù hợp.
Song song với đó, nội dung giáo dục BVMT sẽ được tích hợp, lồng ghép trong chương trình GDMN hiện hành với các phương pháp, biện pháp cụ thể như: tuyên truyền, tích hợp lồng ghép thông qua các tiết học về BVMT, từ đó giúp trẻ được tham gia vào các hoạt động khác nhau. Một trong những phương pháp giáo dục mang lại hiệu quả cao đối với trẻ khi tổ chức hoạt động giáo dục ý thức BVMT là thực hành và trải nghiệm, điều này giúp trẻ củng cố kiến thức về môi trường xung quanh, giáo dục cho trẻ những thói quen hành vi nơi công cộng.
Bên cạnh đó, việc giáo dục ý thức BVMT cho trẻ còn được thực hiện thông qua tổ chức giờ ăn - ngủ cho trẻ; hoạt động lao động, lao động tự phục vụ. Phối hợp với gia đình để giáo dục BVMT cho trẻ, hướng dẫn trẻ cất giày, dép, đồ dùng cá nhân đúng nơi quy định...Tuyên truyền với phụ huynh hạn chế việc sử dụng đồ nhựa. Giáo viên phối hợp với phụ huynh cùng động viên và làm gương cho trẻ về ý thức BVMT.
Theo kế hoạch, ngành GD&ĐT tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện phân loại, xử lý rác thải rắn trong các cơ sở GDMN như phân loại rác thải rắn; thu gom, xử lý rác thải; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Trên cơ sở những trường được chọn làm điểm để nhân rộng mô hình giáo dục về BVMT bằng những việc làm cụ thể trong trường học trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)