Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non tốt có tác dụng quan trọng với sự phát triển của trẻ ở những bậc học tiếp theo và suốt cuộc đời. Song có thực tế giáo viên mầm non làm việc vất vả nhưng thu nhập rất thấp, vì vậy họ cần được quan tâm và đãi ngộ tương xứng hơn.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị hiện có 3.265 giáo viên mầm non công tác tại 167 trường, trong đó có 147 trường công lập và 20 trường tư thục; huy động được 41.255 trẻ đến trường. Toàn tỉnh có 1.796 phòng học mầm non, trong đó có 46 phòng học tạm, mượn. Có hơn 180 lớp ghép, gồm huyện Hướng Hóa 100 lớp, Đakrông 36 lớp, Triệu Phong 14 lớp, Cam Lộ 11 lớp, Hải Lăng 6 lớp, Gio Linh 8 lớp và Vĩnh Linh 7 lớp; trong đó lớp ghép 2, 3 độ tuổi còn nhiều, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số. Nhiều cô giáo mầm non công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo với điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp còn nhiều thiếu thốn đã không ngại khó khăn, vất vả để chăm lo cho từng cháu.
Công việc của giáo viên mầm non bình thường rất vất vả, giáo viên mầm non dạy ở miền núi càng vất vả hơn, vì trẻ đa số là người dân tộc thiểu số, các cháu chưa được gia đình, phụ huynh quan tâm, chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng cũng như học tập. Bên cạnh đó, giáo viên phải vừa dạy học, chăm sóc, lại vừa phải tăng cường bổ sung tiếng Việt cho các cháu. Chưa kể điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học còn nhiều thiếu thốn.Nếu giáo viên phổ thông ngày làm việc 8 giờ/ngày thì giáo viên mầm non phải làm từ 10 đến 12 giờ/ngày với rất nhiều việc, nhưng tiền lương, tiền công, phụ cấp cho giáo viên mầm non lại rất thấp. Tất bật đón trẻ từ sáng sớm và trả trẻ lúc chiều tối, suốt cả một ngày dài, các cô không chỉ là người thầy mà còn là người mẹ, là nhân viên y tế của trẻ. Một ngày làm việc tại trường của các cô giáo mầm non chỉ thực sự kết thúc khi đã trả hết trẻ về cho gia đình. Nhiều khi phải chờ những phụ huynh đến muộn đón con về, nên việc ở lại trường đến 6 giờ chiều không còn là chuyện hiếm đối với các cô.
Trong khó khăn, nhưng chất lượng đội ngũ làm công tác mầm non của tỉnh ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ một cách linh hoạt, sáng tạo, theo hướng cho trẻ thực hành, trải nghiệm, lấy trẻ làm trung tâm. Trường mầm non phối hợp với phụ huynh thực hiện các nội dung giáo dục trẻ ở nhà một cách phù hợp cho từng độ tuổi để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đảm bảo theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Kết thúc năm học 2022-2023, có 100% trẻ đến trường được học chương trình giáo dục mầm non, được đảm bảo an toàn tuyệt đối thể chất và tinh thần và đảm bảo các chế độ ăn, ngủ, vệ sinh, dinh dưỡng, được ăn bán trú và học 2 buổi/ ngày. Đặc biệt có 100% trẻ 5 tuổi được huy động đến trường và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.
Câu chuyện giáo viên mầm non của tỉnh cũng là một phần của bức tranh giáo viên mầm non cả nước: làm việc vất vả nhưng thu nhập rất thấp. Vấn đề này có được giải quyết trong năm học mới 2023-2024?
Sau rất nhiều hội thảo, phiên họp, mới đây Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ làm việc với các bộ, ngành cân nhắc nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học trước, sau đó tiếp tục cho tất cả các bậc học. Bước đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã thống nhất sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non 10% và tiểu học 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành.
Tuy mỗi chính sách điều chỉnh có thể nhỏ nhưng cần phải có nguồn lực, điều kiện để thực hiện. Thực tế cho thấy giờ làm việc của giáo viên mầm non hiện nhiều hơn thời gian quy định, do trẻ đến sớm về muộn theo giờ làm việc của cha mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên áp lực cho giáo viên mầm non. Về chính sách này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cùng các bộ, ngành tiếp tục xem xét, lưu ý đến thù lao làm việc ngoài giờ của giáo viên mầm non.
Về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng được đề cập và quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội và trong góp ý với dự thảo luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại. Gần đây nhất trên diễn đàn của Quốc hội, ngành giáo dục tiếp tục nêu quan điểm giáo viên mầm non cần có chế độ nghỉ hưu thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nữ vẫn giữ ở tuổi 55 nhưng bảo đảm thu nhập và chế độ để không bị thiệt thòi.
Hy vọng việc cân nhắc nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non cũng như những chính sách khác liên quan sớm được thống nhất để giáo viên mầm non có thêm động lực, năng lượng, tận tâm cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)