Triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Tuấn Việt |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 167 trường mầm non, trong đó 147 trường công lập, 20 trường tư thục, 119 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập với khoảng hơn 41.000 cháu đến trường. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nên quy mô mạng lưới trường, lớp được xây dựng phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt ở miền núi, vùng khó khăn.


Điều đáng mừng là bên cạnh nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ, các địa phương đã từng bước xóa dần điểm trường lẻ, quy hoạch về điểm trường trung tâm. Năm học 2018- 2019, toàn tỉnh có 168 trường thì đến năm học 2022- 2023 giảm 5 trường công lập, tăng 4 trường tư thục, tăng 91 nhóm/lớp. Tổng số trẻ đến trường được ăn bán trú và học 2 buổi/ngày 41.720 cháu, đạt 100%.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, các trường học thường xuyên bổ sung đồ dùng, đồ chơi tự làm từ nguyên vật liệu sẵn có; huy động phụ huynh, cộng đồng bổ sung thiết bị dạy học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, đảm bảo cho trẻ mẫu giáo được tách lớp, phân lớp học theo đúng độ tuổi, học 2 buổi/ngày.

Hoạt động tham quan trường tiểu học của các cháu 5, 6 tuổi Trường Mầm non Triệu Đại, huyện Triệu Phong - Ảnh: TĐ
Hoạt động tham quan trường tiểu học của các cháu 5, 6 tuổi Trường Mầm non Triệu Đại, huyện Triệu Phong - Ảnh: TĐ

Đến nay, toàn tỉnh có 1.575 nhóm/lớp có đủ thiết bị đồ chơi đạt 89,4%, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi 526 lớp, đạt 100%. Có 929 phòng học kiên cố, đạt 52,75%. Trong giai đoạn 2018- 2023, ngành GD&ĐT cùng các địa phương xây mới và tu sửa nhiều phòng học, phòng chức năng, bếp ăn bán trú, công trình vệ sinh và mua sắm đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 450 tỉ đồng.

Hằng năm, ngành GD&ĐT trong tỉnh triển khai đầy đủ, nghiêm túc công tác đánh giá chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) theo quy định của Bộ GD&ĐT. Từ năm học 2020- 2021 đến nay, tổng số giáo viên được xếp loại chuẩn nghề nghiệp từ mức khá trở lên đạt trên 92%.

Một trong những giải pháp mà ngành GD&ĐT chú trọng để duy trì và phát triển GDMN đó là tăng cường công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong quy hoạch đất đai, xây dựng khuôn viên, tăng cường phòng học, hoàn thiện hệ thống phòng chức năng, trang thiết bị dạy học, tuyển dụng giáo viên, hợp đồng nhân viên để tách lớp ghép 2, 3 độ tuổi, giảm số trẻ/nhóm, lớp ở vùng thuận lợi nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN và nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục trẻ. Đồng thời, huy động sự tham gia của xã hội, phụ huynh học sinh để chăm lo phát triển GDMN.

Cùng với đó, ngành GD&ĐT, địa phương triển khai thực hiện tốt chính sách đối với giáo viên mầm non theo Nghị định số 105 ngày 8/9/2020 của Chính phủ và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Tiếp tục tham mưu UBND các cấp cũng như phối hợp tốt với các ban, ngành để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 676 của UBND tỉnh về thực hiện lương, BHXH, BHYT, BHTN đối với hợp đồng lao động vị trí nấu ăn trong trường mầm non công lập.

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, bậc học mầm non còn gặp nhiều khó khăn như nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho GDMN còn ít nên phòng học chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Tỉ lệ trẻ nhà trẻ huy động đến trường trong toàn tỉnh còn thấp; lớp ghép 2, 3 độ tuổi vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều, còn tồn tại nhiều điểm trường, khó khăn trong việc phân chia độ tuổi để thực hiện chương trình và tổ chức các hoạt động của nhà trường.

Hiện toàn tỉnh còn 180 lớp ghép, riêng huyện Hướng Hóa 110 lớp, Triệu Phong 26 lớp. Đội ngũ giáo viên còn thiếu theo quy định của Thông tư số 06 ngày 16/3/2015 của Bộ GD&ĐT; mức chi trả lương cho nhân viên dinh dưỡng còn thấp do đang thực hiện từ nguồn đóng góp của phụ huynh. CSVC của nhiều trường mầm non chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 13 ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn CSVC trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Ở nhiều đơn vị, CSVC xuống cấp, phòng học thiếu, thiết bị đồ dùng, đồ chơi các lớp dưới 5 tuổi còn thiếu, chưa đồng bộ; một số trường đến chu kỳ kiểm định chất lượng và trường chuẩn quốc gia nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về CSVC.

Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho cơ sở GDMN ở một số địa phương còn hạn chế không đủ diện tích theo quy định, đặc biệt ở thành phố, trung tâm huyện. Chế độ chính sách cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt mới thực hiện ở các lớp ghép, điểm trường lẻ, giáo viên dạy các nhóm, lớp còn lại chưa được hỗ trợ.

Phân bổ tài chính được cấp chưa hợp lý cho chính sách phát triển GDMN. Nguồn ngân sách hỗ trợ GDMN và vùng khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Quy định của Chính phủ về định mức chi ngân sách còn thấp tại các cơ sở GDMN. CSVC, phòng học, trang thiết bị trong lớp và đồ chơi ngoài trời, thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm cho giáo viên và trẻ chưa đồng bộ, phòng học, phòng chức năng vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Hiện còn 5,2% giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019…

Thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu tỉnh ban hành cơ chế chính sách của địa phương, tập trung chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, phân đoạn bằng các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để phát triển GDMN đảm bảo phù hợp với tình hình KT-XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư CSVC, tài chính cho GDMN.

Đổi mới công tác quản lý GDMN cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 có đủ giáo viên đạt chuẩn trình độ trở lên theo định quy định. Đổi mới nội dung, chương trình GDMN, nâng cao chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đề xuất đặc cách thành lập trường tiểu học – mầm non trên đảo Cồn Cỏ

Vân Phong |

Ngày 4/7, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) Trương Khắc Trưởng cho biết, theo nguyện vọng của Nhân dân, UBND huyện đảo vừa đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đặc cách thành lập trường tiểu học – mầm non, hoặc có phương án bố trí một lớp học ở bậc tiểu học, phục vụ nhu cầu học tập của con em trên đảo.

ĐBQH Hồ Thị Minh: Cần có vị trí việc làm để "giữ chân" cô nuôi ở trường mầm non

Trần Phương |

Nếu không hài hoà được giữa dạy và nuôi ở bậc mầm non thì chất lượng phát triển của trẻ thì khó mà đạt được chất lượng dân số vàng.

Hướng Hóa: Khánh thành Trường Mầm non Khe Sanh

Bích Liên |

UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa tổ chức lễ khánh thành Trường Mầm non Khe Sanh. Đây là một trong những công trình trọng điểm hướng tới chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa 9/7 (1968 – 2023).

Miệt mài ươm mầm tài năng bóng đá

Nguyễn Minh Đức |

28 năm qua, anh Nguyễn Đức Quang (sinh năm 1971), ở Khu phố 9, Phường 5, TP. Đông Hà (Quảng Trị) luôn sát cánh, đồng hành với những cầu thủ nhí tại các giải bóng đá khắp nơi trong tỉnh cũng như các đợt tuyển quân của nhiều học viện, trung tâm bóng đá hàng đầu quốc gia.