Nỗ lực vì một vụ nuôi tôm thắng lợi

Lê An |

Thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chuẩn bị các điều kiện bước vào vụ nuôi tôm mới. Trước tình hình thời tiết vẫn đang có những diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật, lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng... nhằm thu được vụ nuôi thắng lợi.


Đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để thả giống, ông Trần Văn Hoài, hộ nuôi tôm ở tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết, bước vào vụ nuôi tôm mới, ông đã cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước rất kỹ bằng các loại hóa chất như Chloril, vôi bột. Tôm giống cũng được ông lựa chọn ở cơ sở tin cậy, có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ.

Người nuôi tôm xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh tu sửa lại ao nuôi để bước vào vụ nuôi tôm mới -Ảnh: L.A
Người nuôi tôm xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh tu sửa lại ao nuôi để bước vào vụ nuôi tôm mới -Ảnh: L.A

“Gia đình tôi có 7.000 m2 ao nuôi. Vụ nuôi tôm năm 2023, tôi thả nuôi 3 vụ nhưng do môi trường nguồn nước nuôi bị ô nhiễm nặng nên tôm giống thả xuống cứ được khoảng 15 - 20 ngày là chết nổi trắng ao, thiệt hại hơn 70 triệu đồng. Năm nay tôi dự kiến thả nuôi khoảng 15 vạn tôm giống. Hiện tại mọi khâu chuẩn bị đã xong để xuống giống. Hy vọng vụ nuôi năm nay sẽ thắng lợi để bù đắp thiệt hại của năm trước”, ông Hoài nói.

Là một trong những hộ nuôi tôm công nghệ cao rất thành công tại xã Vĩnh Sơn, thời điểm này anh Trần Văn Dụng cũng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để thả nuôi vụ tôm mới. Theo anh Dụng, do nuôi tôm theo quy trình CPF Combine, đòi hỏi đầu tư lớn và kỹ thuật cao. Ngoài việc đắp lại bờ, vệ sinh bạt trải trong ao nuôi, lắp đặt mái che, anh Dụng còn đầu tư kinh phí để sửa chữa, bổ sung thêm hệ thống sục khí nhằm cung cấp đủ ôxy cho tôm nuôi.

Nguồn nước cấp vào ao nuôi đã được anh Dụng bơm vào các ao chứa lắng để xử lý bằng hóa chất. Anh Dụng cho biết, sẽ tiến hành thả giống lứa đầu tiên với số lượng khoảng 15 vạn con giống tôm thẻ chân trắng. Sau khoảng 15 ngày sẽ thả nuôi tiếp lứa thứ 2 và tiếp tục như vậy cho đến khi lấp đầy 4 ao nuôi.

“Thả nuôi theo hình thức “cuốn chiếu”, theo phương thức 3 giai đoạn như thế này vừa hạn chế được rủi ro, tôm nuôi lại nhanh lớn, kích cỡ thu hoạch lớn”, anh Dụng cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết thông tin, toàn xã hiện có hơn 166 ha diện tích nuôi tôm. Năm 2023, do một số yếu tố về môi trường, nguồn giống, quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chất lượng nước chưa tốt, nhiều hộ chưa tuân thủ lịch thời vụ và khuyến cáo vụ nuôi của Sở Nông nghiệp và PTNT, không chấp hành tốt quy chế nuôi tôm cộng đồng, khi dịch bệnh xảy ra còn giấu dịch, tự ý xả nước ao hồ bị ô nhiễm ra môi trường, đặc biệt là tình trạng môi trường nước bị ô nhiễm vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2023 đã làm hơn 152 ha diện tích tôm nuôi bị chết, thiệt hại trên 50 tỉ đồng.

Do vậy, trước khi bước vào vụ nuôi tôm năm nay, UBND xã đã phân bổ toàn bộ gần 60 tấn Chloril do nhà nước hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm để xử lý môi trường vùng nuôi tôm. Kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Vĩnh Linh và Xí nghiệp Thủy nông huyện nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường để tránh ô nhiễm nguồn nước trên sông Sa Lung.

Ông Quyết cho biết, điểm mới của vụ nuôi năm nay là trên cơ sở khung lịch thời vụ thả giống chung của tỉnh từ ngày 15/3 đến ngày 30/6, thay vì yêu cầu các hộ nuôi phải thả giống tập trung, UBND xã thống nhất để các tổ nuôi tôm cộng đồng, các hợp tác xã tự cân đối thời gian thả giống của từng vùng theo hình thức rải vụ nhằm đảm bảo lợi nhuận cho các hộ nuôi tôm.

Đồng thời, khuyến cáo các hộ nuôi tôm thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật, nhất là chú trọng việc tu bổ bờ, ao, cải tạo ao đúng quy trình; chọn con giống đảm bảo chất lượng, đã qua kiểm dịch. Khuyến khích các hộ nuôi nên đưa các loại con nuôi kết hợp như tôm, cua, cá vào nuôi. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản để hạn chế tối đa sự thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, hiện nay đang là vụ nuôi tôm chính của năm. Để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, ngành nông nghiệp đã có văn bản đề nghị các địa phương tập trung nâng cao nhận thức và ý thức về phòng, chống dịch bệnh trên con tôm cho người nuôi tôm.

Đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trong cơ sở nuôi, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Khuyến cáo người nuôi tôm trong việc sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt ao nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi và đảm bảo môi trường nuôi an toàn.

Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý xả thải, giấu thông tin tôm bệnh làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

“Ngành nông nghiệp cũng đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động bệnh thủy sản đầu vụ nuôi để kịp thời đưa ra cảnh báo cho người dân. Triển khai nhiệm vụ quan trắc môi trường nuôi tôm nước lợ để khuyến cáo người dân lấy nước phục vụ cho hoạt động nuôi thủy sản”, ông Vinh cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đình chỉ hiệu trưởng vụ trường tiểu học cho 11 em ăn chung 2 gói mì tôm chan cơm

Thanh Mai |

Trước đó, ngày 17/12, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản hoả tốc về việc kiểm tra, xử lý thông tin sự việc.

Việt Nam cung cấp tôm lớn thứ hai thế giới, xuất khẩu tới 100 quốc gia

PV |

Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới.

Tỉ lệ thành công rất cao nhờ nuôi tôm theo quy trình CPF Combine

Lê An |

Nuôi tôm thường đối mặt với nhiều rủi ro. Thế nhưng anh Trần Văn Dụng ở tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) lại có tỉ lệ thành công rất cao nhờ nuôi tôm theo quy trình CPF Combine. 

Lần đầu tiên Lễ hội cá tôm Sông Đà được tổ chức

PV |

Ngày 19/10, Ban Tổ chức Lễ hội cá tôm Sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ Nhất, Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du miền núi phía Bắc năm 2023 tổ chức họp báo.