Nông dân trẻ sáng tạo trong sản xuất

Nguyễn Trang |

Quyết định trở về quê lập nghiệp sau hơn 10 năm theo học và làm việc chuyên ngành kế toán tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, anh Nguyễn Chí Trung (sinh năm 1984, ở khu phố 9, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) dần tìm thấy niềm vui, hăng say lao động khi gắn bó với đồng ruộng, trang trại.

Tích cực phát triển kinh tế, đặc biệt không ngừng học hỏi, sáng tạo, năng động trong quá trình sản xuất, anh Chí Trung trở thành gương nông dân trẻ tiêu biểu và hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng “Bông Sen Hồng” huyện Vĩnh Linh lần thứ XV năm 2022.

Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, vào vụ thu hoạch ngô, hầu như ngày nào anh Nguyễn Chí Trung cũng tất bật với công việc từ sáng sớm đến chiều muộn bên chiếc máy tách ngô tự động do chính anh học hỏi, chế tạo nên. Ngoài nhận tách ngô cho các hộ ở thị trấn Hồ Xá mang đến nhà, với những hộ có sản lượng ngô trên 1 tạ, dù khác địa bàn và phải đi xa, anh Trung cũng trực tiếp vận chuyển máy đến tận nơi để phục vụ, trong đó nhiều nhất ở những xã Vĩnh Chấp, Trung Nam, Vĩnh Tú… Về ý tưởng tạo ra chiếc máy tách hạt ngô tự động này, anh Trung cho hay, gia đình anh trồng trên 1 ha ngô, trước đây, cứ đến mùa thu hoạch, cũng như bao hộ khác chủ yếu tách ngô thủ công, khá vất vả, mất thời gian.

 

Những năm trở lại đây, ở huyện Vĩnh Linh, một số người đầu tư mua máy tách hạt ngô tự động hàng công ty, công suất lớn, giá thành 15- 50 triệu đồng tùy loại để làm dịch vụ tách ngô thuê. Tuy nhiên, do số lượng máy còn ít, vốn bỏ ra lại không nhỏ nên người dân các xã, thị trấn muốn thuê phải chờ đợi mà giá thành trả theo giờ cũng khá cao. Từ thực tế đó, anh Trung bắt đầu nghĩ đến việc làm ra một chiếc máy tách ngô tự động quy mô vừa.

Dành thời gian tìm hiểu nhiều loại máy móc, nguyên lý vận hành, đầu năm 2019, anh Trung tự lên thiết kế, tìm chọn nguyên liệu. Học thêm về cơ khí, đến tháng 5/ 2019, anh Trung hoàn thành việc lên mô hình, gắn kết linh kiện, lắp đặt động cơ, chế tạo thành công máy tách hạt ngô tự động. Máy cấu tạo gồm 4 phần chính: khung, giá đỡ; mô tơ điện, guồng, dây cu- roa truyền lực; lồng tuốt, tách làm bằng thùng phuy sắt thường dùng chứa nông sản và 1 trục xoắn; máng, hệ thống cửa vào, cửa ra. Phần phụ có bánh xe, càng kéo…

Với chiếc máy này, bắp ngô sau khi phơi khô 2 nắng đã có thể tách được, chỉ cần cho bắp ngô vào cửa nạp nguyên liệu; động cơ hoạt động, trục chính quay, lúc này bắp ngô quay theo, lực ma sát mạnh làm hạt ngô bung ra khỏi lõi. Lõi ngô và hạt cùng đi qua lồng tuốt, tách, theo máng dẫn chia 2 cửa khác nhau. Với các tấm chắn bố trí hợp lý, máy chặn hạt ngô bắn tứ tung mà chỉ dồn về 1 hướng cửa ra. Tuy nhỏ gọn, tổng chi phí chưa đến 5 triệu đồng, vận hành dễ dàng nhưng máy nhiều ưu điểm khi làm sạch hoàn toàn hạt ở lõi ngô, phần hạt tách riêng không lẫn vảy hay bụi bẩn; lõi và cả hạt ngô đều không bị vỡ; an toàn với môi trường. Đặc biệt tự động chạy bằng nguồn điện 220V, máy cho công suất lên đến khoảng 400 kg hạt ngô đã tách/giờ đồng hồ.

Ban đầu anh Trung sử dụng máy trong gia đình, sau đó nhiều người biết đến, thấy hiệu quả chiếc máy mang lại nên tin dùng, chủ động thuê máy tách ngô khi vào mùa. Đến nay đã 4 năm máy tách ngô tự động do anh Trung chế tạo phục vụ bà con khắp nơi. Toàn huyện Vĩnh Linh có gần 600 ha canh tác cây ngô, nhu cầu sử dụng máy sau thu hoạch cao. Như vụ mùa năm nay, máy của anh Trung hoạt động bình quân 5- 7 giờ, tách được 2- 2,8 tấn hạt ngô/ ngày. So với những máy công suất lớn và hiện đại, anh Trung chỉ lấy giá tách ngô thuê dao động 100- 130 ngàn đồng/ giờ, thấp hơn nhiều nhưng hiệu quả không hề thua kém. Do đó nông dân các vùng ưu tiên lựa chọn, vừa giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian.

Từ ý thức học tập, áp dụng kiến thức, kĩ thuật hữu ích, anh Trung có thêm phương tiện lao động, làm công. Kể từ khi được hoàn thiện, suốt 4 năm qua chiếc máy chưa hề tốn chi phí sửa chữa, chỉ bảo trì đơn giản nhưng vận hành bền bỉ, mang lại thu nhập đáng kể cho anh Trung mỗi mùa thu hoạch ngô đến. “Là một nông dân, bản thân thấy vui vì ý tưởng nhỏ của mình được hiện thực hóa, có tính ứng dụng rộng rãi và quan trọng hỗ trợ phần nào cho bà con trong quá trình tăng gia sản xuất. Theo gợi ý của người dân nhiều vùng, tôi đang dự định sắp tới sẽ chế tạo thêm máy tách ngô vỡ hạt làm thức ăn cho gia cầm và máy tách lạc”, anh Trung chia sẻ.

Tập trung khai hoang, mở rộng sản xuất, đa dạng đối tượng nuôi trồng, hiện tại 2 trang trại gần 3 ha của mình, ngoài trồng cây ngô, lạc, sắn và cao su, hồ tiêu, anh Nguyễn Chí Trung còn chăn nuôi thêm bò, gà thả vườn với tổng đàn 300 con/ lứa. Anh đang cải tạo chuồng trại, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thử nghiệm mô hình nuôi gà siêu trứng Ai Cập. Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hồ Xá Nguyễn Thị Lý cho biết: “Nguyễn Chí Trung thuộc diện quy hoạch vào Ban Chấp hành Hội Nông dân thị trấn Hồ Xá nhiệm kỳ 2028- 2032. Chính từ những đảng viên, nông dân trẻ chủ động vượt khó, học hay, làm sáng tạo như Nguyễn Chí Trung sẽ tiếp tục góp phần đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua lao động, sản xuất tại địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Doanh nghiệp ký kết hợp tác trồng và thu mua thảo dược với nông dân Bản Chùa

Anh Vũ |

Ngày 7/6, Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân tổ chức ký kết hợp tác trồng và thu mua thảo dược với nông dân Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

Thủ tướng đối thoại với nông dân: Giữ vững bản lĩnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

PV |

Phát biểu mở đầu Hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam sáng ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ các thông điệp gửi tới các đại biểu và bà con nông dân cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, thách thức, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng đối thoại với nông dân; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam sẽ diễn ra tại Sơn La từ ngày 28/5 đến 1/6

BT |

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam sẽ diễn ra tại Sơn La từ ngày 28/5 đến 1/6.

Nông dân xã Phong Bình phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Hoài An |

Bằng ý chí, quyết tâm và sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, cán bộ, hội viên nông dân xã Phong Bình (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững và xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, qua đó từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.