Nông dân xã Phong Bình phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Hoài An |

Bằng ý chí, quyết tâm và sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, cán bộ, hội viên nông dân xã Phong Bình (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững và xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, qua đó từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Bình Trần Chiến cho biết, những năm qua, Hội Nông dân xã đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp phát triển đa dạng các mô hình kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” gắn với việc đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các cây, con giống mới vào sản xuất nhằm đa dạng các mô hình kinh tế; chủ động liên kết trong tiêu thụ sản phẩm; đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tín chấp với các ngân hàng để phát triển thêm nguồn vốn, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế có tính khả thi và hiệu quả.

Hội Nông dân xã Phong Bình xây dựng mô hình “Vườn tình thương” nhằm tạo sinh kế cho hội viên nghèo phát triển kinh tế - Ảnh: M.Đ
Hội Nông dân xã Phong Bình xây dựng mô hình “Vườn tình thương” nhằm tạo sinh kế cho hội viên nghèo phát triển kinh tế - Ảnh: M.Đ

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, khai thác và phát huy thế mạnh vùng gò đồi, phát triển kinh tế gia trại. Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng toàn xã hằng năm khoảng gần 1.300 ha, trong đó, diện tích cây lấy hạt trên 623 ha, diện tích cây lấy bột trên 320 ha. Diện tích cây cao su trên 352 ha, trong đó diện tích khai thác là gần 300 ha; diện tích cây hồ tiêu trên 98 ha, trong đó diện tích thu hoạch trên 87 ha. Chăn nuôi được đầu tư phát triển theo hướng trang trại, gia trại gắn với bảo vệ môi trường. Xã có đàn trâu, bò khoảng 1.265 con, đàn lợn 1.750 con, đàn dê trên 195 con, đàn thỏ 568 con, đàn gia cầm gần 76.000 con...; diện tích nuôi cá khoảng 39 ha.

Xác định thế mạnh về phát triển kinh tế vùng gò đồi, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động, hỗ trợ hội viên thực hiện tốt đề án cải tạo vườn tạp, chương trình kinh tế gò đồi, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; duy trì, chăm sóc, khai thác diện tích cây cao su hiện có; cải tạo vườn tạp, trồng mới, trồng dặm cây hồ tiêu bị chết; chăm sóc và phát triển diện tích cây hồ tiêu, trồng cây bơ để nâng cao thu nhập.

Đồng thời vận động chuyển đổi sang trồng một số loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như mít Thái, thanh long, cam, bưởi, ổi… Duy trì hoạt động có hiệu quả HTX cây ăn quả; mô hình trồng cây cà gai leo, cây ba kích, cây cam Xã Đoài, ổi lê Đài Loan, cây bơ ghép… và một số mô hình sản xuất chế biến tinh bột nghệ, bột sắn dây, bột min tin; duy trì chất lượng, sản phẩm được Sở KH&CN cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Các hợp tác xã, tổ hợp tác chủ động làm tốt các khâu dịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, giao thông nội đồng. Các chủ gia trại chú trọng đưa các tiến bộ KHKT vào chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, cây trồng. Trên địa bàn xã hiện có 2 trang trại và trên 49 gia trại trồng cao su, hồ tiêu, cây ăn quả cây dược liệu kết hợp chăn nuôi, gà, vịt, lợn, nuôi cá lồng ở hồ Kinh Môn cho thu nhập từ 130 -150 triệu đồng/năm.

5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Hiện nay, ước tính toàn xã có khoảng 260 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Điểm sáng nổi bật của Hội Nông dân xã Phong Bình đó là hỗ trợ tích cực cho hội viên phát triển kinh tế, nhất là đối với những hội viên nghèo khó, bị khuyết tật.

Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa cho hội viên nông dân gặp hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây, con giống, ngày công, kiến thức, kinh nghiệm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có gia đình anh Nguyễn Danh Minh, ở thôn Lan Đình.

Anh Nguyễn Danh Minh cho biết: “Bản thân tôi bị khuyết tật, nghèo khó nên gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Tôi rất vui khi được Hội Nông dân xã quan tâm, giúp đỡ xây dựng mô hình “Vườn tình thương” nhằm tạo sinh kế phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều người đã tự nguyện ủng hộ tiền, cây giống, con nuôi và đưa máy móc đến phục vụ khâu làm đất, trồng cây cho gia đình tôi… Đây là nguồn động viên to lớn về vật chất, tinh thần cho gia đình tôi nỗ lực vươn lên, sớm thoát nghèo bền vững”.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gio Linh Nguyễn Hữu Chính đánh giá cao cán bộ, hội viên nông dân xã Phong Bình trong thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”, hỗ trợ nông dân nghèo vươn lên trong cuộc sống. Hội Nông dân huyện sẽ biểu dương và nhân rộng những cách làm hay để tạo sự lan tỏa trong toàn huyện phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương Gio Linh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cam Lộ: Kịp thời phân bổ 34 tấn giống lúa cho nông dân sản xuất vụ hè thu

Anh Vũ |

Ngày 16/5, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Phạm Viết Thanh cho biết, đơn vị đã tiến hành phân bổ 34 tấn giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia, kịp thời giúp nông dân sản xuất vụ hè thu 2022.

Giải ngân 1,1 tỉ đồng cho nông dân huyện Cam Lộ trồng cây dược liệu

Anh Vũ |

Hội Nông tỉnh Quảng Trị vừa giải ngân nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân cho người dân trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ.

Nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi ở Triệu Phong

Ngọc Trang |

Những năm qua, nông dân huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đoàn kết, sáng tạo, không ngừng đổi mới trong lao động, sản xuất và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bằng sự chịu thương, chịu khó của nhiều thế hệ nông dân, giờ đây khắp mọi nơi từ gò đồi, đồng bằng đến vùng cát ven biển, ở đâu trên đất Triệu Phong cũng khởi sắc, đặc biệt là xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, nông thôn đổi mới, nông dân phát triển

Lê An |

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về chương trình công tác trọng tâm năm 2022 diễn ra chiều nay 14/3. Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến cùng dự làm việc.