Ông Nguyễn Xuân Hoài nuôi gà mỗi năm lãi 600 triệu đồng

Trần Thanh |

Mỗi năm, ông Nguyễn Xuân Hoài (sinh năm 1957), ở Khóm 1, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nuôi 40.000 con gà ri vàng trong chuồng trại khép kín. Nhờ mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất và có kỹ thuật tốt, mỗi năm ông thu lãi trên 600 triệu đồng từ đàn gà.

Năm 1983, ông Hoài trở về quê làm nhiều việc để mưu sinh tại Nông trường Quyết Thắng sau 4 năm tham gia quân ngũ. Trong thời gian này, ông cưới vợ. Vợ ông là công nhân tại nông trường nên gia đình ông được cấp 3,5 ha đất. Trên diện tích này, vợ chồng ông trồng cây cao su tiểu điền để nâng cao thu nhập. Lúc bấy giờ, mủ cao su được giá nên chất lượng cuộc sống của gia đình ông dần được cải thiện.

Ông Hoài kiểm tra hệ thống cấp nước uống tự động cho đàn gà - Ảnh: TRẦN THANH
Ông Hoài kiểm tra hệ thống cấp nước uống tự động cho đàn gà - Ảnh: TRẦN THANH

Trong quá trình làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khóm 1, ông Hoài được tiếp xúc với nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi gà gia công thương phẩm. Qua quá trình tìm hiểu và được người quen hướng dẫn, ông Hoài quyết định huy động nguồn vốn, cải tạo mặt bằng 1.000 m2 đất vườn cao su để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín. Với tổng số vốn 1,4 tỉ đồng, hệ thống chuồng trại nuôi gà của ông Hoài được xây dựng khoa học, có hệ thống làm mát, sưởi ấm bằng điện, máng ăn tự động, máy lọc nước sạch...

“Sau khi tôi xây dựng xong hệ thống chuồng trại, phía công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc và hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Đến khi xuất bán, công ty thu mua gà thịt theo giá niêm yết. Vì vậy, tôi không phải lo lắng về khâu tiêu thụ. Mỗi năm, tôi nuôi 4 lứa, mỗi lứa 10.000 con gà thịt. Sau khi trừ đi các chi phí, tôi thu lãi hơn 600 triệu đồng”, ông Hoài nói.

Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi, ông Hoài chia sẻ, gà con khi mới đưa về trại sẽ được úm bằng hệ thống sưởi điện từ 10 - 12 ngày. Nhiệt độ úm gà 3 ngày đầu khoảng 35 độ C, sau đó giảm dần vào những ngày tiếp theo. Nhiệt độ trong trại gà đảm bảo khoảng 22 độ C vào mùa hè, từ 25 - 28 độ C vào mùa đông. Ông Hoài chuẩn bị sẵn máy phát điện để đảm bảo nhiệt độ trong trại cho đàn gà, đề phòng trường hợp mất điện lưới.

Mỗi ngày, ông Hoài cho gà ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Thức ăn được đổ vào bồn chứa, từ đó băng chuyền sẽ đưa đến các máng ăn. Nước uống cho gà cũng được hệ thống cấp nước tự động thực hiện. Khi gà đã lớn, mỗi ngày ông Hoài dành một khoảng thời gian nhất định để cho gà kiếm ăn dưới tán rừng. Sau 2,5 tháng nuôi, gà có trọng lượng bình quân 2,2 kg/con. Mỗi lứa nuôi 10.000 con gà, ông Hoài cung ứng cho công ty 16 tấn gà thịt. Trọng lượng còn dư là phần lãi ông được hưởng.

Theo ông Hoài, môi trường sống sạch sẽ là yếu tố rất quan trọng quyết định đến sức khỏe của đàn gà. Để đảm bảo vệ sinh, hạn chế dịch bệnh, ông Hoài nuôi gà trên đệm lót sinh học. Sau mỗi lứa nuôi, ông Hoài bán được khoảng 18 triệu đồng tiền phân. Ông còn đầu tư lắp đặt hệ thống lọc nước hiện đại trước khi bơm đến các máng nhựa cho gà tự uống.

Ngoài nuôi gà, gia đình ông Hoài vẫn giữ lại cánh rừng cao su với diện tích hơn 1 ha và chăn nuôi đàn lợn rừng trên 10 con. Ông Hoài luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi gà cho những ai có nhu cầu.

Vợ chồng ông cũng thường xuyên đóng góp, hỗ trợ kinh phí để địa phương tổ chức các chương trình, hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp cho cộng đồng, vừa qua ông Hoài được huyện Vĩnh Linh trao tặng giải thưởng “Bông Sen Hồng”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Mô hình chăn nuôi tổng hợp - giảm rủi ro, tăng lợi nhuận

Mỹ Hằng |

Ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), từ phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, thời gian qua, đã xuất hiện ngày càng nhiều “triệu phú” khi tuổi đời còn rất trẻ. Mỗi tấm gương là một câu chuyện, một ước mơ, một con đường khởi nghiệp riêng. 

Mẹ già nhặt ve chai nuôi hai con bị bệnh

Tây Long |

Tấm lưng bà Trần Thị Thương (sinh năm 1957), trú tại Khu phố 10, Phường 5, TP. Đông Hà (Quảng Trị) ngày càng còng sâu, như một dấu hỏi giữa cuộc đời. Nhiều năm nay, dù mưa hay nắng, khỏe hay mệt, cứ mờ sáng, bà Thương lại rời căn nhà nhỏ, đi nhặt ve chai, đồng nát để lo cho hai người con “có lớn nhưng không có khôn”.

Thu nhập cao nhờ nuôi thỏ

Trúc Phương |

Năm 2021, chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1992), ở thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cùng anh trai Nguyễn Quốc Quỳnh (sinh năm 1990) bắt tay xây dựng mô hình nuôi thỏ thương phẩm. Đến nay, mô hình đã và đang cho thấy tính hiệu quả, mang lại thu nhập cho gia đình chị và tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Triển vọng từ mô hình nuôi bò BBB thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu

Lê An |

Nhằm khai thác tiềm năng đất đai, ưu thế của giống bò mới, cũng như dư địa của địa phương về phát triển chăn nuôi bò thịt thâm canh, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi bò thịt thâm canh sử dụng giống bò BBB (3B) và đã mang lại hiệu quả cao.