Mô hình chăn nuôi tổng hợp - giảm rủi ro, tăng lợi nhuận

Mỹ Hằng |

Ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), từ phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, thời gian qua, đã xuất hiện ngày càng nhiều “triệu phú” khi tuổi đời còn rất trẻ. Mỗi tấm gương là một câu chuyện, một ước mơ, một con đường khởi nghiệp riêng. 

Nhưng tựu trung ở họ đều cháy bỏng một khát vọng vươn lên, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm làm giàu trên quê hương mình. Một trong số đó là anh Nguyễn Đăng Phi (sinh năm 1990), thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp. Bằng sự năng động và không ngừng nỗ lực, Phi đã xây dựng được một trang trại chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi đến thăm trang trại của anh Phi, tận mắt chứng kiến thành quả và được nghe kể về quá trình lập nghiệp mới hiểu rõ sự cần mẫn, quyết tâm của anh. Phi sinh ra và lớn lên trên miền quê còn nhiều khó khăn, tuổi thơ gắn liền với ruộng đồng nên anh luôn xác định phải cố gắng học tập để có cơ hội thay đổi cuộc đời.

Năm 2008, Phi trúng tuyển Trường Đại học Thủy lợi. Vì gia cảnh khó khăn, để có đủ chi phí học tập, thời gian đó anh phải vừa học vừa làm. Đến năm 2012, tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, anh được nhận vào làm việc tại Công ty Đường bộ Quảng Trị.

Anh kể: “Thời điểm đó, lương của tôi cũng tương đối cao nhưng sống xa nhà, nhiều chi phí cần trang trải nên cũng không tích lũy được. Vì vậy, năm 2016, tôi trở về quê tìm hướng phát triển kinh tế. Sau thời gian nghiên cứu, tôi nghĩ gia đình có quỹ đất rộng, thuận lợi cho việc chăn nuôi quy mô lớn nên bàn với bố mẹ vay vốn mở trang trại.

Anh Nguyễn Đăng Phi cho cá ăn - Ảnh: M.H
Anh Nguyễn Đăng Phi cho cá ăn - Ảnh: M.H

Ban đầu, bố mẹ tôi không ủng hộ vì nghĩ rằng, chăn nuôi cần đầu tư lớn trong khi đó tôi chưa có kinh nghiệm nên sợ rủi ro. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục và thấy được quyết tâm của tôi, bố mẹ cũng đã đồng tình”.

Tháng 6/2016, từ nguồn vốn vay 300 triệu đồng, anh bắt tay thực hiện dự định. Trên tổng diện tích 1 ha đất ruộng kém hiệu quả, anh quy hoạch thành 8 hồ thả nuôi các loại như cá lóc, cá trê, ếch. Ngoài ra, mỗi lứa anh còn nuôi 100 con lợn, 500 con gà.

“Làm nông nghiệp rất nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như môi trường, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhu cầu của người tiêu dùng thì đa dạng. Do đó, tôi lựa chọn hình thức nuôi đa con để vừa tăng thu nhập vừa giảm bớt rủi ro”, anh Phi chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt và nuôi ếch của anh là mô hình duy nhất trên địa bàn xã Vĩnh Chấp. Trong đó, đối với nuôi cá lóc, mỗi năm một vụ thả nuôi khoảng 10 vạn cá giống, chăm sóc trong vòng 7 tháng, khi cá đạt trọng lượng từ 0,7 - 1 kg/con sẽ xuất bán với giá 56 nghìn đồng/kg.

Vụ nuôi năm 2023, anh xuất bán 20 tấn cá, lãi 140 triệu đồng. Riêng ếch nuôi, anh chọn giống ếch Thái Lan bởi đây là loài có giá trị kinh tế, sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon. Về kỹ thuật nuôi, anh đóng những tấm ván trên mặt nước và quây bằng lưới được gọi là các giai, mỗi giai có kích cỡ khoảng 4 x 5m, mật độ thả từ 80-100 con/m2.

Mỗi năm 2 vụ nuôi, mỗi vụ thả khoảng 2 vạn ếch giống. Thời gian nuôi từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm. Sau 3 tháng chăm sóc có thể xuất bán với giá 45 ngàn đồng/kg. Trong 2 vụ nuôi năm 2023, anh xuất bán được 3 tấn ếch. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về hơn 90 triệu đồng. Bên cạnh đó, để làm sạch môi trường tại các ao nuôi ếch, anh thả nuôi thêm 1 vạn cá trê.

Phân ếch hằng ngày là nguồn thức ăn của cá trê, giúp làm giảm từ 20%-30% lượng thức ăn của cá. Theo anh Phi, cá trê tuy bán với giá 15 nghìn đồng/kg nhưng mỗi vụ nuôi lãi khoảng 30 triệu đồng. Mô hình nuôi kết hợp này cho thấy hiệu quả rõ rệt, vừa tiết kiệm chi phí thức ăn cho cá vừa góp phần vệ sinh đáy ao, cải tạo nguồn nước, bảo vệ môi trường.

Hiện trang trại tổng hợp mang lại cho anh Phi lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.

“Trang trại chăn nuôi của tôi đã đi vào sản xuất ổn định. Thành quả này không chỉ là nỗ lực của bản thân mà còn là sự ủng hộ từ gia đình, bè bạn. Đó là nguồn động viên để tôi vượt khó khăn, quyết tâm theo đuổi con đường mà mình lựa chọn.

Gần đây mô hình được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ để mọi người cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và quê hương”, anh Phi bộc bạch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cam Lộ: 2 trang trại chăn nuôi lợn bị xử phạt 114 triệu đồng

Trường Nguyên |

Thông tin từ UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, địa phương đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Trong đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 114 triệu đồng đối với 2 trạng trại chăn nuôi lợn ở xã Cam Chính về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn.

Hiệu quả chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm

Võ Thái Hòa |

Những năm gần đây, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, giá thức ăn tăng cao đã ảnh hưởng đến việc tái đàn, tăng đàn lợn của người chăn nuôi. 

Hiệu quả mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh

Trần Anh Minh |

Chương trình cải tạo đàn bò được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thực hiện từ năm 1995 và triển khai liên tục từ đó đến nay.

Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động, giá trị cho người chăn nuôi

PV |

Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc lần thứ 5 với chủ đề “Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số” vừa được tổ chức.