Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới ở Tà Rụt

Kô Kăn Sương |

Những năm gần đây, bộ mặt xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) có nhiều khởi sắc. Đó là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới và sự chung sức, đồng lòng của người dân nơi đây trong việc tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống mới.


A Đăng là một trong những thôn được đánh giá đi đầu phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Tà Rụt. Toàn thôn có 232 hộ/789 nhân khẩu. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở sự chỉ đạo, định hướng của xã, những năm qua, thôn tăng cường vận động, tuyên truyền người chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất, trong đó tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa và trồng rừng; tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, nhiều hộ dân trong thôn được nâng cao nhận thức, tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm làm ăn, khai hoang ruộng đất, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đưa các giống cây trồng cho năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu.

Người dân xã Tà Rụt tích cực tham gia phong trào phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh: K.S
Người dân xã Tà Rụt tích cực tham gia phong trào phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh: K.S

Tiêu biểu như: Hộ ông Hồ Cần với mô hình kinh tế gia trại chăn nuôi bò, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; hộ ông Hồ Văn Hoan với mô hình trồng rừng, chăn nuôi bò thu nhập trên 100 triệu đồng/năm… Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, nhiều hộ dân trong thôn sẵn sàng hiến đất ở, đất sản xuất, hiến công để xây dựng trường học, đường nội thôn, tiêu biểu như: Hộ gia đình Côn Cát hiến 0,3 ha đất, gia đình Hồ Thị Hoa hiến 0,2 ha đất để xây dựng Trường Mầm non Tà Rụt; Côn Hùng hiến 0,4 ha đất để xây dựng Trường Tiểu học Tà Rụt; chị Hồ Thị Nghèo, Hồ Thị May, Côn Cần…hiến đất xây dựng đường nội thôn.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn A Đăng Hồ Văn Đôn cho biết: “Không chỉ tích cực tham gia phong trào phát triển kinh tế, hiến đất, hiến công xây dựng các công trình phúc lợi, người dân A Đăng còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pa Kô như: Cử nghệ nhân tham gia vào đội cồng chiêng, đội văn nghệ của xã; bảo tồn, chế tác các nhạc cụ, dụng cụ truyền thống, các điệu hát dân ca…; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định, bền vững, trẻ em có điều kiện học hành tốt hơn”.

Xác định phát triển kinh tế vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong công cuộc xây dựng NTM, Đảng ủy, HĐND, UBND xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy được nội lực, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT - XH, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu trong phát triển kinh tế của xã.

Ngoài trồng lúa nước, xã còn chú trọng đưa giống cây trồng mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Duy trì hiệu quả mô hình trồng chuối lùn bản địa tại thôn A Đăng, A Liêng; xây dựng vùng quy hoạch sản xuất ở các thôn, bản về diện tích cây sắn, ngô, dứa... Ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển đa dạng như: Mộc dân dụng, rèn, may mặc, xe vận tải, máy xay xát, máy trộn bê tông, thu hút hàng trăm lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng cơ sở hạ tầng của xã năm 2021 trên 3.338 tỉ đồng. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học trên địa bàn xã đạt 100%. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và chất lượng dịch vụ y tế của trạm y tế đáp ứng được các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Xã cũng đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

Đến nay, 100% thôn được trang cấp loa máy và có nhà sinh hoạt cộng đồng; nhà văn hóa xã được khởi công xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian và các thủ tục hành chính cho các tổ chức và công dân. Tỉ lệ dùng nước sạch của hộ dân đạt trên 80%. Phong trào xây dựng NTM được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng và duy trì tốt như đóng góp ngày công để phát quang, nạo vét kênh mương nội đồng; làm chuồng trại; xây dựng nhà tiêu; vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà sinh hoạt cộng đồng…Các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy và bảo tồn, bỏ dần hủ tục, tập quán lạc hậu. Đến nay, xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ Văn Nhiếp cho biết: “Để duy trì, giữ vững và thực hiện tốt 11 tiêu chí xã đã đạt được, thời gian tới, xã tập trung nguồn lực của địa phương, nguồn vốn cấp trên phân bổ cho xã phấn đấu về đích tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại) đã đề ra trong kế hoạch. Huy động nguồn vốn khoảng 3,5 tỉ đồng cho xây dựng chợ nông thôn nhằm thuận lợi trong việc thu mua và trao đổi hàng hóa trên địa bàn xã. Tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Để việc xây dựng NTM của địa phương thuận lợi, xã đề nghị cấp trên quan tâm phân bổ nguồn vốn sớm, thẩm định và phê duyệt hạng mục đầu tư để xã có cơ sở triển khai theo kế hoạch ”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cựu chiến binh góp sức xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, qua đó đóng góp quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.

Nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Gio Mai

Hoài Diễm Chi |

Trên cơ sở tự đánh giá các tiêu chí, UBND xã Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) phân công cán bộ, công chức đảm nhận hoàn thiện thủ tục hồ sơ, các văn bản tài liệu chứng minh, đến nay cơ bản đã có 19/19 tiêu chí được các phòng ban chuyên môn cấp huyện xác nhận đạt chuẩn theo quy định, đủ điều kiện đề nghị cấp trên thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Địa phương cũng đã tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, đến nay, tỉ lệ hộ dân được lấy ý kiến đạt 92% (1.223/1.329 hộ), tỉ lệ hài lòng đạt trên 90%.

Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hải Lăng

Ngọc Trang |

Để phát huy tối đa lợi thế của địa phương, những năm qua, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả đáng kể. Qua đó, góp phần đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để góp phần phòng chống thiên tai

Đan Tâm |

Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Quảng Trị đã huy động, kêu gọi được nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, tăng năng lực phòng, chống rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ cuộc sống người dân và cơ sở vật chất của Nhà nước, Nhân dân.