Pun coffee và hành trình gây dựng thương hiệu

Thanh Trúc |

Tin vui đến với Công ty TNHH Pun coffee (gọi tắt là Pun coffee) vào những ngày đầu tháng 5/2021 khi sản phẩm cà phê Arabica của đơn vị được xướng tên ở ngôi vị cao nhất tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021”.

Năm nay là năm thứ ba, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021” và lần đầu tiên, Quảng Trị có sản phẩm cà phê dự thi. Đằng sau thành công của Pun coffee là sự nỗ lực của cả một tập thể trên con đường xây dựng cà phê đặc sản Quảng Trị vươn ra thị trường thế giới.

Từ nông trại đến ly cà phê

Chị Lương Ngọc Trâm, Giám đốc điều hành Pun coffee năm nay 39 tuổi, từng làm ở bộ phận chiến lược của Tập đoàn TTC, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2019, chị gặp chồng mình là anh Phan Hồng Phong, một người con của đất Hướng Phùng, Hướng Hóa và nên duyên vợ chồng. Chị Trâm kể, tuy là người Quảng Nam nhưng bà nội của chị quê ở Vĩnh Linh, do đó chị thường xuyên về Quảng Trị và quen thuộc với nơi chốn này. Giống như một sự sắp đặt tình cờ của số phận, lấy chồng là người Quảng Trị, chị từ bỏ công việc gắn bó nhiều năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo chồng về Hướng Hóa và dần thích nghi với mảnh đất này, đặc biệt là làm quen với một ngành nghề mới, trồng và chế biến cà phê. Gia đình chồng chị Trâm có truyền thống hơn 25 năm trồng và chế biến cà phê trên mảnh đất Hướng Hóa.

Thu hoạch cà phê - Ảnh: NVCC
Thu hoạch cà phê - Ảnh: NVCC

Tuy vậy, khi tiếp cận với ngành nghề mới này, chị nhận thấy dấu ấn cà phê Khe Sanh - Quảng Trị tại thị trường cà phê Việt Nam và đặc biệt là đối với người tiêu dùng rất mờ nhạt. Với quyết tâm gây dựng thương hiệu cho cà phê Khe Sanh, năm 2019, chị Trâm cùng chồng thành lập Công ty TNHH Pun coffee. “Mục tiêu khi chúng tôi thành lập công ty là hướng đến sản xuất cà phê đặc sản theo hướng “Farm to cup”, thay đổi khái niệm dùng cà phê của người dùng với phương châm “cà phê là nước trái cây”. “Farm to cup” được hiểu là mô hình quản lý chất lượng đầu cuối, kết nối các nguồn lực để đảm bảo chất lượng nguyên liệu tươi ngon “từ nông trại đến ly cà phê”. Hiện nay, xu hướng người tiêu dùng trong nước hay quốc tế khi uống cà phê đều muốn biết xuất xứ ly cà phê từ đâu, ai trồng, mức độ an toàn như thế nào, do đó để xây dựng cà phê đặc sản với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực”, chị Trâm chia sẻ.

Ý tưởng là vậy nhưng khi bắt tay vào xây dựng, vợ chồng chị đối diện với rất nhiều khó khăn. Vùng cà phê nguyên liệu ở địa phương bị xuống cấp, nguyên nhân do 10 năm liên tiếp cà phê rớt giá nên người trồng bỏ bê, không chăm sóc, chất lượng cà phê so với các vùng cà phê khác rất kém. Một trong những lý do khiến chất lượng cà phê nguyên liệu chưa cao vì người trồng cà phê thu hoạch không đúng thời điểm (khi quả còn xanh hoặc chín quá), lẫn nhiều tạp chất, phơi cà phê trên sàn ẩm, máy móc còn lạc hậu nên không lọc được các hạt kém chất lượng… Doanh nghiệp mới thành lập nên gặp khó khăn về nhân công, kinh phí đầu tư thiết bị máy móc phục vụ cho việc sản xuất đơn hàng lớn như máy tách màu cà phê, hệ thống phòng lab để phân tích mẫu cà phê theo từng giai đoạn sản xuất nhằm kiểm soát chất lượng cà phê.

Giám đốc Pun coffee Lương Ngọc Trâm chăm chút từ công đoạn phơi cà phê đạt chuẩn - Ảnh: NVCC
Giám đốc Pun coffee Lương Ngọc Trâm chăm chút từ công đoạn phơi cà phê đạt chuẩn - Ảnh: NVCC

Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021” có 41 đơn vị đăng ký tham dự với 74 mẫu dự thi, trong đó có 45 mẫu cà phê Robusta và 29 mẫu cà phê Arabica. Kết quả, đoàn Quảng Trị giành thắng lợi lớn với hai sản phẩm của Công ty TNHH Pun coffee là cà phê Arabica chế biến Natural đoạt giải nhất với điểm 84.50, cà phê Arabica chế biến Honey đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản với 81,68 điểm. Sản phẩm của Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị đoạt giải nhì với 84 điểm.

Với chiến lược hướng tới sản phẩm chất lượng cao, vợ chồng chị bắt đầu từ việc vận động người dân hái cà phê chín đỏ 100%, mua giá cao gấp đôi thị trường để làm nguyên liệu chế biến. Riêng chị thường dành thời gian đi nhiều nơi nghiên cứu cách làm cà phê để đúc rút kinh nghiệm cho mình. Chị tìm cách tiếp cận với người trồng cà phê ở địa phương, đến tận từng vườn động viên, hướng dẫn người dân cách chăm sóc cà phê nhằm từng bước thay đổi thói quen trồng cà phê truyền thống cũng như đề xuất không phun thuốc hóa học, cam kết mua sản phẩm để họ yên tâm sản xuất. Khi đã tạo dựng niềm tin với người trồng cà phê, có được nguồn sản phẩm đảm bảo chất lượng, Công ty Pun coffee đầu tư hệ thống phơi nhà màng, hệ thống máy tách quả tươi, máy xát quả phục vụ sản xuất cà phê sạch.

Để có sản phẩm cà phê đặc sản đạt chuẩn, chị Trâm cho biết: “Quy trình chế biến cà phê đặc sản rất kỳ công, hạt cà phê sau khi đưa về xưởng phải rửa vớt hạt nổi trên mặt nước, loại bỏ những trái nẫu chín quá, đen khô, rồi ủ mát trước khi đưa phơi trên sàn lưới, phải căn nhiệt độ ngoài trời phù hợp. Bởi nếu để phơi ở nhiệt độ nóng quá thì cà phê nhanh khô, không phơi qua đêm tránh bị ẩm do sương, ngoài ra phải có thiết bị hỗ trợ như máy đo lượng đường, máy đo độ ẩm, máy đo nhiệt độ để kiểm tra chất lượng cà phê đạt chuẩn về phần quả thóc, sau công đoạn xay nhân lại nhặt lỗi theo tiêu chuẩn SCAA. Tất cả đòi hỏi phải tỉ mẩn, cẩn thận chăm chút từ khâu sản xuất nhỏ nhất cho đến cả quá trình chế biến ra thành phẩm”.

Chiến thắng của niềm tin và đam mê

Chia sẻ về kết quả mà Pun coffee đạt được tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021”, Lương Ngọc Trâm vẫn chưa hết hứng khởi. Chị cho biết, cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021” được tổ chức theo mô hình của các cuộc thi cà phê đặc sản uy tín trên thế giới, việc đánh giá chất lượng cà phê tuân theo các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục của Hiệp hội Cà phê đặc sản và Viện Chất lượng cà phê thế giới ban hành được cộng đồng cà phê đặc sản thế giới áp dụng. Các mẫu dự thi được mã hóa sau các công đoạn kiểm tra nhân xanh, rang xay, thử nếm. Và sau cùng là ráp điểm, ráp mã dự thi lại với nhau để tra ra đơn vị ban đầu.

Cơ duyên để Pun coffee lần đầu tiên tham gia cuộc thi cũng rất tình cờ. Vợ chồng chị Trâm may mắn kết nối với chuyên gia Lê Trung Hưng - Trưởng đại điện Công ty Inter-Kom S.p.A tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia Nguyễn Tấn Vinh - Giám đốc Công ty Kpan, hai người đặc biệt tâm huyết trong việc xây dựng cà phê đặc sản Việt Nam. Các chuyên gia đã tổ chức buổi tọa đàm về cà phê Khe Sanh, Hướng Phùng, đồng thời thu xếp thời gian 7 ngày về đào tạo chế biến cà phê chất lượng cao cho bà con nông dân làm cà phê tại Công ty Pun coffee. Trên nền tảng kiến thức đã có, chị Trâm mạnh dạn đăng ký 2 mẫu tham gia cuộc thi là cà phê Arabica chế biến Natural và chế biến Honey. Chị chia sẻ, ngay từ ban đầu Pun coffee khẳng định không làm cà phê cho riêng mỗi doanh nghiệp mà muốn xây dựng cộng đồng cà phê đặc sản Quảng Trị tại Hướng Phùng. Vì vậy, chồng chị Trâm cùng với 3 người khác thành lập nên Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị, mang đến cuộc thi sản phẩm cà phê Arabica chế biến Natural.

Điều thú vị ở cuộc thi năm nay là các đơn vị mới tham gia đều đạt giải cao, thay đổi được cái nhìn của các nhà rang xay cà phê chuyên nghiệp về khái niệm cà phê ngon phải xuất xứ vùng miền nào. Sản phẩm cà phê đặc sản của Pun coffee được trao ngôi vị quán quân tại cuộc thi đã mở ra cơ hội để cà phê đặc sản Quảng Trị vươn ra thị trường lớn.

Sản phẩm hoàn thiện của Pun coffee - Ảnh: NVCC
Sản phẩm hoàn thiện của Pun coffee - Ảnh: NVCC

“Toàn bộ các thiết bị phục vụ chế biến cà phê đặc sản của Pun coffee, nhóm cà phê Quảng Trị do ông Lê Trung Hưng kêu gọi đóng góp. Chiến thắng của cà phê đặc sản Quảng Trị tại cuộc thi là chiến thắng của niềm tin, đam mê và sự tri ân đối với những người không chỉ hỗ trợ chúng tôi điều kiện vật chất để làm ra cà phê đạt chất lượng đặc sản mà còn đặt niềm tin về một vùng cà phê đủ điều kiện hướng đến tiêu chuẩn đặc sản thế giới. Đồng thời một lần nữa khẳng định cà phê Quảng Trị rất đặc biệt và để hiện thực điều đặc biệt này cần phải cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng chi tiết sản xuất dù là công đoạn nhỏ nhất”, anh Phong cho biết.

Trong chiến lược phát triển thời gian tới, Pun coffee tập trung vào việc chuyển đổi số trong quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu mới cà phê Khe Sanh, Quảng Trị để phục vụ nguyên liệu chế biến cà phê đặc sản lâu dài. Trong năm 2021, Pun coffee đang xúc tiến các giai đoạn cuối để tiến hành xuất khẩu cà phê rang xay Quảng Trị sang thị trường Hoa Kỳ. “Mục tiêu của chúng tôi là tiến tới kinh doanh theo tiêu chuẩn chứng nhận Fair trade (Thương mại công bằng) trên cà phê nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân đang cùng làm với Pun coffee yên tâm sản xuất, trong đó có người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Đồng thời Pun coffee tiến hành xây dựng điểm trải nghiệm cà phê đặc sản Quảng Trị nằm trên cung đường Hồ Chí Minh nhánh tây, kết hợp cùng các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình coffee tour để quảng bá cà phê Quảng Trị”, Giám đốc Pun coffee Lương Ngọc Trâm khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhân rộng diện tích cà phê đặc sản Việt Nam

An Phong |

Để tiếp sức cho lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, mới đây Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu là phát triển cà phê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa; tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới… Đề án được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị. 

Mùa hoa cà phê nở trắng núi đồi

Thiên Sơn |

Những ngày giữa tháng Tư là thời điểm núi đồi huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khoác lên mình chiếc áo trắng tinh khôi của hoa cà phê vào mùa bung nở rực rỡ với hương thơm nhẹ dịu. Những cánh hoa cà phê nở trắng trời đã tô điểm cho thiên nhiên nơi đây thêm phần tươi đẹp.

Đề nghị chuyển đổi từ 1.000 - 1.500 ha cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả

Ngọc Trang |

Thực hiện Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, tính đến năm 2025, đến cuối năm 2020 huyện Hướng Hóa đã trồng mới và tái canh được 490,5 ha/800 ha kế hoạch. Ngân sách hỗ trợ tái canh 141,6 ha với tổng kinh phí hơn 1,55 tỉ đồng (ngân sách tỉnh 550 triệu đồng, ngân sách huyện hơn 1 tỉ đồng), thực hiện ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Hướng Linh và thị trấn Khe Sanh.

Đề án tái canh cà phê ở Quảng Trị không đạt mục tiêu

Công Điền |

Tính đến cuối năm 2020, diện tích trồng mới và tái canh cây cà phê ở Quảng Trị đạt 490ha/800 ha, chỉ đạt 61% so với mục tiêu đề ra.