Quan tâm bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản

Trần Anh Minh |

Hiện nay, tình trạng vi phạm thương hiệu, nhãn mác đối với sản phẩm nông sản diễn ra khá phổ biến trên phạm vi toàn quốc, không chỉ làm cho người tiêu dùng lúng túng trong lựa chọn hàng hóa để tránh hàng giả, hàng nhái mà quyền lợi của những người sản xuất chân chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, mọi giải pháp bảo vệ và giữ gìn thương hiệu nông sản có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy sản xuất phát triển.


Ở Quảng Trị, hiện nay có nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản có chất lượng được đưa ra thị trường, do đó không chỉ người sản xuất mà chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành đều quan tâm đến việc bảo vệ và giữ gìn thương hiệu sản phẩm nông sản.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/ CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 155/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Trị đến năm 2030.

Chè vằng Quảng Trị là sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý -Ảnh: T.A.M
Chè vằng Quảng Trị là sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý -Ảnh: T.A.M

Đến nay, có 2 chỉ dẫn địa lý (Tiêu Quảng Trị và chè vằng Quảng Trị) đã được đăng ký bảo hộ thành công. Hiện đang triển khai bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê chè huyện Hướng Hóa. Toàn tỉnh có 6 nhãn hiệu chứng nhận và 59 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ cho các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của các địa phương.

Chương trình OCOP đã thực hiện phân hạng và công nhận được 119 sản phẩm, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao (1 sản phẩm đề xuất trung ương phân hạng 5 sao), 77 sản phẩm đạt 3 sao và phần lớn các sản phẩm đã đăng ký xác lập quyền SHTT đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh. Việc xác lập quyền SHTT cho sản phẩm nông sản là giai đoạn đầu bắt buộc thực hiện.

Sau khi được cấp văn bằng cần phải xây dựng uy tín cho sản phẩm, tăng cường niềm tin cho khách hàng, xây dựng phương án tự bảo vệ để tránh hàng giả, hàng nhái mạo danh thương hiệu của sản phẩm; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để được hỗ trợ biện pháp bảo vệ, phương án quản lý khai thác và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm đã được bảo hộ.

Nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) của tỉnh đã đầu tư trang thiết bị sản xuất, hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực chế biến, tạo dựng uy tín thương hiệu, mở rộng thị trường, từng bước đưa nông sản của người dân có đầu ra ổn định. Nhiều sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.

Những năm qua, tỉnh từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản SHTT phù hợp với điều kiện địa phương. Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã quy định rõ các nội dung hỗ trợ về SHTT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa như: hỗ trợ DN trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến (ISO 9000, ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000, ISO 27000, HACCP, VietGAP hoặc GlobalGAP); hỗ trợ DN xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, đánh giá chứng nhận hợp quy.

Hỗ trợ xây dựng, đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ SHTT đối với mỗi phát minh hoặc sáng chế hoặc giải pháp hữu ích; hỗ trợ xây dựng, đăng ký và được cấp bằng sở hữu công nghiệp đối với mỗi nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp bảo hộ ở trong nước và nước ngoài; hỗ trợ xây dựng, đăng ký và được cấp văn bằng sở hữu công nghiệp đối với mỗi nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trong nước.

Ngoài ra, đối với DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thì theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ sẽ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền SHTT ở trong nước nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN.

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng bản mô tả sáng chế, bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bản thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền SHTT ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN.

Mục tiêu đến năm 2025, có trên 60% sản phẩm gắn với chương trình OCOP, sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; đến năm 2030 có trên 85% sản phẩm gắn với chương trình OCOP, sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Để bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo uy tín, thương hiệu sản phẩm, theo Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN Thái Thị Nga, trong thời gian tới, tập trung vào các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về quyền lợi của họ và cách bảo vệ.

Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và người sản xuất; nâng cao trách nhiệm của DN như: tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và người sản xuất; đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ để duy trì uy tín và thương hiệu. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất và tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của họ.

Những sản phẩm được bảo hộ giúp các nông sản đứng vững trên thị trường hơn và tạo uy tín sản phẩm ngày càng cao. Vì thế, cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, SHTT đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, đảm bảo môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh. Do đó, mỗi DN phải luôn bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình cùng với sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Truy xuất nguồn gốc góp phần nâng tầm giá trị nông sản

Lê An |

Hiện nay, trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng. Nông sản gắn tem truy xuất nguồn gốc không những giúp minh bạch “lý lịch” dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn, có địa chỉ tin cậy, giúp nông dân khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường.

Tìm hướng đi riêng để đưa nông sản, cây dược liệu bản địa vươn ra thị trường

Mai Lâm |

Dù mới đi vào hoạt động nhưng nhờ biết cách liên kết, hợp tác với đơn vị sản xuất có kinh nghiệm và lựa chọn dòng sản phẩm riêng, các thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị), đã sản xuất được một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, bước đầu được thị trường đón nhận.

Thái Lan tăng cường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thông qua đường sắt Lào

Tổng hợp |

Thái Lan đang chuẩn bị bắt đầu xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường sắt Thái-Lào từ tháng 12.

Nâng cao giá trị nông sản

Lê An |

Với định hướng phát triển SX-KD thương mại gắn liền với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai các mô hình nông nghiệp có hiệu quả trên cơ sở chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón và bao tiêu nông sản cho nông dân.