Ban Quản lý Bảo trì giao thông có nhiệm vụ giúp Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường sông; các dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp định kỳ, đột xuất.
Dự báo thiên tai những tháng cuối năm 2023 sẽ có diễn biến phức tạp, để chủ động trước tình hình này, Ban Quản lý Bảo trì giao thông luôn quan tâm duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông thuộc chức năng quản lý của mình.
Giám đốc Ban Quản lý Bảo trì giao thông Hoàng Anh Quang cho biết, hằng năm công tác phòng tránh, ứng phó kịp thời và khắc phục sớm hậu quả của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại trên các tuyến đường bộ, đường thủy, các công trình mà ban được giao nhiệm vụ quản lý luôn được đặt lên hàng đầu.
Hiện ban thực hiện công tác bảo trì hơn 434 km đường bộ (gồm 5 tuyến quốc lộ dài hơn 126 km; 21 tuyến đường tỉnh dài hơn 263 km; 24 tuyến đường nội thị dài hơn 45 km) và 4 tuyến đường thủy nội địa dài hơn 133 km (gồm 3 tuyến trung ương dài hơn 110 km; 1 tuyến địa phương dài gần 23 km).
Các tuyến và các công trình do ban quản lý nằm dàn trải trên tất cả các địa phương của tỉnh, thuộc vùng đồng bằng, miền núi và trung du. Đặc điểm địa lý, địa hình mỗi tuyến khác nhau nên mức độ ảnh hưởng do thiên tai gây ra cũng khác nhau. Do đó, trước mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và triển khai nhiệm vụ.
Giao nhiệm vụ cho ban và các phòng chuyên môn, các đơn vị phối hợp quản lý kiểm tra, bảo trì vật tư dự phòng và hệ thống nhà hạt, trạm, kho. Thiết bị, máy móc luôn sẵn sàng để có mặt tại các vị trí xung yếu nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố do thiên tai gây ra, không để ách tắc giao thông.
Ban đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành việc đào vét rãnh, thông cống, cảnh báo các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm. Với các công trình đang thi công dang dở thì đẩy nhanh tiến độ và xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn khi có mưa lũ. Khi có tin báo bão, áp thấp nhiệt đới, đội chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn (PCBL&TKCN) của ban phân công ngay nhiệm vụ trực bão lụt để theo dõi, chỉ đạo công tác PCBL được tốt và báo cáo kịp thời lên cấp trên theo quy định. Các đơn vị quản lý, thi công duy trì đủ quân số, thiết bị ứng phó 100% để PCBL một cách tốt nhất.
Theo ông Hoàng Anh Quang, thực tế mức độ ảnh hưởng do thiên tai gây ra rất phức tạp, tập trung nhiều ở miền núi. Trên Quốc lộ 15D đoạn qua huyện Đakrông mỗi mùa mưa bão có hàng nghìn khối đất đá sạt rơi xuống lấp mặt đường gây ách tắc giao thông. Việc khắc phục các điểm sạt lở này gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Với tổng chiều dài hơn 12 km, quốc lộ này có 6 km taluy dương là nhiều vách núi dựng đứng. Sau mỗi lần mưa bão, lũ lụt gây sạt lở, các công ty quản lý đã huy động nhân lực, phương tiện khắc phục, kịp thời thông xe trong thời gian sớm nhất.
Tại địa bàn huyện Gio Linh, ban triển khai duy tu, nâng cấp và bảo trì đường tỉnh 575B từ thị trấn Gio Linh đến xã Gio An nối với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông. Ngoài ra, ban còn triển khai bảo trì di tích cầu Treo Bến Tắt với các hạng mục sửa chữa mái taluy bên phải tuyến đường đầu cầu. Tháo dỡ, tận dụng lắp ráp các tấm lát gia cố mái cũ, đổ lại các phần bê tông đã hư hỏng.
Giám đốc Sở GTVT Trần Hữu Hùng cho biết, thời gian qua Ban Quản lý Bảo trì giao thông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong công tác chủ động duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông, để đảm bảo độ bền vững của các công trình cũng như hệ thống phụ trợ, ban luôn chủ động lên phương án kiểm tra nhằm sửa chữa chi tiết từng đoạn tuyến trên đường bộ, đường thủy; đặc biệt các tuyến hay bị ngập lụt, sạt lở.
Thường xuyên chủ động kiểm tra kỹ thuật các cầu yếu và các điểm xung yếu trên các tuyến, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý phù hợp nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão. Khi có sự cố xảy ra trong mưa bão, lũ lụt, ban chỉ đạo, phối hợp các đơn vị chủ động phân luồng đảm bảo giao thông luôn được thông suốt. Khắc phục, sửa chữa kịp thời các vị trí sạt lở, ít nhất đủ một làn xe, phương tiện đi lại an toàn.
Sau mỗi đợt lũ, bão, ban luôn kịp thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, đơn vị thi công có báo cáo tổng hợp về tình hình, khối lượng thiệt hại và đề xuất các biện pháp xử lý về ban để tập hợp báo cáo gửi sở và ban chỉ huy PCBL&TKCN của sở .Yêu cầu các bộ phận liên quan, các đơn vị quản lý, nhà thầu thi công trên cơ sở kế hoạch, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cụ thể hoá thành phương án, kịp thời, chủ động triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong mọi tình huống.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)