Địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có 52 công trình nước sạch nông thôn (tính theo bộ chỉ số điều tra nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn).
Trong số đó có 29 công trình không hoạt động, 15 công trình hoạt động kém hiệu quả, kém bền vững. Do thiếu nguồn nước sạch, người dân ở huyện miền núi này buộc phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, thậm chí đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nhiều tháng trong năm.
Công trình cấp nước ở thôn Húc Thượng 1, xã Húc, huyện Hướng Hoá có công suất thiết kế phục vụ cho 99 hộ dân. Sau một thời gian hoạt động kém hiệu quả, từ năm 2020 đến nay công trình không thể hoạt động được nữa. Sau khi ngừng hoạt động, công trình bị cây cỏ mọc um tùm che khuất và có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân công trình không hoạt động là do tác động của đợt lũ lớn vào năm 2020 gây bồi lấp. Được biết, toàn xã Húc có 9 công trình cấp nước, đến nay hầu hết đã bị hư hỏng.
Duy chỉ còn công trình cấp nước ở thôn Cu Dông vừa được sửa chữa lại, phục vụ sinh hoạt cho người dân tương đối đảm bảo. Còn lại những hộ dân sinh sống ở khu vực các công trình cấp nước hư hỏng thì những năm qua chủ yếu sử dụng nước suối, nước giếng đào hoặc tự kéo ống dẫn nước từ suối về dùng...
Chủ tịch UBND xã Húc Hồ Văn Ka Rai cho biết: “Hằng năm, mưa lũ đã làm hư hỏng các công trình cấp nước cộng đồng tại địa phương rất nghiêm trọng. Do thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt nên bà con phải sử dụng nguồn nước sông, suối không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tật. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm nâng cấp, sửa chữa các hệ thống cấp nước sạch. Hoặc nếu được hỗ trợ đầu tư, thì địa phương chúng tôi mong muốn được khoan giếng vì nguồn nước sẽ không bị nhiễm vôi”.
Cũng như xã Húc, thực trạng thiếu nước sạch tại xã A Dơi cũng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trước đây, người dân xã A Dơi chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình nước tự chảy, giếng khoan do một số chương trình, dự án đầu tư. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng các công trình nước tự chảy nơi đây bị xuống cấp, hư hỏng.
Bên cạnh đó, việc chăn thả gia súc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi ở nương rẫy làm ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, các đợt lũ lụt xảy ra vào năm 2020 đã khiến hệ thống đường ống các công trình nước tự chảy bị vỡ, cát, đất, đá vùi lấp. Vốn đã thiếu nước sinh hoạt khá trầm trọng nay người dân nơi đây càng khó khăn hơn khi phải sử dụng nguồn nước từ sông, suối để ăn uống, tắm giặt.
Trong khi đó, thực trạng thiếu nước sinh hoạt ở xã Lìa những năm qua cũng diễn ra nan giải không kém. Do bể nước cộng đồng ở thôn không hoạt động nên nhiều năm nay, cũng như hàng chục hộ dân ở thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, anh Hồ Văn Vói phải mua sắm can nhựa rồi hằng ngày vượt quãng đường khá xa để lấy nước về phục vụ sinh hoạt, ăn uống cho gia đình. Không thể chịu mãi cảnh thiếu nước, anh Vói cùng một số hộ lân cận gom góp lại với nhau hàng chục triệu đồng để làm giếng khoan.
Tuy nhiên, dùng được một thời gian thì nhiều thành viên gia đình anh cũng như một số hộ lân cận mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, thận do nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn. “Từ đó chúng tôi chỉ dùng nước giếng khoan để tắm giặt, nước ăn uống phải mua nước đóng bình sử dụng rất tốn kém.
Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa các bể cấp nước sạch hoạt động lâu dài để yên tâm sử dụng nguồn nước”, anh Vói bày tỏ. Không chỉ các hộ dân như anh Vói mà hàng trăm hộ dân ở địa bàn xã Lìa cũng chung cảnh ngộ. Được biết, xã Lìa có 2 bể nước tự chảy nhưng xây dựng đã lâu, công trình đã xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được.
Nguyên nhân các công trình không phát huy được hiệu quả là do phần lớn các công trình đã được xây dựng từ lâu (phần lớn từ năm 2010 trở về trước), nên hiện nay đã xuống cấp, hệ thống đường ống bị gãy hoặc rỉ sét, các bể chứa hư hỏng nặng; công nghệ xử lý nước lạc hậu.
Địa bàn thường xuyên ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt là mưa lũ vào năm 2020 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn huyện, đòi hỏi phải cần nguồn kinh phí lớn mới có thể khắc phục được hậu quả.
Một số công trình vẫn hoạt động nhưng công suất và số người sử dụng thực tế thấp hơn nhiều so với mức thiết kế ban đầu.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nạn chặt phá rừng làm nương rẫy là nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến các công trình cấp nước tự chảy hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Các đập dâng công trình nước tự chảy được đặt đầu nguồn, trên đồi núi và xa khu dân cư, không có người thường xuyên dọn dẹp, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên nhanh hỏng.
Hiện nhiều công trình chỉ phục vụ được vài hộ dân đầu nguồn, những hộ cuối nguồn hầu như không sử dụng được. Các công trình đều do cộng đồng tự quản lý, tuy nhiên chưa chặt chẽ, sự ràng buộc trong quản lý công trình chưa cao gây khó khăn trong việc khai thác và sử dụng công trình.
Đề cập đến các giải pháp, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá Trần Bình Thuận cho biết: “Chúng tôi sẽ huy động nguồn lực, xã hội hóa để khắc phục các công trình cấp nước hư hỏng trong thời gian tới. Công trình nào hư hỏng hoàn toàn sẽ thanh lý, công trình nào có khả năng khắc phục sẽ bổ sung vốn để sửa lại, đảm bảo nguồn nước sạch.
Bên cạnh đó cũng kết hợp bổ sung thêm giếng khoan, bể chứa nước mưa để phục vụ người dân, nhất là vào mùa khô hạn thiếu nước”. Hiện nay, huyện Hướng Hóa yêu cầu các phòng ban, các địa phương thường xuyên kiểm tra các công trình cấp nước tập trung hiện có và khắc phục sửa chữa các tuyến ống bị hư hỏng, tiến hành nạo vét, khơi thông hồ đập... để giải quyết nhu cầu trước mắt.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước để sử dụng bền vững, lâu dài.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)