Một nửa chặng đường của năm kế hoạch năm 2021 đã đi qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid -19 nhưng hầu hết các chỉ tiêu, kế hoạch quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế của Quảng Trị đều có bước phát triển đáng ghi nhận.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Quán triệt chủ đề của tỉnh là: “Trách nhiệm, kỷ cương, thu hút đầu tư, tạo đà phát triển”, ngay từ đầu năm cả hệ thống thống trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt và mạnh mẽ, lãnh đạo tỉnh đã cùng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch hành động và nhiều văn bản để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; chủ động triển khai linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và tạo bước đột phá mới để giành thắng lợi ngay từ đầu nhiệm kỳ. Nhờ vậy, kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP 6 tháng ước đạt 10.127, 6 tỷ đồng, tăng 6,1 % so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn so với mức tăng trưởng của cả nước (5,64%) và một số tỉnh trong khu vực miền Trung. Tổng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 2.646 tỷ đồng, đạt 76,7% dự toán địa phương và 92,5% dự toán trung ương. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm thực hiện gần đạt dự toán được trung ương giao cả năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 9.253 tỷ đồng, tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tạo bước đột phá mạnh mẽ về phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 53 dự án năng lượng được quy hoạch với tổng công suất 4.746MW. Dự kiến đến cuối năm 2021 có khoảng 18 dự án điện gió đang xây dựng với tổng công suất khoảng 700MW sẽ vận hành thương mại. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành sớm các dự án hạ tầng để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên khu vực phía Tây Quảng Trị. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung giai đoạn 1 Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng công suất 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, quyết liệt để vận động, thu hút, kêu gọi và làm việc với các nhà đầu tư chiến lược về các dự án đầu tư trọng điểm, đó là đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) các dự án động lực cấp tỉnh Quảng Trị; BCĐ công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ đầu tư các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh; Các dự án giao thông quan trọng, mang tầm chiến lược nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển và tạo động lực thúc đẩy, lan tỏa và đột phá mạnh mẽ cho tỉnh được đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện với quyết tâm rất cao. Trong đó, dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công trong tháng 9/2021. Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng cho phép thực hiện theo phương thức đối tác công tư; đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, được Hội đồng liên ngành đang thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 7, phấn đấu khởi công trong năm 2021. Dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình thẩm định, phê duyệt để khởi công trong năm 2021. Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà đang đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025 để khởi công vào đầu năm 2022. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1 đang đề xuất Ngân hàng Thế giới (WB) có ý kiến thống nhất để Bộ Kế hoạch – Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông – Vận tải đưa vào Đề án đầu tư xây dựng 5.000km đường cao tốc cả nước giai đoạn 2021-2030 và trình Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền để thực hiện theo hình thức PPP.
Một trong những nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm thực hiện và đẩy nhanh tiến độ trong 6 tháng đầu năm, đó là Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đã mời gọi Liên doanh tư vấn Subana Jurong- Sakae (Singapore) hỗ trợ tỉnh lập quy hoạch phát triển chiến lược, ký các biên bản ghi nhớ quan trọng với các SMF và Quỹ Truth làm cơ sở triển khai các hoạt động hợp tác sau này; tổ chức thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo lập Quy hoạch khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị.
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6,5-7%, phấn đấu đạt 7% như kế hoạch đã đề ra, thì GRDP trong 6 tháng cuối năm 2021 phải đạt trên 11.141 tỷ đồng và phấn đấu thu ngân sách trên tăng trên 10% so với kế hoạch đề ra. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm rất cao của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý về đầu tư xây dựng; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới...vv
(Nguồn: Báo Quảng Trị)