Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế vùng gò đồi. Những năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã đưa cây vải thiều vào trồng trên vùng đất vườn đồi, vườn nhà. Mùa vải thiều năm nay nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập cao nhờ các vườn vải thiều được mùa, được giá.
Những ngày này các hộ dân trồng vải thiều thôn Cam Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đang hối hả thu hoạch vải thiều. Toàn thôn Cam Phú có khoảng 50 hộ trồng vải thiều, trong đó có 10 hộ trồng với diện tích lớn từ 0,5 đến 1 ha. Năm nay, được đánh giá là vụ vải thiều đạt nhiều thắng lợi, vải thu hoạch tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Trung bình mỗi cây vải thiều đạt 1- 1,5 tạ, tư thương vào thu mua tại vườn với mức giá 25 nghìn đồng/kg. Do vải thiều tại tỉnh Quảng Trị chín sớm hơn các nơi khác, trên thị trường địa phương chưa có vải thiều các nơi khác về nhiều nên các hộ dân bán được giá. Nhờ trồng vải thiều đã mang về cho các hộ dân từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Bình, thôn Cam Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cho biết: cây vải không kén đất, có thể trồng trên đất khô cằn và cho sản lượng cao. Gia đình ông hiện có 0,5 ha vải thiều, sản lượng ước tính khoảng 4-5 tấn. Sau khi trừ chi phí ông thu nhập gần cả trăm triệu đồng.
Trong 10 năn trở lại đây, nhiều hộ nông dân các xã vùng gò đồi huyện Cam Lộ như xã Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa... đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác kém hiểu quả sang đầu tư vào trồng vải thiều.
Ông Đào Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cho biết: trên địa bàn xã Cam Thành đã có nhiều hộ chuyển đổi một phần diện tích đất kém dinh dưỡng để trồng vải thiều, bước đầu cây vải đã đem lại thu nhập khá cao cho người nông dân. Nhờ hiệu quả mang lại lớn 200 triệu đồng/ha nên cây vải được đánh giá là cây trồng đem lại hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Tập trung phát triển kinh tế vùng gò đồi, là một chủ trương đúng đắn và kịp thời của huyện Cam Lộ để tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trên cơ sở nguồn tài nguyên đất đai hiện có, trong thời gian tới huyện Cam Lộ sẽ tổ chức quản lý và khai thác một cách hiệu quả nhất. Lựa chọn các loại cây trồng, con nuôi phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, đặc biệt xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
(Nguồn: QRTV)