Săn cá bằng súng gỗ

Hiếu Giang |

Hàng chục năm gắn bó với nghề lặn biển bắn cá bằng súng gỗ dây cao su tự chế để mưu sinh, anh Nguyễn Văn Xinh (45 tuổi) ở Phường 4, TP. Đông Hà (Quảng Trị) có nguồn thu nhập khá cao nhờ nghề độc đáo này. Nghề khá lạ lẫm này không chỉ giúp vợ chồng anh trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học đàng hoàng, mà đó còn là niềm đam mê bất tận đối với anh Xinh.

Tình cờ gặp anh Xinh đang hành nghề lặn biển bắn cá khá thú vị ở rạn đá tại khu vực cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) tôi tò mò tìm hiểu. Trở lên bờ với hai con cá vược biển vừa bắn được vẫn còn thoi thóp thở trĩu nặng trên tay, anh Xinh vui vẻ nói: “Hai con cá vược này tầm 13 kg, giá mình bỏ cho một số nhà hàng ở TP. Đông Hà là 180.000 đồng/kg, tính ra hôm nay đã có tiền triệu. Hôm qua tôi cũng may mắn bắn được 3 kg cá nâu dưới chân cầu Cửa Việt, giá cá nâu bỏ mối là 370.000 đồng/kg. Đợt này thời tiết thuận lợi, gặp nhiều cá to, cá đặc sản nên thu nhập cũng đỡ”. Tranh thủ nghỉ ngơi sau gần 2 giờ ngụp lặn dưới nước biển, anh Xinh kể về nghề của mình.

Anh Nguyễn Văn Xinh chuẩn bị lặn xuống biển để bắn cá - Ảnh: ĐV
Anh Nguyễn Văn Xinh chuẩn bị lặn xuống biển để bắn cá - Ảnh: ĐV

Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Phường 4, TP. Đông Hà nên từ nhỏ anh Xinh đã trở thành một “kình ngư” thứ thiệt và cũng sớm theo gia đình làm nghề đánh bắt cá tôm mưu sinh. Một thời gian sau, qua tìm hiểu anh biết đến nghề đánh cá… bằng súng cao su tự chế và quyết định theo nghề này. Chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu từ một số bạn bè và mạng Internet, anh mày mò tự chế chiếc súng bắn cá để hành nghề.

Theo anh Xinh, súng tự chế khá đơn giản: Gồm có thân bằng gỗ dài khoảng 1 m, súng bắn được nhờ vào sức căng của những búi dây cao su bền chắc, đàn hồi tốt. Sức co giãn của dây cao su đủ mạnh để đẩy mũi tên đi thật nhanh, xuyên thủng loài cá lớn. Mũi tên rất sắc nhọn được anh làm từ thanh sắt 6 tròn sáng bóng. Anh thường dùng 2 loại mũi tên, loại mũi tên ngắn hơn dùng để bắn loài cá nhỏ; mũi tên dài hơn phía trước chỉ một mũi xuyên thì bắn loài cá to lên đến hàng chục kilogam.

“Ở Quảng Trị, tôi thường lặn bắn cá tại một số địa điểm quen thuộc như các rạn đá ở biển Vĩnh Thái, cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt, khu vực mũi Trèo. Thỉnh thoảng tôi cũng lặn ở khu vực chân cầu Châu Thị, chân cầu Hiền Lương ở Vĩnh Linh. Lâu lâu tôi cũng vào đến Thừa Thiên Huế để hành nghề. Những loài cá tôi bắn đa số là cá đặc sản có giá trị cao như: cá vược, cá hồng, cá hanh, cá dìa, cá mú, cá nâu, cá đối...”, anh Xinh kể. Để đến các địa điểm lặn bắn cá ở trong tỉnh, anh rong ruổi bằng xe máy. Khi đến nơi hành nghề, anh mặc bộ áo quần dài tay kín người để giữ ấm cơ thể, đeo đồ bảo hộ để tránh đá nhọn, vỏ hàu gây thương tích và đeo kính lặn, chân vịt. Sau khi thăm dò địa điểm thích hợp, anh từ từ lặn xuống dò tìm cá để săn. “Lặn không dùng bình dưỡng khí nên cứ nín thở khoảng hơn 1,5 phút tôi lại ngoi lên mặt nước để lấy hơi. Độ sâu mực nước mình lặn thường từ 5 - 10 m hoặc hơn, tùy địa điểm.

Cá thường di chuyển theo các rạn đá ngầm hoặc ẩn mình trong các rặng san hô… Quan sát lựa chọn được con mồi, tôi chậm rãi đưa vào tầm ngắm, khi còn khoảng cách chừng 3 m, thấy cá bơi ngang thân thì bóp cò. Phần nhiều các mũi tên đều trúng đích, việc bắn cá với tôi đã trở nên thuần thục và mình cảm nhận được sự chính xác trong từng cú bắn. Với nghề này, có ngày tôi thu nhập đến vài triệu, cũng có khi cả tuần không bắn được con cá nào. Tuy nhiên, nghề lặn biển bắn cá dù nhọc nhằn, vất vả nhưng bù lại ngày kiếm được 700-800.000 đồng là chuyện bình thường.

Hiện nay tôi là một trong số rất ít những người ở tỉnh Quảng Trị lấy nghề lặn biển bắn cá để mưu sinh. Nghề tuy có thu nhập khá cao nhưng không phải ai cũng theo được vì sự nhọc nhằn, nguy hiểm. Riêng tôi theo nghề ngoài chuyện mưu sinh còn là niềm đam mê, là thú vui được bơi lặn để săn cá”, anh Xinh cho hay.

Qua tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi nước nguồn đổ về làm đục sông, biển cũng là lúc anh Xinh nghỉ ngơi. “Có cái hay là khi thời tiết Quảng Trị bước vào mùa mưa lũ, mùa lạnh thì cũng là lúc ở đảo Phú Quốc thời tiết lại đẹp như mùa hè. Vì vậy mỗi năm từ tháng 10 đến tháng 12 là tôi lại ra đảo Phú Quốc hành nghề.

Anh Nguyễn Văn Xinh bên chiến lợi phẩm của mình là 2 con cá vược bắn được từ dưới rạn đá ở khu vực cảng Cửa Việt - Ảnh: ĐV
Anh Nguyễn Văn Xinh bên chiến lợi phẩm của mình là 2 con cá vược bắn được từ dưới rạn đá ở khu vực cảng Cửa Việt - Ảnh: ĐV

Ngoài đó lặn biển bắn cá khá thuận lợi, cá đặc sản phong phú, bán lại được giá cao nên mỗi chuyến đi Phú Quốc về tôi kiếm được từ khoảng 70 - 100 triệu đồng, rủng rỉnh tiêu pha dịp Tết và có tích lũy cho gia đình”, anh Xinh vui vẻ chia sẻ. Cũng nhờ nghề lặn biển bắn cá có thu nhập khá cao nên anh Xinh cùng vợ nuôi nấng 4 người con ăn học đầy đủ. Anh Xinh vui mừng chia sẻ rằng 3 người con của mình đều đã học đại học, trong đó có một người con đã ra trường có việc làm, con út đang học lớp 10. “Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này khi sức khỏe còn tốt”, trước khi tiếp tục nhảy xuống biển hành nghề, anh Xinh vui vẻ cho hay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Vượt được lũ khi nuôi cá trong “lồng thuyền”

Sỹ Hoàng |

Gần 7 năm trở lại đây, người nuôi cá nước ngọt trên sông Ô Giang ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã chuyển dần sang mô hình lồng nuôi cá nước ngọt mới với hình dạng giống chiếc thuyền. Loại “lồng thuyền” này đã khẳng định được hiệu quả kinh tế trong thực tế qua nhiều vụ nuôi với việc không bị hư hại, cuốn trôi trong mùa mưa lũ; cá sinh trưởng tốt, ít bị dịch bệnh…

Chuyển giao mô hình nuôi cá dìa trong ao

Phan Việt Toàn |

Ngày 5/4, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chuyển giao mô hình nuôi cá dìa trong ao cho hộ ông Trần Văn Thương ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh.

Nuôi cá leo trong ao cho năng suất 11 tấn/ha/vụ

Thục Quyê |

Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi cá leo trong ao tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh với quy mô 0,2 ha, thả nuôi 4.000 con giống cá leo kích cỡ 10 – 12 cm.

Triển vọng từ mô hình nuôi cá “sông trong ao”

Mỹ Hằng |

Với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp truyền thống, mô hình nuôi cá “sông trong ao” của anh Trần Công Thạo, ở thôn Đông xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bước đầu mang lại hiệu quả cao. Mô hình đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.