Ngày 27/5/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra tình hình khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và làm việc với các doanh nghiệp khai thác đá tại khu vực Tân Lâm, huyện Cam Lộ.
Mỏ đá khối A - Tân Lâm được UBND tỉnh cấp phép cho 4 doanh nghiệp khai thác từ tháng 7/2012, thời hạn cấp phép là 10 năm. Trong đó, Liên danh Công ty Cổ phần Thiên Tân và Công ty Cổ phần Tân Hưng có diện tích khai thác 7,49 ha, công suất khai thác 150.000 m3 đá nguyên khối/ năm, tương ứng với đá rời sau chế biến là 270.000 m3 /năm. Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông và Công ty TNHH Minh Hưng có diện tích khai thác 5,85 ha, công suất khai thác 125.000 m3 đá nguyên khối/năm, tương ứng với đá rời sau chế biến là 225.000 m3 /năm.
Sau khi mỏ đá được cấp phép, các doanh nghiệp đã tổ chức khai thác, đáp ứng đủ sản lượng đá các loại cho các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức khai thác đảm bảo đúng quy định của pháp luật và an toàn lao động; thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường, nộp đầy đủ các khoản thuế cho Nhà nước.
Hiện nay, mỏ đá khối A - Tân Lâm sắp hết hạn khai thác, trữ lượng còn lại rất ít, phần lớn là đá phong hóa, chất lượng kém. Chính vì thế sản lượng khai thác giảm trên 50% so với trước đây và chỉ cung cấp khoảng 40% sản lượng đá cho nhu cầu xây dựng các công trình, 60% sản lượng đá còn lại phải lấy từ tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Thêm vào đó, sau khi mỏ đá khối A - Tân Lâm hết hạn khai thác vào tháng 6/2022 thì sản lượng đá khai thác trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng trên 100.000 m3 /năm, không thể đủ nguồn đá để cung cấp cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, mỏ đá khối D - Tân Lâm đang được quy hoạch để sản xuất xi măng đến năm 2021 nhưng chất lượng đá không đạt tiêu chuẩn sản xuất xi măng. Vì vậy các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đưa mỏ đá vôi khối D - Tân Lâm (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) ra khỏi quy hoạch sản xuất xi măng, đồng thời xin cấp phép cho 4 đơn vị khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong thời gian chờ ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh xem xét cho các đơn vị tiếp tục khai thác âm tại mỏ đá khối A - Tân Lâm nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu cho các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn; giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành đã có nhiều ý kiến trao đổi về các đề xuất của doanh nghiệp, đa số đều cho rằng đề xuất của doanh nghiệp là chưa phù hợp với thực tế bởi liên quan đến vấn đề phát triển du lịch, di tích lịch sử, quốc phòng - an ninh.
Kết luận, đối với đề xuất tiếp tục khai thác âm tại mỏ đá khối A - Tân Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu các doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá lại trữ lượng, có phương án khai thác cụ thể, phương án hoàn thổ trả lại quỹ đất sau khi khai thác và lập báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét để cấp phép.
Đối với đề xuất khai thác mỏ đá khối D - Tân Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh sẽ xem xét lại nhiều yếu tố liên quan bởi việc này cần có sự đồng thuận của các cấp chính quyền và Nhân dân. Sau khi có kết quả khảo sát, ý kiến của các cấp chính quyền, sở, ngành, Nhân dân, UBND tỉnh sẽ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nên làm rõ chi tiết khu vực khai thác và nếu được cấp phép khai thác thì doanh nghiệp phải cam kết không được làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử, việc phát triển du lịch và nhất là yếu tố quốc phòng - an ninh tại khu vực này. Yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục tiến hành khảo sát khu vực khai thác khác trên địa bàn tỉnh để xin cấp phép nhằm chủ động trong sản xuất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)