Sau 50 năm chiến thắng Cửa Việt, nơi mảnh đất chiến trường xưa Triệu An, Triệu Vân bây giờ đã được phủ lên màu xanh của hoa màu, của nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng… tạo sinh khí mới cho vùng cát ven biển huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Theo Lịch sử Đảng bộ xã Triệu An (huyện Triệu Phong) và nhiều tư liệu liên quan, Cửa Việt là một quân cảng chiến lược nằm trên địa phận huyện Triệu Phong, là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng mở ra Biển Đông, có ý nghĩa chiến lược đối với cả ta và địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ sau năm 1972, cảng Cửa Việt nằm dưới sự kiểm soát của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Để thực hiện âm mưu tái chiếm vị trí trọng yếu này, được sự hỗ trợ của Mỹ, tháng 1/1973, quân đội ngụy Sài Gòn đã mở cuộc hành quân “Tăngô Xity” nhằm đánh chiếm Cửa Việt trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Trước sự tấn công dũng mãnh của Quân giải phóng, vào lúc 10 giờ 30 phút, ngày 31/1/1973, toàn bộ lực lượng địch bị thiệt hại nặng, phải rút khỏi khu vực bờ Nam Cửa Việt. Cuộc hành quân “Tăngô Xity” thất bại hoàn toàn, vùng giải phóng được khôi phục lại.
Vào năm 2012, Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt được xây dựng tại thôn Phú Hội (xã Triệu An, Triệu Phong) trên diện tích 8.100 m2 với các hạng mục như tượng đài cao 17 m; nhà khánh tiết kết hợp với nhà văn hóa cộng đồng; khuôn viên sân nền; hệ thống cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ với tổng mức đầu tư 30 tỉ đồng.
Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt được xây dựng nhằm ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân ta đập tan cuộc hành quân lấn chiếm Cửa Việt năm 1973 của quân đội Sài Gòn. Đây là chiến thắng có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, trực tiếp góp phần đánh bại âm mưu phá hoại Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Bí thư Đảng ủy xã Triệu An, huyện Triệu Phong Hoàng Cộng Hòa cho biết, tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương, ngày nay người dân xã Triệu An đã lập thêm chiến công mới trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Ngày xưa cứ vào mùa khô hạn, khung cảnh làng xóm trở nên trơ trọi, khô khốc dưới cái nắng như đổ lửa. Nhìn từ xa là bạt ngàn cát trắng bạc màu, mọc vài loài cây dại lay lắt giữa sự khắc nghiệt của thời tiết.
Bây giờ, chính trên vùng cát trắng hoang hóa ấy đã mọc lên những trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá; nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng như nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Để có được kết quả ấy, những năm qua xã Triệu An đã tập trung khai thác thế mạnh vốn có của địa phương, đó là đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và trồng lúa, hoa màu trên cát.
Theo đó, xã Triệu An đã khuyến khích, vận động người dân huy động nguồn vốn để nâng cấp, cải hoán tàu, thuyền và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi xa, bám biển phát triển kinh tế, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đến nay xã Triệu An có 226 tàu, thuyền với tổng công suất 5.700 CV. Chỉ tính riêng năm 2022, sản lượng khai thác thủy, hải sản toàn xã Triệu An đạt 1.420 tấn, trong đó hải sản xuất khẩu 190,7 tấn với tổng giá trị hơn 57 tỉ đồng.
Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại đạt 141,64 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 96,14 ha; sản lượng tôm thu hoạch năm 2022 đạt 569,44 tấn với tổng giá trị hơn 67 tỉ đồng. Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Bên cạnh đó, xã Triệu An khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng lúa, hoa màu trên cát; cung cấp thông tin về giống lúa, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa để giúp người dân trồng lúa trên cát có hiệu quả. Xã đã cử cán bộ chuyên trách về nông nghiệp hướng dẫn người dân tùy theo chân đất cát để trồng giống lúa phù hợp. Như đối với đất cát ở khu vực gần biển thì trồng giống lúa HT1 để chịu mặn, chịu hạn; vùng đất cát ở khu vực xa biển, cao hơn thì trồng giống lúa chịu hạn X23; vùng đất phèn, đất chua thì dùng vôi, muối khử và chọn giống lúa Khang Dân, Ma Lâm...
Nguồn nước tưới cung cấp cho diện tích trồng lúa chủ yếu nhờ vào lượng mưa, mùa mưa hằng năm nên cũng phải hướng dẫn cho người dân nên trồng lúa vào thời gian mưa nhiều trong năm là thích hợp nhất. Với việc làm thiết thực đó, trong năm 2022 diện tích lúa trên cát của xã Triệu An đạt 111,5 ha, sản lượng thu được 361,45 tấn, năng suất bình quân đạt 32,42 tạ/ha….
Cùng với phát triển nông- ngư nghiệp, tận dụng lợi thế giao thông thuận lợi khi nằm trong Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền xã Triệu An đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Nhiều cơ sở sản xuất nước tinh lọc, nước đá, cơ sở mộc dân dụng, đóng, sửa chữa tàu thuyền, nghề xây dựng, may mặc, sản xuất bún, bánh giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Năm 2022, giá trị thu được từ các ngành, nghề thương mại, dịch vụ, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp lên đến hàng trăm tỉ đồng….
Vùng đất Cửa Việt vốn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong suốt hành trình phát triển, người dân trên vùng đất này đã anh dũng kiên cường trong chiến tranh và nhẫn nại, chịu khó trong xây dựng quê hương, để có được cuộc sống sung túc, đủ đầy như ngày hôm nay…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)