Không nằm trong nhóm cây lâm nghiệp chính nhưng thời gian qua, cây trẩu không chỉ có vai trò phòng hộ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở đất mà còn tạo sinh kế, mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị).
Các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Phùng là nơi tập trung diện tích cây trẩu lớn nhất của huyện Hướng Hóa. Trẩu được trồng xen trong rừng phòng hộ, trồng phân tán, trồng tập trung trên nương rẫy của người dân. Vào mùa khai thác, người dân thường vào rừng thu hái quả về bán cho thương lái với giá từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Nếu chịu khó thu hái, bình quân một người có thể có thu nhập trên dưới 200.000 đồng/ngày.
Ông Hồ Xuân Nhàn, một thương lái thu mua hạt trẩu ở tại thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng cho biết, vào mùa thu hoạch quả, chỉ tính riêng cơ sở của ông bình quân một ngày thu mua trên 1 tấn quả trẩu với giá từ 6.000 - 8.000 đồng/kg quả tươi và từ 15.000 - 17.000 đồng/kg quả khô.
“Ở đây, nhà ít người vào rừng thu hái thì mỗi mùa cũng thu được 8 - 10 triệu đồng từ hạt trẩu, nhà nhiều thì lên đến hơn 20 triệu đồng. Hiện tại nhu cầu hạt trẩu của thị trường rất lớn, người dân thu hái được bao nhiêu đều được thương lái mua hết bấy nhiêu”, ông Nhàn cho hay.
Cây trẩu lâu nay không xa lạ với người dân hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông. Đây là loại cây được đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trồng để làm hàng rào phân chia khu vực đất rẫy, đất vườn... Hiện nay cây trẩu đang dần trở thành loại cây có giá trị kinh tế cao, cho thu hoạch nhanh, mang lại thu nhập liên tục cho người trồng, giúp người dân cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.950 ha rừng trẩu, chiếm khoảng 21,3% diện tích trẩu trên cả nước, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Về tuổi rừng, hầu hết diện tích rừng trẩu được trồng từ giai đoạn những năm 2000 - 2008, bắt đầu từ các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Tân Thành sau đó mở rộng sang các xã khác.
Trong đó, diện tích rừng trẩu từ cấp tuổi 2 (5 - 10 năm, bắt đầu cho thu hoạch quả) đến cấp tuổi 3 (11 - 15 năm, bắt đầu cho thu hoạch quả ổn định) là trên 1.300 ha, chiếm tỉ lệ khoảng 45%; cấp tuổi 4 (từ 15 năm trở lên, cho năng suất thu hoạch quả cao, ổn định) là gần 1.580 ha, chiếm tỉ lệ gần 54%.
Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long thông tin, trước đây cây trẩu chỉ được người dân sử dụng để làm củi đốt hoặc khai thác gỗ để làm các vật dụng trong nhà. Khoảng 10 năm lại đây, khi thương lái thu mua hạt trẩu với số lượng lớn, cây trẩu mới bắt đầu được chú ý đến. Qua thực tế tại địa phương, cây trẩu rất dễ trồng, có thể ươm hạt hoặc vào rừng đào cây nhỏ về trồng.
So với các cây trồng khác, cây trẩu khá dễ chăm sóc, dù ở nơi có địa hình đồi núi dốc, khí hậu khô hạn, đất đai cằn cỗi, cây trẩu vẫn phát triển xanh tốt. Ngoài thu hái trong tự nhiên, nhiều hộ dân đã chuyển đổi một phần diện tích đất của mình sang trồng cây trẩu. Sau khoảng 4 - 5 năm trồng là đã có thể thu hoạch quả.
Tùy theo cây lớn nhỏ mà mỗi cây trẩu cho sản lượng khác nhau nhưng bình quân cũng được khoảng 10 - 15 kg quả tươi/cây. Hạt trẩu bán rất dễ, chỉ cần đi nhặt về là có thương lái đến thu mua tận nơi. Qua đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Minh Trí cho biết, hiện tại tiềm năng thị trường hạt trẩu rất lớn, bên cạnh nhu cầu của thị trường xuất khẩu, ngay trong nước hằng năm các doanh nghiệp sản xuất có liên quan đến nguyên liệu dầu trẩu như các doanh nghiệp chế biến sơn, véc ni, sản xuất đồ gốm, gạch... thường có nhu cầu sử dụng tới hàng nghìn tấn dầu trẩu.
Nhằm xây dựng và phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 237/ KH-UBND về phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến dầu trẩu trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2026, bảo vệ, duy trì ổn định, nâng cao chất lượng hơn 2.900 ha rừng trẩu hiện có, phấn đấu đạt năng suất quả từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên và giá trị thu nhập từ rừng trẩu tăng từ 20% trở lên so với hiện tại, đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng. Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1.000 ha. Tối thiểu 1.000 hộ gia đình tham gia gây trồng và phát triển trẩu được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ trẩu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình.
Đến năm 2030, hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8.320 ha, hằng năm cung cấp 4.000 tấn hạt trẩu chất lượng cao, phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu; mang lại giá trị thu nhập từ rừng trẩu tăng từ 25% trở lên so với hiện tại. Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt từ 5.000 ha trở lên. Tối thiểu 2.000 hộ gia đình tham gia gây trồng và phát triển trẩu.
Theo ông Trí, để đạt được các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp quản lý, tác động phù hợp nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và sử dụng bền vững cho từng vùng gây trồng trẩu hiện có. Xây dựng quy hoạch vùng trồng mới cung cấp nguyên liệu tập trung phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ tại 10 xã thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông với tổng diện tích quy hoạch ổn định vùng trồng trẩu là gần 5.400 ha.
Trong đó, ưu tiên vùng nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến theo phương châm “vùng sản xuất nguyên liệu được doanh nghiệp bảo trợ, đặt hàng”. Phát triển sản xuất giống trẩu có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, hỗ trợ và thúc đẩy việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong thu hoạch, sơ chế, chế biến hạt trẩu để tăng cường chất lượng sản phẩm.
Khuyến khích, đẩy mạnh, hỗ trợ các cộng đồng, tổ hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở chế biến dầu trẩu quy mô nhỏ (công suất dưới 100 tấn dầu thô/năm) và doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến vừa (công suất 500 - 1.000 tấn dầu thô/năm) gắn với vùng nguyên liệu theo hướng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất.
Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy chế biến tinh dầu với công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế (CoC, BSCI, ISO 9001:2015...), công suất trung bình 500 - 1.000 tấn hạt/năm để tạo bước đột phá về sự đa dạng hóa các sản phẩm từ cây trẩu, có thương hiệu, uy tín, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu gắn với du lịch sinh thái nhằm khai thác các tiềm năng sẵn có tại mỗi địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)