Từ những ngày đầu tháng 8 đến nay, người dân sống lân cận các khu vực rừng phòng hộ ở huyện Hướng Hóa, nhất là ở xã Hướng Tân - nơi tập trung diện tích cây trẩu khá lớn và lâu năm - đã bắt đầu đi nhặt, hái những trái trẩu đã già, chín bán kiếm thêm thu nhập. Trái trẩu là nguồn sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương trang trải cuộc sống gia đình...
Nhặt nhạnh “lộc rừng”
Những ngày đầu tháng 8, khi những trái trẩu già rụng xuống thì cũng là lúc nhiều người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở xã Hướng Tân lại vào rừng nhặt để mưu sinh. Thời điểm nông nhàn sau khi đã xong việc nương rẫy và cũng là lúc học sinh đang nghỉ hè nên từ người già, người lớn cho đến trẻ nhỏ đều tranh thủ thời gian, cố gắng kiếm được thật nhiều trái trẩu để gia tăng thu nhập.
Đi dọc theo tuyến đường vào khu vực dự án điện gió ở xã Hướng Tân, chúng tôi bắt gặp hai chị Hồ Thị Cơ và Hồ Thị Đông, cùng ở thôn Trằm ngồi tách hạt trẩu vừa nhặt được trong rừng. Với đôi bàn tay thoăn thoắt, thuần thục, chỉ một lúc hai chị đã tách được hơn chục ki lô gam hạt từ những trái trẩu chín đen.
Chị Đông cho biết, nhiều ngày nay, cứ hơn 4 giờ sáng, chị cùng chị Cơ lên đường vào rừng để nhặt trẩu. “Trái trẩu thường rụng vào ban đêm nên mình phải tranh thủ đi thật sớm. Mấy năm nay, cứ vào mùa trẩu chín, chị em chúng tôi lại có thêm thu nhập đáng kể, bình quân mỗi ngày kiếm được 200-250 nghìn đồng, có khi còn nhiều hơn. Ở đây ngoài thu nhập từ làm nương rẫy, ruộng nước, cây trẩu góp phần giúp cải thiện cuộc sống của gia đình tôi rất nhiều”, chị Đông nói.
Theo các chị, hạt trẩu sau khi tách vỏ lấy nhân, nếu bán tươi theo giá đầu mùa như hiện nay thì được khoảng hơn 5.000 đồng/kg, nếu tranh thủ trời nắng phơi khô thì bán được khoảng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Ngồi bên cạnh, chị Cơ nói thêm: “Công việc nhặt trẩu khá đơn giản, lại kiếm được tiền trang trải cuộc sống hằng ngày nên cứ đến mùa, chị em tôi lại vào rừng nhặt trẩu. Nhặt ở khu vực bìa rừng hết thì lại đi vào rừng xa hơn, sâu hơn. Để được hưởng lợi lâu dài, người dân chúng tôi luôn tuân thủ khai thác trái trẩu đúng theo lời khuyên của cán bộ bảo vệ rừng. Đối với những quả già thì hái, quả chín rụng thì nhặt, chứ không chặt cây, bẻ cành” chị Cơ nói.
Cách đó không xa, chúng tôi bắt gặp ông Hồ Văn Mừng (61 tuổi) cùng đứa cháu trai là Hồ Lâm Hoàng, học sinh lớp 9 ở xã Hướng Tân băng vội dưới tán rừng tràm đến rẫy của mình. Ông Mừng nói: “Gia đình tôi có khoảng gần 1 ha trồng trẩu xen lẫn với cây keo tràm. Cứ đến mùa quả chín rụng, ông cháu tôi lại vào rẫy để nhặt quả. Thu hoạch xong trẩu ở rẫy của mình thì chúng tôi lại vào các cánh rừng phòng hộ để nhặt tiếp.
Mùa này, cứ rảnh là tranh thủ vào rừng nhặt trẩu bán kiếm thêm thu nhập”. Sau nhiều giờ sục sạo ở một khoảng rừng, ông Mừng và cháu nhễ nhại mồ hôi trở ra với 2 bao gai đầy trẩu. Chỉ tay vào bao trẩu vừa nhặt được, ông Mừng vui vẻ nói: “Hôm nay ông cháu tôi chắc sẽ nhặt được nhiều hơn mấy ngày trước. Mới gần nửa ngày đã được hai bao trẩu đầy hơn 40 kg rồi. Hiện nay đầu mùa, giá mới chỉ được hơn 5.000 đồng/kg, thường thì cuối mùa giá có cao hơn. Nhặt cật lực, mỗi ngày hai ông cháu tôi cũng kiếm được từ 400 - 500 nghìn đồng”.
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, em Hồ Lâm Hoàng khoe vừa mới sắm được bộ áo quần và sách vở mới để chuẩn bị cho ngày tựu trường sắp tới.
“Tiền mua áo quần, sách vở cũng nhờ vào bán hạt trẩu hơn nửa tháng nay. Em sẽ tranh thủ đi nhặt trẩu từ đây cho đến ngày vào năm học mới để có tiền đỡ đần bố mẹ và mua sắm thêm dụng cụ học tập”, Hoàng nói. Không chỉ Hoàng mà trên đường vào những khoảnh rừng phòng hộ ở khu vực dự án điện gió Hướng Tân, chúng tôi còn gặp rất nhiều em ở lứa tuổi học sinh tiểu học, THCS theo người thân đi nhặt trẩu phụ bố mẹ kiếm thêm thu nhập.
Cây đa mục tiêu, nhiều lợi ích
Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Hữu Xuân, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hướng Phùng, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đi thực tế tại một số đoạn bìa rừng có nhiều cây trẩu ở xã Hướng Tân. Thời điểm này, những cây trẩu già tại khu vực này đã cho thu hoạch rộ. Dọc đường đi, có rất nhiều xe máy của bà con địa phương đậu bên mép đường để chờ vận chuyển trẩu về nhà.
Theo thống kê, Quảng Trị hiện có gần 3.000 ha rừng trẩu, chiếm trên 21% tổng diện tích trẩu cả nước, chủ yếu tập trung tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Diện tích trẩu trên rừng phòng hộ chiếm trên 83%, số còn lại trên đất rừng sản xuất của người dân. Cây trẩu vừa có giá trị phòng hộ, vừa đem lại sinh kế cho người dân vùng núi với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị từ đây đến năm 2026, sản lượng trẩu thu hoạch đạt khoảng 4.000 tấn, tương đương trị giá thương mại đạt khoảng 50 tỉ đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ giúp người dân sống cạnh các khu vực rừng phòng hộ có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hướng Phùng phụ trách bảo vệ rừng phòng hộ với diện tích khoảng 2.500 ha, trong số đó có khoảng 1.000 ha cây trẩu. “Đây là loài cây hỗn giao phụ trợ, vừa có chức năng phòng hộ, vừa mang lại giá trị kinh tế đáng kể cho người dân địa phương. Vào mùa thu hoạch trẩu, chúng tôi thường tuyên truyền, vận động bà con thu hái một cách bền vững, không được chặt hạ cây, bẻ cành. Nhận thấy lợi ích lâu dài từ cây trẩu nên người dân đều chấp hành tốt việc thu hái, bảo vệ cây”, anh Xuân vui vẻ nói.
Theo anh Xuân, trẩu là loại cây nhanh lớn, không tốn công chăm sóc như những loại cây khác. Đặc biệt, loại cây này phù hợp với một số vùng đất ở huyện Hướng Hóa như: Hướng Tân, Hướng Phùng, Tân Thành, Hướng Linh và Hướng Sơn. Thay vì bình thường phải mất đến 7 năm cây mới cho quả thì ở những địa phương này, cây trẩu phát triển nhanh, đến năm thứ 3 - 4 đã khép tán, sau đó ra hoa, cho quả bói.
“Cây trẩu có thể tái sinh từ hạt, lớn nhanh. Cây có ưu điểm là rụng lá vào mùa đông (khoảng từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau), sau đó phủ xanh lá vào mùa hè (khoảng từ tháng 4 đến tháng 11), do vậy có lợi che nắng làm ẩm đất, tạo điều kiện cho nhiều loại thực vật tầng thấp phát triển”, anh Xuân cho hay. Qua tìm hiểu, được biết, cây trẩu không chỉ có giá trị về phòng hộ, chống xói mòn, sạt lở đất mà quả trẩu còn mang lại nguồn tinh dầu làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược phẩm, chế biến sơn, véc ni, mực in, nhiên liệu sinh học. Những năm qua, giá thu mua hạt trẩu tươi trên địa bàn huyện Hướng Hóa đạt bình quân từ 8.000 - 14.000 đồng/kg, đầu mùa từ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông Bùi Văn Thình cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Hướng Hoá có khoảng 2.500 ha cây trẩu, được Lâm trường Hướng Hóa trồng vào những năm 1991, 1992, nay được ban quản lý. Cây trẩu thường ra hoa vào cuối tháng 2 hằng năm, đến khoảng tháng 8 - 9 cho thu hoạch quả. Theo ông Thình, để bảo vệ rừng trẩu đảm bảo sản lượng quả qua từng năm, cứ đến mùa trẩu, nhiều cán bộ trong ban và các trạm thường xuyên có mặt tại các cánh rừng để tuyên truyền cho bà con không được cắt cành, chặt hạ cây.
Ông Thình cho biết thêm, cây trẩu sinh trưởng phát triển phù hợp với nhiều chân đất, từ đất bị ngập chua phèn cho đến đất đồi, đất hoang hóa, đất bị ảnh hưởng chất độc hóa học do chiến tranh để lại. Đây cũng là một trong những loại cây tiên phong, phát triển phủ xanh nhanh, tạo môi trường rừng tốt cho các cây bản địa tự tái sinh. Cây trẩu còn có tính đa mục đích, ngoài chức năng phòng hộ còn mang lại giá trị kinh tế.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)