Hướng Việt là một trong số địa phương có diện tích rừng trẩu nhiều nhất ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chương trình, dự án và đầu ra sản phẩm ổn định, người dân nơi đây vừa tận dụng được đất triền đồi, nương rẫy để mở rộng diện tích cây trẩu để nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường rừng.
Đối với người dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Việt, trẩu là loại cây quen thuộc không chỉ mọc tự nhiên trong rừng, mà còn được trồng rải rác trên nương rẫy làm cây chắn gió hoặc làm hàng rào bảo vệ đất nương rẫy. Từ năm 2019, được sự hỗ trợ kết nối của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), Công ty cổ phần LuCero tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý thu mua quả trẩu tươi ngay tại địa bàn xã với giá hợp lý nên người dân trong xã phấn khởi đầu tư công sức mở rộng diện tích trồng trẩu.
Gia đình anh Hồ Văn Chữ ở thôn Trăng-Tà Puồng trước đây chỉ trồng vài chục cây trẩu làm hàng rào trên rẫy. 3 năm trở lại đây, nhận thấy cây trẩu không chỉ chắn gió, làm hàng rào mà quả trẩu còn đem lại thu nhập ổn định nên gia đình anh đã trồng hơn 2.000 loại cây này xen với lúa rẫy.
Anh Hồ Văn Chữ cho biết: “Bình quân mỗi vụ, gia đình tôi thu hoạch hơn 1 tấn quả tươi, xuất bán với giá từ 8-9 nghìn đồng/kg, thu về trên 8 triệu đồng. Với đầu ra ổn định như hiện nay từ quả trẩu, gia đình tôi đã tận dụng được nguồn đất trước đây bỏ hoang và một số diện tích xen canh để trồng loại cây này, vừa bảo vệ môi trường vừa có thêm thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống”.
Cây trẩu có đặc tính rất dễ ươm trồng, tỉ lệ sống cao, rất ít bị sâu bệnh, lại không cần bón phân hay công chăm sóc, đến kỳ thu hoạch cũng rất dễ dàng, đợi quả chín rụng xuống thì thu gom tại gốc. Bình quân mỗi gốc trẩu sẽ cho từ 50-60 kg quả tươi, gốc to thì thu được trên dưới 70 kg.
Trước đây, khi số lượng trẩu đang còn ít, người dân Hướng Việt gom bán cho thương lái trên địa bàn huyện với giá bấp bênh. Nay có công ty cam kết bao tiêu sản phẩm nên bà con không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm. Đến mỗi mùa vụ, công ty sẽ đến thu gom ngay tại bản với giá dao động từ 8 - 9 nghìn đồng/kg quả tươi, 14-15 nghìn đồng/kg quả khô.
Nhờ vậy, cây trẩu góp phần tăng thu nhập cho người dân ở đây. Sau 7-8 năm cho thu trái thì thân cây trẩu cũng được khai thác bán cho các thương lái thu mua tận nơi. Từ hiệu quả này, người dân đã tận dụng gần hết các diện tích đất trước đây bỏ hoang do khô cằn không thể canh tác các loại cây trồng khác, đất triền đồi, dốc, đất ven nương rẫy để trồng trẩu và trồng xen canh trẩu với một số cây trồng ngắn ngày phù hợp khác, như lúa rẫy, sắn... Một số hộ chuyển đổi từ diện tích trồng bời lời sang trồng trẩu, vì giá bời lời xuống thấp, không có đầu ra ổn định.
Năm 2022, dự án MCNV hỗ trợ cây giống cho người dân ở xã Hướng Việt mỗi hộ 5 sào trẩu (mỗi sào hỗ trợ 2,5 triệu đồng). Đến nay, gần 100% hộ dân ở Hướng Việt tham gia trồng trẩu với tổng diện tích gần 70 ha, nhiều nhất là ở thôn Trăng - Tà Puồng và thôn Xa Đưng.
Theo mục tiêu kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn, giai đoạn 2023 - 2026 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, sẽ phát triển cây trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô hợp lý gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ dầu trẩu.
Cùng với đó, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ cây trẩu, nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và cải thiện đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng- an ninh khu vực biên giới. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân Hướng Việt nói riêng, người dân ở huyện Hướng Hóa và Đakrông nói chung có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Nếu như trước đây cứ đến mùa quả trẩu chín, người dân Hướng Việt phải vất vả vào tận rừng sâu thu hái quả, băng rừng, vượt suối gùi cõng sản phẩm về bản thì nay, những vườn trẩu đã được trồng gần nhà, giúp thu hoạch thuận tiện hơn, giảm nhiều thời gian, công sức thu hoạch.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Việt Hồ Văn Dần cho biết: “Với đặc tính dễ trồng lại cho thu nhập ổn định nên nông dân trong xã tập trung ươm trồng, khai thác nguồn quỹ đất ven rừng, rẫy, dọc hai bên đường, xen canh...để đầu tư trồng, mở rộng diện tích trẩu. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng loại cây này phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và đảm bảo mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)