Xây dựng bền vững các liên kết chuỗi sản phẩm từ cây trẩu là một trong những mục tiêu mà Kế hoạch số 237/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị (ban hành vào ngày 30/12/2022) về phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn hai xã miền núi Hướng Hóa và Đakrông giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030 đề ra.
Theo đó, tại các địa phương nói trên sẽ hình thành vùng nguyên liệu trẩu với quy mô lớn, phát triển đa dạng các mặt hàng, gắn kết chặt chẽ giữa chế biến và tiêu thụ để tạo liên kết chuỗi ổn định, bền vững.
Theo kế hoạch này, giai đoạn 2023-2026, ngoài việc bảo vệ, duy trì, nâng cao chất lượng của hơn 2,9 ngàn ha rừng trẩu hiện có, mỗi năm hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông sẽ trồng mới khoảng 500 ha trẩu.
Đến năm 2030, vùng nguyên liệu này sẽ tăng lên khoảng hơn 8,3 ngàn ha, hàng năm cung cấp 4.000 tấn trẩu chất lượng cao, trong đó diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt từ 5.000 ha trở lên. Vùng nguyên liệu này hình thành sẽ có tối thiểu 2.000 hộ gia đình tham gia gây trồng và phát triển trẩu.
Để thực hiện thành công kế hoạch nói trên, việc quy hoạch vùng trồng trẩu được chú trọng. Với diện tích hơn 2,9 ngàn ha, chủ yếu tập trung ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông, hiện rừng trẩu tại Quảng Trị chiếm khoảng 21,3% tổng diện tích rừng trẩu của cả nước. Phần lớn diện tích rừng trẩu trên địa bàn được trồng vào giai đoạn từ năm 2000- 2008, bắt đầu ở xã Hướng Phùng và xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa).
Từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng trẩu tuy được bổ sung hằng năm nhưng số lượng không lớn. Theo kết quả khảo sát, diện tích rừng trẩu ở cấp tuổi 1 (1 - 4 tuổi chưa cho quả) chỉ chiếm 1,9% (54,75 ha); cấp tuổi 4 (từ 15 năm trở lên cho năng suất thu hoạch cao) chiếm 53,6% (1.579,3 ha). Việc trồng loại cây này đa số tự phát, chưa có quy hoạch vùng cũng như chưa chú trọng đến các khâu giống, kỹ thuật trồng và chăm bón.
Trong khi đó, cây trẩu được xác định là cây lâm nghiệp đa tác dụng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc. Vì vậy, việc quy hoạch vùng nguyên liệu trẩu tập trung theo hướng ổn định, lâu dài, quy mô hợp lý gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ dầu là hướng đi đúng đắn.
Để phát triển vùng nguyên liệu tập trung đạt chất lượng, công tác rà soát, định hướng, quy hoạch rất quan trọng. Theo đó, cần rà soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp quản lý, tác động phù hợp nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và sử dụng bền vững cho từng vùng trồng trẩu hiện có; xây dựng quy hoạch vùng trồng mới cung cấp nguyên liệu tập trung phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ tại 10 xã thuộc hai huyện Hướng Hóa, Đakrông.
Khuyến khích trồng dọc các lưu vực sông, suối, vùng đất thường xuyên bị xói lở, rửa trôi, vùng xung yếu, ven đường thuộc quyền quản lý của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn. Đất quy hoạch trồng trẩu chủ yếu là đất thuộc quản lý của cá nhân, hộ gia đình và ban quản lý rừng.
Vì vậy, công tác vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây trẩu cần được chú trọng. Trước đây đã từng xảy ra hiện tượng người dân chặt cây trẩu để bán gỗ dăm do giá trị hạt trẩu thấp (thời điểm đó từ 2.000 - 3.000 đồng/kg). Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc lựa chọn giống trẩu có năng suất và hàm lượng tinh dầu vượt trội so với đại trà để cung cấp giống chất lượng cao cho trồng rừng nguyên liệu tập trung, phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Phát triển vùng nguyên liệu trẩu phải được tiến hành song song với xây dựng cơ sở chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Để xây dựng thành công và bền vững các liên kết chuỗi sản phẩm từ cây trẩu cần thực hiện từng bước, mở rộng có kiểm soát trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, hoạt động thu hoạch, sơ chế quả trẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu diễn ra tự phát, manh mún, thủ công, chưa đúng kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm thấp. Toàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ trẩu.
Sản phẩm được lưu thông tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là hạt trẩu với tổng sản lượng ước khoảng 1.000 tấn/ năm, phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm trẩu phải đồng bộ từ khâu quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ, chế biến, bảo quản, sơ chế đến khâu tiêu thụ sản phẩm dầu trẩu, từ đó thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực.
Hiện đã có một số doanh nghiệp nước ngoài nhắm đến thị trường trẩu ở Quảng Trị, trong đó có Công ty Lucero (L.Co). Matthew Lucero, Giám đốc Công ty L.Co cho biết: “Tôi đã đến vùng bắc Hướng Hóa nhiều lần để khảo sát thực trạng về cây trẩu nơi đây. Công ty chúng tôi rất muốn mở một nhà máy chế biến dầu trẩu tại đây và hiện đang trong quá trình huy động vốn.
Theo tôi được biết, không chỉ Quảng Trị mà một số địa phương khác ở Việt Nam đều xuất khẩu hạt trẩu sang Trung Quốc. Từ đây, Trung Quốc chế biến các sản phẩm từ trẩu và xuất khẩu trở lại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nay nếu gắn được vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, tiêu thụ trẩu thì cả người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi”.
Hiện tại, cơ sở hạ tầng nhiều vùng nguyên liệu nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đầu tư bài bản, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để các ngành chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng…
Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu hướng tới của ngành nông nghiệp nhằm khai thác tốt thế mạnh về tiềm năng sản xuất nông sản hàng hóa phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Mối quan hệ này vừa bảo đảm lợi ích hài hòa của hai bên, vừa là yếu tố quan trọng để công nghiệp chế biến phát triển ổn định, bền vững.
Việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu sẽ thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia phát triển trẩu theo chuỗi giá trị; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, trong đó có liên kết, hợp tác với nông dân, góp phần phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn theo tinh thần Kết luận số 168-KL/ TU ngày 4/11/2021, hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)