Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Xây dựng nền kinh tế độc lập, bền vững

Lê Minh |

Ngày 5/4, tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình KT - XH tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia. Các phó chủ tịch UBND tỉnh: Hoàng Nam, Lê Đức Tiến dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế phục hồi nhanh Trong quý I/2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “đa mục tiêu” gồm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, thực hiện kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển KT - XH bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc QP - AN, trật tự an toàn xã hội trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới… Lãnh đạo Chính phủ tăng cường công tác thực tế tại cơ sở nhằm tháo gỡ những nút thắt quan trọng, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để phát triển KT - XH địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường tính tự lực, tự cường, tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp -Ảnh: T.L
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường tính tự lực, tự cường, tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp -Ảnh: T.L

Nhờ đó, tình hình KT - XH quý I khởi sắc; nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021; các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được đảm bảo. Đặc biệt, GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục với 60.000 doanh nghiệp.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,79%. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 176,35 tỉ USD (tăng 14,4%); xuất siêu 809 triệu USD. Thu ngân sách quý I đạt 35,5% dự toán, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm phát triển; an sinh xã hội bảo đảm, thị trường lao động phục hồi nhanh, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với quý IV/2021. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả.

Quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để sớm phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Để chương trình phát huy hiệu quả trên thực tế, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong giải phóng mặt bằng; tập trung tuyên truyền, vận động, quy hoạch, xây dựng nơi ở mới cho người dân trước khi bàn giao mặt bằng, đồng thời có chính sách bồi thường thỏa đáng; quy hoạch các mỏ vật liệu đất đắp để tạo điều kiện cho các công trình được đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chủ động có biện pháp tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, giá cả các mặt hàng chiến lược, đầu vào sản xuất để kịp thời ứng phó, cân đối cung cầu và điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu phù hợp.

Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới. Thủ tướng nhận định: Dự báo trong qúy II/2022 tình hình vẫn còn nhiều khó khăn mang tính nội tại và những khó khăn mà chúng ta chưa lường trước được, đặc biệt giá cả xăng dầu tăng, giá cước vận tải, dịch vụ logistics tăng, ảnh hưởng của lạm phát. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn của thế giới sẽ tác động đến nền kinh tế đất nước.

Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát 12 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã xây dựng, triển khai. Trước hết, tăng cường tính tự lực, tự cường, tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp, kiểm soát lạm phát, bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó, phải kiểm soát được dịch bệnh, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng, chủ động, tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, kết luận của trung ương thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống COVID-19 và Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.

Cùng với đó, phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên định các vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vấn đề cụ thể. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu phải tích cực, chủ động hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bám sát, căn cứ tình hình để xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh.

Đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước, thương mại điện tử, du lịch kinh tế số, kinh tế xanh tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi số; chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đấu tranh, phòng chống tham nhũng, đặc biệt trên lĩnh vực quản lý đất đai, chứng khoán, môi trường.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phải kiểm điểm trách nhiệm nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng

T.L |

Ngày 6/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Việt Nam là một trong những nước tiêm chủng nhanh nhất thế giới

Thanh Mai |

Thủ tướng cho rằng cần dự báo tình hình, đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được để định hình công tác đối ngoại cho phù hợp.

Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới

PV |

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đạt được những kết quả có ý nghĩa chiến lược, toàn diện với những dấu ấn quan trọng, hứa hẹn những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản thời gian tới. Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp giữa hai nước ký kết và trao đổi hơn 50 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có các thỏa thuận hợp tác về các dự án trị giá hàng chục tỷ USD. Chuyến đi một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức Nhật Bản

Hà Văn |

Ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 22-25/11/2021.