Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có tổng vốn đầu tư hơn 2.446 tỉ đồng, trong đó vốn ODA là 2.010 tỉ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 436 tỉ đồng. Địa bàn thực hiện dự án là thành phố Đông Hà, các thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo, thời gian thực hiện từ năm 2013-2021.
Dự án được triển khai ở các đô thị nằm trên EWEC của tỉnh Quảng Trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thúc đẩy sự chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế thông qua việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị có tính ưu tiên và góp phần nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội trong Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Điều này phù hợp với các chiến lược phát triển của chương trình và chiến lược hợp tác khu vực (RCSP) và sẽ đóng góp vào việc thực hiện các Chiến lược cộng tác quốc gia của ADB tại mỗi quốc gia tham gia. Dự án sẽ giúp thực hiện Chương trình khung chiến lược 2020 của ADB nhằm hợp tác, hội nhập và hài hòa khu vực thông qua các tiểu dự án.
Đối với dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị có tổng mức đầu tư trên 998 tỉ đồng, quy mô đầu tư gồm 6 tiểu dự án. Đến nay, các tiểu dự án đường giao thông đã cơ bản hoàn thành, đạt trên 90% khối lượng. Việc thực hiện Dự án GMS tại tỉnh Quảng Trị sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cao do nội dung đầu tư chủ yếu tập trung về xây dựng, cải thiện môi trường đô thị và cơ sở hạ tầng kinh tế. Đây là hệ thống cơ sở hạ tầng góp phần phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững của tỉnh và đặc biệt là các đô thị hành lang. Theo quy hoạch phát triển tổng thể đô thị quốc gia, việc cải tạo các tuyến đường giao thông đô thị và cải thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu như kè sông, quản lý rác thải và vệ sinh môi trường là phù hợp với định hướng tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị quốc gia. Theo đó, dự án đã tổ chức không gian hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi liên vùng trên EWEC theo từng giai đoạn phù hợp với tiềm năng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó vẫn bảo đảm mối liên kết giữa các vùng trong nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tỉnh Quảng Trị hiện là môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế chiến lược địa phương, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng và năng lực thể chế để quản lý sự phát triển trong tương lai nên các đô thị hành lang được kỳ vọng có thể thu hút được đầu tư từ khu vực công vào kết cấu hạ tầng môi trường đô thị, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân đang quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế đô thị. Vì thế, việc thực hiện dự án sẽ khuyến khích các dự án trong khu vực hỗ trợ và kết hợp với các dự án đầu tư hạ tầng đang thực hiện của các quốc gia trong tiểu vùng GMS và các chương trình do ADB và các đối tác phát triển khác hỗ trợ. Một khi triển khai dự án chính là tạo ra nguồn lực đầu tư có sức tác động mạnh mẽ để thành phố Đông Hà và thị trấn Lao Bảo trở thành các đô thị năng động, hoạt động như các trung tâm phát triển kinh tế của khu vực chuyên về thương mại và đầu tư dọc EWEC trong khi đó vẫn tối ưu hóa các tài nguyên tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế bền vững.
Dự án bao gồm nhiều tiểu dự án thành phần đã giúp hỗ trợ đầu tư cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng dân sinh. Bởi Quảng Trị vẫn còn là một tỉnh nghèo, ngân sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất hạ tầng còn nhiều hạn chế. Do đó, đây là một trong những nguồn lực quan trọng giúp tỉnh Quảng Trị thực hiện đồng bộ các hình thức, các kênh vận động và huy động tất cả các nguồn vốn đầu tư, bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn đầu tư từ tín dụng, nguồn vốn tài trợ ODA, nguồn vốn đầu tư từ các khu vực dân cư và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng chính là nguồn lực đầu tư có sức tác động mạnh mẽ để thành phố Đông Hà và thị trấn Lao Bảo trở thành các đô thị năng động trên EWEC, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị.
Mặt khác, dự án giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện dự án của địa phương, bao gồm cơ quan chủ quản, cơ quan thực hiện, BQL dự án, các đơn vị đối tác và chính quyền địa phương, các hộ hưởng lợi và người dân vùng dự án thông qua chiến lược phát triển nguồn nhân lực, các khóa tập huấn, đào tạo bằng nhiều hình thức đa dạng như đào tạo tại chỗ, đào tạo bên ngoài, chia sẻ kinh nghiệm, hội thảo, hội nghị chuyên đề. Củng cố và phát triển các khái niệm và kế hoạch đánh giá môi trường ban đầu, kế hoạch quản lý môi trường, kế hoạch hành động giới, phân tích dữ liệu có phân tách giới, vận hành và bảo trì, chính sách an toàn xã hội...
Khi đánh giá các hoạt động và kết quả đạt được của dự án cho đến nay hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu ban đầu đề ra. Theo Hiệp định được ký kết, các hoạt động trên hiện trường của dự án được kết thúc vào tháng 6/2021 và đóng dự án vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt do ảnh hưởng của COVID-19 và thiên tai bão lụt xảy ra liên tục, kéo dài trên địa bàn toàn tỉnh cuối năm 2020 đã gây ra những tác động lớn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án tổng thể nói chung và tiến độ thi công hoàn thành các gói thầu xây dựng nói riêng. Căn cứ Quyết định số 1327/QĐ-CTN ngày 23/7/2021 của Chủ tịch nước “về việc gia hạn ngày đóng khoản vay của Hiệp định tài trợ cho Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông do ADB tài trợ”, Bộ Tài chính cùng với ADB đang hoàn tất các thủ tục gia hạn Hiệp định đến ngày 31/12/2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến cho rằng dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài là nguồn lực đầu tư công rất quan trọng cho tăng trưởng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do liên quan đến nhiều bên và nhà tài trợ nước ngoài nên các thủ tục triển khai rất phức tạp, đòi hỏi sự chủ động bám sát quá trình thực hiện dự án của các đơn vị liên quan mới đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu đề ra. Vì vậy, các chủ đầu tư, các BQL dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các địa phương, đơn vị liên quan chủ động tích cực phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để nâng cao chất lượng chuẩn bị các hồ sơ thủ tục đối với dự án ODA, dự án vay vốn nước ngoài, đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, tăng cường công tác đối thoại, vận động, giải thích, đề xuất phương án để giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn lại hiện nay của dự án GMS. Tuy nhiên, đây là những trường hợp vướng mắc khó khăn nhất, phức tạp nhất, thời gian xử lý kéo dài, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết hợp việc xử lý chế độ, chính sách với công tác vận động, tuyên truyền. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của dự án là tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vướng mắc khó khăn tồn tại trong công tác GPMB nhằm hoàn thành và đưa vào sử dụng các tiểu dự án, góp phần chuyển đổi hành lang giao thông thành hành lang kinh tế để Quảng Trị khai thác có hiệu quả EWEC.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)