Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Tùng Lâm |

Thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn cho thấy sự phát triển của lĩnh vực bất động sản cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa thực sự bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian qua thị trường bất động sản “nóng” lên tại nhiều tỉnh, thành phố và đã xảy ra các vụ việc, hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện pháp lý; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ các quy định. Đặc biệt, nhiều trường hợp giá trúng đấu giá đất bất thường, cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đã làm cho mặt bằng giá đất, nhà ở trên địa bàn tăng theo.

Một số nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập được xác định là: hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản còn có nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; việc phát triển các dự án bất động sản ở một số địa phương không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường; trình tự thủ tục đầu tư còn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài; quy định giao dịch bất động sản không bắt buộc qua sàn đã tạo cơ sở cho việc hình thành nên các “dự án ma”, các vụ lừa đảo khách hàng, mặt khác nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý thông tin về thị trường bất động sản, đồng thời xảy ra tình trạng thất thu thuế, thất thu ngân sách nhà nước; công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý...

Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 29/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về một số giải pháp đối với thị trường bất động sản thời gian tới.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường bất động sản, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường.

Kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế- dân sự; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, chú ý các hành vi trốn thuế trong kinh doanh bất động sản.

Đánh giá cụ thể, chính xác về tình hình và cung- cầu để phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh, cùng với phát huy vai trò quản lý của nhà nước, các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá.

Xác định các phân khúc thị trường, các nhu cầu, như bất động sản công nghiệp, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp để có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Phát triển hạ tầng chiến lược để tạo không gian phát triển mới, động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành các công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới.

Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.

Thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

Rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán để tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế đối với bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện KT-XH của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Giám sát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Công khai danh mục dự án, quỹ đất, trình tự thủ tục phát triển nhà ở, bất động sản trên địa bàn để kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia đầu tư nhà ở, bất động sản.

Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản. Kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.

Có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chỉ thị của Thủ tướng về giải pháp phát triển thị trường bất động sản

PV |

Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thị trường bất động sản vẫn loay hoay giải bài toán vốn

Thu Hằng |

Dù là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thời gian qua vẫn bộc lộ những bất cập cần kiểm soát.

Chính sách về bất động sản có hiệu lực trong tháng 8/2022

PV |

Từ tháng 8/2022, nhiều chính sách mới về nhà ở, thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Bất động sản du lịch Đà Nẵng phục hồi nhanh sau dịch COVID-19

Thu Hằng |

Tính đến năm 2024, Đà Nẵng dự kiến có tổng cộng 99 dự án khách sạn 4-5 sao, với tổng nguồn cung lên đến hơn 21.000 phòng; giá thuê phòng dự báo tăng trưởng khoảng 25%/năm cho giai đoạn 2022-2024.