Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển giúp thị trường tiêu thụ nông sản của nông dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thì việc đưa nông sản lên sàn giao dịch TMĐT hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Sau gần 1 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025, tại tỉnh Quảng Trị có 10 gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.
Ngoài bán trực tiếp tại quầy, nông sản của nông dân còn được bán trực tuyến trên sàn TMĐT PostMart. vn. Trên sàn TMĐT PostMart.vn hiện có 60 gian hàng với 350 sản phẩm chủ yếu là hàng nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương của hơn 70 nhà cung cấp trong tỉnh do Hội Nông dân kết nối. Hội cũng thu thập thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ… của 35.420/46.174 hộ sản xuất nông nghiệp đưa lên sàn TMĐT Quangtri.PostMart.vn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Những kết quả bước đầu của nông sản Quảng Trị lên sàn TMĐT góp phần tăng khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế hàng hóa Quảng Trị được đưa lên bán trên sàn TMĐT mới dừng lại ở sản phẩm khô, có hạn sử dụng trên 6 tháng còn nông sản tươi sống, sản phẩm có điều kiện về bảo quản vẫn chưa thực hiện được.
Nguyên nhân do nông sản tươi sống có đặc thù là dễ hư hỏng, thời gian bảo quản ngắn trong khi quá trình vận chuyển, cách bảo quản của nông dân cũng như đơn vị phân phối chưa có một quy trình đủ chặt chẽ để đảm bảo nguyên vẹn chất lượng sản phẩm, khiến người tiêu dùng chưa tin tưởng đặt mua hàng. Một thách thức lớn nữa là hiện nay các hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đều nhỏ lẻ, chưa có kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến.
Người sản xuất vừa hạn chế về quy mô sản xuất cũng như khả năng tiếp cận, mức độ hiểu biết, nắm bắt công nghệ thông tin nên cách đăng thông tin giới thiệu sản phẩm bằng hình thức online chưa gây được ấn tượng với khách hàng; lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng…
Điều này thể hiện cụ thể qua số liệu thống kê trung bình mỗi tháng bán khoảng 20 đơn hàng nông sản/ gian hàng số. Số lượng đơn hàng được đặt qua sàn TMĐT PostMart.vn vẫn còn rất ít so với tiềm năng, lợi thế nông sản của tỉnh.
Để giúp nông dân nâng cao kỹ năng bán hàng, tương tác trên môi trường điện tử, từ đó khai thác hiệu quả kênh bán hàng hiện đại này, năm 2021, UBND tỉnh có Kế hoạch số 171/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Trị.
Mục đích là hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia 2 sàn TMĐT gồm PostMart.vn và Voso.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới phương thức mua và bán trên sàn TMĐT, nền tảng số. Phát triển hạ tầng kinh tế số như nền tảng mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode), nền tảng bản đồ số và thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh.
Hình thành các cơ sở sản xuất kinh doanh số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp cần phối hợp các địa phương rà soát, tổng hợp danh mục nông sản, sản lượng của từng loại nông sản, thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ và nhu cầu tiêu thụ; lập danh sách, sản lượng, khả năng tiêu thụ của từng loại sản phẩm OCOP của tỉnh; danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp, phân nhóm các hộ theo khả năng, nguyện vọng tham gia sàn TMĐT.
Từ đó, phối hợp các sàn TMĐT có đại diện tại địa phương như PostMart.vn, Voso.vn; các huyện, thị xã, thành phố để lựa chọn, đưa nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử và có chương trình quảng bá, giới thiệu riêng cho từng loại nông sản.
Riêng đối với mặt hàng nông sản tươi sống, nông sản chế biến đông lạnh có thời gian bảo quản ngắn và vận chuyển có điều kiện, ngành chức năng cần kết nối và khuyến khích cơ sở sản xuất tập trung đơn hàng quy mô lớn để đơn vị vận chuyển phân bổ xe chuyên dụng.
Về lâu dài, cần đề xuất với kênh phân phối đảm bảo năng lực kho bãi, hệ thống bảo quản cũng như thời gian giao hàng tới khách hàng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản của địa phương nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản tươi sống qua sàn thương mại điện tử.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)