Thanh toán không dùng tiền mặt có vai trò quan trọng trong việc giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm bớt chi phí và rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.
Khi thanh toán không dùng tiền mặt trở thành phương thức thanh toán chính trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, bảo đảm quản lý Nhà nước về vĩ mô, tiền tệ, thanh toán, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm, quản lý thuế...Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị NGUYỄN ĐỨC ĐỒNG để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Thưa ông! Đề nghị ông cho biết tầm quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thanh toán điện tử của người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế?
-Thanh toán không dùng tiền mặt có vai trò quan trọng trong việc giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm bớt chi phí và rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Khi thanh toán không dùng tiền mặt trở thành phương thức thanh toán chính trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, bảo đảm quản lý Nhà nước về vĩ mô, tiền tệ, thanh toán, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm, quản lý thuế...
Thực tế cũng chứng minh, nền kinh tế mạnh là một nền kinh tế luôn đi kèm với hệ thống thanh toán hiện đại. Đối với người dân và doanh nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt giúp tiết kiệm thời gian, công sức khi giao dịch, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm được các chi phí phát sinh (chi phí vận chuyển, chi phí kiểm đếm, chi phí bảo quản tiền mặt…), từ đó giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh…
Ngoài ra, khi thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng có thể nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ người bán cũng như từ ngân hàng như giảm giá thành sản phẩm, giảm giá cước sử dụng dịch vụ vận tải…
-Ông có thể cho biết về những kết quả đạt được trong thanh toán không dùng tiền mặt của ngành ngân hàng thời gian qua, cũng như những thuận lợi, khó khăn gặp phải?
-Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị triển khai nhiều giải pháp như mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng thông qua việc phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM), thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (quẹt thẻ thông qua máy POS); đa dạng hóa phương thức thanh toán thông qua các chiến dịch “phủ sóng”, tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khách hàng thực hiện thanh toán qua mã QR (QRCode) như VietQR, QRPay…
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động qua tài khoản ngân hàng; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với người thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức liên quan thực hiện việc trả lương qua tài khoản. Đến cuối tháng 7/2022, có 1.038/1.064 đơn vị trên địa bàn tỉnh trả lương qua hệ thống ngân hàng (chiếm tỉ lệ 97,6%).
Hiện nay có 469.549 tài khoản khách hàng được mở tại các ngân hàng trên địa bàn (ước tính khoảng 66% người dân trưởng thành có tài khoản), gồm 458.018 tài khoản cá nhân và 11.531 tài khoản của tổ chức. Trong đó có hơn 86.000 tài khoản được mở bằng phương thức định danh xác thực khách hàng điện tử (eKYC).
Công tác phát triển thẻ ngân hàng được quan tâm, chú trọng. Toàn tỉnh có hơn 460.647 thẻ đang lưu hành, trong đó có 43.105 thẻ tín dụng; 386.961 thẻ ghi nợ nội địa và 30.581 thẻ ghi nợ quốc tế. Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử tiếp tục được tập trung đầu tư, mở rộng và phát huy hiệu quả.
Số lượng và giá trị giao dịch qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 8/2022, riêng chuyển tiền qua các kênh Mobile, Internet banking và POS đạt hơn 17,2 triệu món, với số tiền hơn 259.242 tỉ đồng (tăng tương ứng 104% về số lượng giao dịch và 93% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, số lượng giao dịch qua kênh thanh toán Mobile banking chiếm tỉ trọng cao nhất, 15.932.154 món, số tiền hơn 226.031 tỉ đồng (tăng tương ứng 109% về số lượng giao dịch, 112% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021) và có xu hướng ngày càng tăng do thanh toán qua Mobile banking thuận tiện, nhanh chóng và an toàn.
Hệ thống ATM, POS được chú trọng phát triển về số lượng, quy mô, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 111 ATM (tăng 5,71% so với cuối năm 2021), 677 POS (tăng 26,8% so với cuối năm 2021), hơn 5.029 điểm chấp nhận thanh toán qua QRCode được đặt tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện thanh toán và sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thanh toán không dùng tiền mặt tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn những vướng mắc, trở ngại. Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt chính là thói quen của người dân.
Đa phần người dân có thói quen mua sắm ở các chợ nhỏ, lẻ không có phương tiện, dịch vụ hỗ trợ thanh toán điện tử và tâm lý cảm thấy bất tiện, e ngại khi thanh toán qua mạng hoặc qua thẻ đối với người thu nhập thấp, mức sống thấp; người dân ở vùng sâu, vùng xa…
Ngày 13/1/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/ CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, NHNN yêu cầu toàn ngành chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Ngân hàng nhà nước ngày 11/5/2021.
Tỉ lệ sử dụng tiền mặt phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, thanh toán trong thương mại điện tử còn thấp.
Nhiều người dân ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi có đời sống khó khăn, chưa có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, thiết bị điện tử… mạng lưới internet, wifi chưa được phủ sóng hoặc không ổn định, tốc độ chậm.
-Đề nghị ông cho biết về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt của ngành ngân hàng trong tỉnh để người dân, doanh nghiệp yên tâm sử dụng?
-Để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn thông tin và tài khoản khách hàng, thời gian qua, ngành ngân hàng đã không ngừng hoàn thiện về pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng cường an ninh, bảo mật với công nghệ hiện đại, song song với truyền thông giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng tới khách hàng.
Đồng thời, NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an trong trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm liên quan đến tài chính - ngân hàng, trong đó có lĩnh vực thanh toán, thông tin báo cáo giao dịch đáng ngờ để cơ quan công an xử lý nhiều vụ việc gian lận, phạm tội trong hoạt động thanh toán.
Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, phương thức, thủ đoạn để cảnh báo kịp thời đến các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán.
Trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 và tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa phương thức, thủ đoạn tội phạm trong hoạt động thanh toán; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin để nhận biết và có các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán và thông tin tới khách hàng về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm.
-Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)