Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh, ưu tiên phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo QP - AN; khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Tỉnh Quảng Trị xác định, phát triển năng lượng là tiền đề quan trọng và ngành công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá để phát triển KT - XH, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Quá trình phát triển, tỉnh đã ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch và các nguồn năng lượng khác, trong đó năng lượng gió được tập trung khai thác và đạt được kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển, nhất là chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Giai đoạn trước năm 2020, trên địa bàn tỉnh chỉ có 353 MW công suất các dự án nguồn điện được hòa vào lưới điện quốc gia; đến nay toàn tỉnh có 1.090,7 MW công suất các dự án nguồn điện được hòa vào hệ thống điện quốc gia.
Với kết quả đạt được, các dự án nguồn điện đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trên địa bàn, đáp ứng các mục tiêu phát triển KT - XH giai đoạn 2021-2030 và các năm tiếp theo của tỉnh, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp khí, theo Quyết định số 60/QĐTTg ngày 16/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025”, tại Quảng Trị có các dự án đầu tư gồm: Hệ thống đường ống dẫn khí từ mỏ Báo Vàng về Quảng Trị, công suất dự kiến 2-3 tỉ m3 /năm, chiều dài 120 km; hệ thống đường ống thu gom các mỏ từ lô 105-110 và lô 111-113 kết nối với đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng, chiều dài 60-80 km; nhà máy xử lý khí tại Quảng Trị, công suất dự kiến 2-3 tỉ m3 /năm.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư đang nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất dự án Trung tâm Công nghiệp khí tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; hướng đến việc thăm dò khai thác tài nguyên từ mỏ Kèn Bầu và các cấu tạo tiềm năng ngoài khơi. Tỉnh cũng đã tích cực làm việc với các bộ, ngành trung ương đề xuất đưa vào quy hoạch nhiều dự án năng lượng quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Theo mục tiêu Chương trình hành động số 15-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 107/ KH-UBND của UBND tỉnh, phấn đấu phát triển các nguồn điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 3.000 MW, giai đoạn 2026-2030 từ 8.000 MW-10.000 MW, sau năm 2030 có khoảng trên 10.000 MW. Tuy nhiên để đạt các mục tiêu trên, phía trước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là quy định pháp luật của ngành năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn còn bất cập, chưa thống nhất. Một số cơ chế, chính sách, quy hoạch năng lượng còn chậm. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời còn chưa thông suốt, bị gián đoạn gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay kế hoạch thực hiện vẫn chưa được ban hành nên các địa phương chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.
Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, Quảng Trị đang hướng tới xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Để thực hiện được viễn kiến đó, tỉnh đã đề xuất trung ương hỗ trợ tỉnh trong việc phát triển các dự án năng lượng, nhất là Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1- 1.500 MW, triển khai dự án TBK-340MW và tiếp bờ vào Quảng Trị khi triển khai khai thác mỏ Kèn Bầu. Chính phủ sớm ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi làm cơ sở cho tỉnh triển khai các bước tiếp theo...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)