Tiềm năng và triển vọng của cây Lõi thọ

Hiếu Giang |

Thời gian qua, người dân xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã trồng cây Lõi thọ, là loại cây lấy gỗ bản địa có nhiều tiềm năng phát triển. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm theo dõi việc gây trồng cây Lõi thọ trên địa bàn. Đây là việc cần khuyến khích để phát triển kinh doanh cây gỗ lớn cho địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay việc người dân trồng theo hình thức tự phát, trong khi chưa có hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ đã đặt ra một số vấn đề cần giải quyết như: Công tác giống, chọn đất trồng phù hợp, mật độ trồng, kỹ thuật chăm sóc… Chính vì thế, địa phương mong muốn sớm có sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan quản lý, đơn vị khoa học để việc phát triển loài cây này có hướng đi đúng đắn và bền vững.

Cây lõi thọ được người dân xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa trồng trong các vườn rừng sinh trưởng, phát triển tốt -Ảnh: ĐV​
Cây lõi thọ được người dân xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa trồng trong các vườn rừng sinh trưởng, phát triển tốt -Ảnh: ĐV​

Qua nắm bắt và theo dõi từ năm 2015 đến nay cho thấy, người dân tại xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã trồng thử nghiệm cây Lõi thọ trên một số vườn rừng với mục đích lấy gỗ. Kết quả ban đầu ghi nhận, loài cây này sinh trưởng nhanh nhưng lại cho chất lượng gỗ tốt. Cây Lõi thọ (tên gọi khác là gáo trắng, bồ đề), tên khoa học là Gmelina arborea Roxb thuộc họ Tếch (Verbenaceae). Lõi thọ là loại cây gỗ lớn có thể cao đến 35 m, đường kính 120 cm. Cây Lõi thọ mọc hỗn giao trong rừng lá rộng nhiệt đới ở vành đai độ cao dưới 500 m - 600 m, phổ biến ở độ cao 100 m - 200 m so với mực nước biển; ưa đất sâu, dày và hơi chua hoặc ít chua, đất hình thành trên các loại đá mẹ biến chất như nai, phiến thạch mica. Đây là một trong những cây lá rộng mọc nhanh, được gây trồng thành công ở một số nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan. Ở Việt Nam, Lõi thọ phân bố rải rác ở các vùng núi, vùng trung du phía Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ. Gỗ Lõi thọ có giác mỏng màu vàng nhạt và Lõi màu nâu vàng; kết cấu gỗ mịn dễ gia công, ít biến dạng, tỉ trọng thấp. Gỗ được dùng tốt trong mộc mỹ nghệ, xây dựng nhà cửa, đóng tàu thuyền, ván lạng và làm giấy. Nhận thấy những giá trị tiềm năng của loài cây Lõi thọ, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu quản lý tài nguyên thiên nhiên (CORENARM) tiến hành thực hiện đợt “Khảo sát cây lõi thọ (Gmelina arborea Roxb) tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” trong tháng 5/2020.

Sau một thời gian thực hiện khảo sát cho thấy, cây lõi thọ phân bố ở vùng Lìa và các xã trên tuyến Quốc lộ 9 của huyện Hướng Hóa, nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Hướng Lộc. Ngoài ra cũng có thể bắt gặp loài cây này mọc rải rác ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa; xã Đakrông huyện Đakrông. Anh Đoàn Viết Tuấn là người đầu tiên tại xã Tân Lập trồng cây lõi thọ để lấy gỗ. Nhận thấy tiềm năng và giá trị của loài cây này, cách đây 6 năm, anh Tuấn đã mạnh dạn nghiên cứu gieo ươm và trồng thử cây Lõi thọ. Đến nay, anh đã có 3 ha vườn rừng lõi thọ từ 4-5 tuổi, cây có chiều cao khoảng 14-15 m, đường kính trung bình của cây khoảng 25- 30 cm. Anh Tuấn chia sẻ: “Cây Lõi thọ sinh trưởng, phát triển nhanh và không tốn nhiều công chăm sóc. Hơn mười năm trở lại đây, người dân ở xã Tân Lập đã khai thác cây gỗ Lõi thọ mọc trong các vườn rừng của hộ gia đình để đóng bàn ghế, tủ, giường, cửa và chạm tranh, khắc tượng… Gỗ lõi thọ chịu ẩm tốt, không nứt nẻ, cong vênh và không bị mối mọt. Chúng tôi thấy loại cây này rất có tiềm năng để phát triển, nhân rộng”.

Thạc sĩ Ngô Viết Huy, Đội kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Tại địa bàn huyện Hướng Hóa, cây lõi thọ đã được người dân gây trồng nhiều nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây, tập trung ở xã Tân Lập và rải rác ở các xã lân cận. Theo kết quả khảo sát chưa đầy đủ, đến nay trên địa bàn huyện đã trồng được khoảng 10 ha cây lõi thọ vườn rừng, 2 ha che bóng mát cho cây cà phê và 1 vạn cây phân tán từ 1-6 tuổi. Nguồn giống được người dân thu hái tại địa phương từ các khu rừng hoặc các cây còn sót lại trên nương rẫy. Tỉ lệ hạt mầm trong tự nhiên thấp do côn trùng phá hoại mạnh ngay khi quả chín vừa rụng xuống. Vì vậy để có nguồn giống trồng, một số chủ vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại xã Tân Lập đã nhân giống từ quả chín thu hái được. Theo một số chủ vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại xã Tân Lập, hiện cây lõi thọ đã được nhân giống thành công với tỉ lệ nảy mầm đạt từ 90-95%. Ba tháng sau khi hạt nảy mầm, cây con đạt chiều cao 50 cm và có thể xuất vườn đem trồng.

Mùa trồng rừng năm nay, được sự hỗ trợ của dự án MCNV, người dân xã Hướng Phùng trồng phân tán khoảng 1,5 vạn cây giống Lõi thọ hỗn giao với loài cây khác trên diện tích 120 ha và 15 ha che bóng mát cho cây cà phê. Ngoài ra, một số ít cây giống Lõi thọ khác đã được trồng khảo nghiệm ở xã Tà Rụt và xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông; vùng Cùa thuộc huyện Cam Lộ; xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong; xã Linh Trường, huyện Gio Linh; xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Thạc sĩ Ngô Viết Huy cho biết thêm, hiện nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang kêu gọi và phối hợp với các trung tâm khoa học, các chương trình, dự án để thực hiện “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng cây Lõi thọ nhằm mục đích chính đưa vào trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Theo đó, để thực hiện mục tiêu trên, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cấy mô giống cây Lõi thọ để thay thế cây giống từ hạt; tổ chức tập huấn, tham quan học tập mô hình trồng Lõi thọ;… phấn đấu đến năm 2025, sẽ đánh giá và đề xuất công nhận nguồn giống cây Lõi thọ, đồng thời đưa ra được biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc chuẩn; có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để cây Lõi thọ tham gia từ 15% đến 20% cơ cấu cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trồng hơn 250 cây bằng lăng tím dọc Tỉnh lộ 585

Anh Vũ |

Ngày 28/11/2020, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 triển khai trồng cây phân tán dọc hai bên Tỉnh lộ 585 đoạn qua địa bàn xã Cam Thành.

Về chùa Giác Lương ngắm cây sứ hơn 200 tuổi

Hương Lan |

“Cổng tam quan và cây sứ hơn 200 năm tuổi là nét đặc trưng ở chùa Giác Lương đó chị”.

Cây nưa, “đặc sản” của vùng đất Đông Sơn

Hiếu Giang |

Thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được biết đến là một trong những địa phương ở Quảng Trị còn trồng cây nưa. Đây là cây trồng truyền thống được người dân địa phương gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ đến nay, được xem là loại cây “đặc sản” riêng của vùng quê Đông Sơn.

Trồng cây ăn quả theo mô hình hữu cơ công nghệ cao

Anh Vũ - Lê Trường |

Ngày 5/10/2020, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tiến hành cấp phát giống cây ăn quả để người dân triển khai mô hình “Sản xuất cây ăn quả hữu cơ công nghệ cao theo chương trình OCOP” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2020.