Trang trại hữu cơ tổng hợp dùng cá tươi ủ làm phân bón

Thục Quyên |

Bắt tay vào khai phá vùng gò đồi từ năm 2018, đến nay, sau gần 6 năm chăm chỉ lao động, vợ chồng anh Bùi Quang Huyên ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã biến vùng đất khô cằn, sỏi đá thành trang trại hữu cơ tổng hợp với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Chia sẻ về mô hình trang trại của mình, anh Huyên cho biết, diện tích này trước đây vốn là đất rừng trồng cây keo lai, thu nhập mang lại không cao. Với quyết tâm chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, sau khi nghiên cứu kỹ, năm 2018, được sự hỗ trợ của huyện Triệu Phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh quyết định chuyển 4 ha đất rừng sang xây dựng trang trại tổng hợp.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm kinh tế vườn đồi, anh Huyên nhận thấy nếu trồng cây ăn quả hàng hóa theo cách thông thường thì hiệu quả kinh tế mang lại không cao, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và người tiêu dùng. Vậy là anh quyết định chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ với 3 ha cam xã Đoài.

Toàn cảnh trang trại hữu cơ tổng hợp của anh Bùi Quang Huyên tại vùng gò đồi Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong - Ảnh: L.A
Toàn cảnh trang trại hữu cơ tổng hợp của anh Bùi Quang Huyên tại vùng gò đồi Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong - Ảnh: L.A

Nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm không đơn giản. Thời gian đầu thực hiện, anh Huyên gặp nhiều khó khăn vì công sức bỏ ra khá lớn. Để cây cam phát triển khỏe mạnh, cho trái ngọt, trong vườn anh bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ từ phân chuồng hoai mục; đồng thời tìm hiểu và sử dụng phương pháp thủy phân, ngâm ủ cá làm phân bón để tưới cho cây.

Bình quân một năm, anh mua hàng chục tấn phân chuồng, nhiều tấn cá tươi về ủ với chế phẩm sinh học để bón cho vườn cam nhằm tạo độ ngon, ngọt. Không phụ lòng người, từ ngày bén rễ trên đất đồi Thượng Phước, cây cam xã Đoài tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại đây nên phát triển rất tốt. Cộng với việc được bón bằng các loại phân hữu cơ nên đất đai trong vườn ngày càng tơi xốp, cây cam cho quả nhiều, mọng nước và hạn chế rụng quả.

Sau gần 6 năm kiên trì, nỗ lực theo đuổi trồng cam hữu cơ, hiện tại anh Huyên đã có trong tay vườn cam với trên 1.300 gốc, thực hiện theo tiêu chuẩn “5 không” không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng và không chất bảo quản. Đặc biệt, đầu năm 2024, với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vườn cam của anh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

Theo tính toán của anh Huyên, với 1.300 gốc cam đang bắt đầu cho thu hoạch rộ, dự kiến năm nay gia đình anh thu khoảng 15 - 20 tấn quả. Với giá bán hiện tại khoảng 20.000 đồng/ kg, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 150 - 200 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng phần diện tích còn lại, năm 2020, anh Huyên quyết định đầu tư gần 1,7 tỉ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn công nghiệp với đầy đủ các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi như hệ thống máng ăn, cho uống nước tự động, quạt làm mát, đèn sưởi, hầm biogas...

Ban đầu anh thả nuôi 500 con/lứa, nhưng từ năm 2022 trở lại đây, do tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp cộng với giá thu mua lợn của thương lái không ổn định nên anh giảm đàn, nuôi mỗi lứa 250 con.

Theo anh Huyên, nuôi lợn công nghiệp có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi truyền thống đó là đàn lợn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, tỉ lệ thịt xẻ cao, được thương lái ưa chuộng. Tuy nhiên, để đàn lợn phát triển ổn định người nuôi phải nắm vững kiến thức thú y, định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại cũng như thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn để xử lý kịp thời những mầm bệnh phát sinh.

Hiện tại, bình quân mỗi năm anh thả nuôi từ 2 - 3 lứa. Một lứa nuôi từ 3,5 - 4 tháng lợn đạt kích cỡ khoảng 1,1 tạ/con. Tùy theo giá bán từng thời điểm nhưng trừ chi phí anh cũng thu lãi từ 200 triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng mỗi năm.

“Đối với nuôi lợn thịt theo quy mô công nghiệp, chỉ cần giá bán từ 53.000 đồng/kg lợn hơi trở lên là người chăn nuôi đã có lãi. Mấy năm qua, mặc dù có lúc giá thấp nhưng nhờ khéo sắp xếp nên tôi vẫn có lãi”, anh Huyên cho hay.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong Hoàng Thị Thùy Trang chia sẻ, trang trại tổng hợp của anh Huyên là một trong những mô hình trang trại tiêu biểu trên địa bàn huyện. Ngoài trồng cam hữu cơ, nuôi lợn công nghiệp, tận dụng phần diện tích còn lại anh Huyên còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, đào ao nuôi cá, nuôi hàng trăm con gà thả vườn.

Đặc biệt, diện tích cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam là cây có múi đầu tiêu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của huyện Triệu Phong. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên giá trị sản phẩm được nâng lên.

Không những thế, thông qua mô hình đã từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp chất lượng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nông dân làm giàu từ trang trại tổng hợp

Nguyễn Trang |

Với sự kiên trì, tích cực học hỏi để chuyển đổi sản xuất theo hướng liên kết, tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhiều nông dân đã lập nghiệp thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Có thể kể đến như anh Lê Phước Tuấn (sinh năm 1981), ở khu phố Hữu Nghị, thị trấn Hồ Xá hiện đang là chủ trang trại tổng hợp gần 10 ha đa cây, đa con mang lại thu nhập cao.

Thanh niên trẻ vươn lên từ mô hình trang trại tổng hợp

PV |

Với tinh thần chịu khó, ham học hỏi và luôn năng động trong cách nghĩ, cách làm, đến nay, anh Nguyễn Quang Thiên (24 tuổi), ở khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tạo dựng được mô hình trang trại tổng hợp đạt hiệu quả kinh tế khá cao.

Cam Lộ: 2 trang trại chăn nuôi lợn bị xử phạt 114 triệu đồng

Trường Nguyên |

Thông tin từ UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, địa phương đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Trong đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 114 triệu đồng đối với 2 trạng trại chăn nuôi lợn ở xã Cam Chính về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn.