Tuyệt đối phải tránh tình trạng lợi dụng độc quyền để làm "méo mó" thị trường điện, gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đó là ý kiến của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chia sẻ chiều 8/6, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Từ tình trạng mất điện, cắt điện gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp những ngày qua, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh đến cách điều hành quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và cho rằng: Đây là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Sự quan tâm đó không chỉ vì giá điện, sự độc quyền hay không độc quyền của ngành điện mà xuất phát từ bối cảnh đang ở giữa cao điểm của mùa hè, ngành điện lực lại chưa bảo đảm điện cho người dân, doanh nghiệp, các gia đình khiến tất cả phải lo âu chuyện cắt điện, thiếu năng lượng.
“Đặc biệt, tôi cũng như các vị đại biểu Quốc hội rất lo trước thông tin Thứ trưởng Bộ Công Thương nói miền Bắc có thể thiếu điện vào bất kể giờ nào”, đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ.
Nhấn mạnh tình trạng nhiều vấn đề, nguyên nhân trong việc cắt điện, thiếu năng lượng, đại biểu Trịnh Xuân An nói: Để xảy ra thiếu điện trầm trọng dẫn đến việc cấp điện bị ảnh hưởng đối với khu vực dân sinh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, các bến cảng thì cần phải đánh giá tổng thể và cẩn trọng trên từng lĩnh vực, từng khía cạnh để tránh tác động đến kinh tế, xã hội, thậm chí đến làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự.Đại biểu Đoàn Đồng Nai cho rằng tình trạng này cũng là cơ hội, yêu cầu để rà soát kỹ hệ thống quản lý, kinh doanh, sản xuất phân phối điện của EVN. Và đây không phải do EVN cố tình để lỗ hoặc cố tình để xảy ra tình trạng này mà nguyên nhân là cơ chế vận hành, thị trường, điều tiết điện.
Về lý do khách quan, theo đại biểu, thời gian qua do tình trạng hạn hán nên không đủ nguồn nước cho thủy điện khiến các nhà máy thủy điện khó cung cấp đủ sản lượng, dù đã phải đi mua điện. Điện từ miền Trung được truyền tải ra miền Bắc trên đường dây siêu cao áp 500kV cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định nên không thể chuyển hết điện ra miền Bắc.
Về chủ quan, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phải rà soát lại hệ thống chính sách phát triển năng lượng. Chính sách này phải bảo đảm hài hòa các nguồn năng lượng khác nhau giữa năng lượng hóa thạch, năng lượng thuỷ điện, năng lượng tái tạo, nghĩa là phải hết sức cân đối. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trên cơ sở đó phải rà soát để triển khai thật sự đồng bộ.
“Nếu như lý giải của Bộ Công Thương là điện mua vào với giá khác mà bán ra với giá điều tiết thì chúng ta phải đánh giá lại việc này xem có đúng hay không. Việc hạch toán giữa công ty mẹ và công ty con có đúng, có đủ không...”, đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ.
Đánh giá cao Thủ tướng yêu cầu thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về quản lý và cung ứng điện, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc thanh tra này cũng là để công luận, người dân biết thực tế tình trạng cắt điện, thiếu năng lượng là như thế nào. Nếu như đúng là trong việc này, EVN “mua cao, bán thấp”, phần khó khăn dồn vào cho Tập đoàn thì phải khách quan, toàn diện trong việc đánh giá vấn đề của điện lực thời gian qua.
“Còn tôi cho rằng cũng cần phải nhìn nhận hai mặt vấn đề. Đã là thị trường thì có lợi, có lãi mới làm. Không có lợi, không có lãi thì thôi. Nếu không làm được thì để người khác làm. Tuyệt đối phải tránh tình trạng lợi dụng độc quyền để làm méo mó thị trường, gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp”, đại biểu Trịnh Xuân An khẳng định và bày tỏ mong báo chí, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách khách quan trong đánh giá trên tinh thần “chỗ nào thấy được, chỗ nào thấy không ổn thì phải góp ý”.
(Nguồn: Ngày nay)