Nhằm tận dụng, phát huy lợi thế mặt nước trên các hồ, đập thủy lợi cũng như phát triển thêm đối tượng nuôi mới đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai mô hình nuôi cá leo trong lồng tại hồ đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Mô hình được triển khai tại thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh với quy mô 180 m3. Lồng nuôi được đặt tại hồ Bảo Đài có diện tích lớn, nguồn nước không bị ô nhiễm. Đây là địa bàn vùng núi khó khăn, tham gia mô hình, hộ nuôi được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ 70% giá trị con giống và thức ăn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi, ông Trần Đức Dũng, chủ mô hình nuôi cho biết, gia đình ông nuôi cá trong lồng bè trên hồ Bảo Đài đã lâu năm, hiện đang có 2 bè nuôi. Từ trước đến nay gia đình ông chỉ nuôi cá diêu hồng, cá trắm cỏ và cá chép. Để đa dạng hóa đối tượng nuôi nước ngọt trong lồng bè, phát triển đối tượng nuôi mới, gia đình ông đã tham gia thực hiện mô hình nuôi cá leo.
Tuy chưa có kinh nghiệm nhưng nhờ cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn, ông đã tiếp thu được kỹ thuật và nuôi thành công cá leo trong lồng. Qua quá trình nuôi cho thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cá nhanh lớn, tỉ lệ sống cao. Mô hình đã mang về cho gia đình ông Dũng khoản lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với nuôi các đối tượng cá khác như trắm cỏ, chép, diêu hồng.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm nuôi cá leo trong lồng thì nguồn nước rất quan trọng. Nguồn nước sạch thì cá sẽ ít bệnh. Về thức ăn, cá leo thích ăn cá tạp hơn là bột công nghiệp, quá trình nuôi phải cho ăn đầy đủ, nếu như không đầy đủ thì cá lớn sẽ ăn cá bé.
Trong quá trình nuôi phải dịch chuyển lồng vì cá sau khi ăn sẽ thải phân ra ngoài có thể gây ô nhiễm lồng bè, trong 1 tháng hoặc 1,5 tháng sẽ dịch chuyển lại vị trí cũ. Những ngày mưa nắng thất thường, ông Dũng thường bỏ thêm lá cây xoan, lá bàng, lá bổi cời vào trong các lồng nuôi để giảm nguy cơ cá bị ngạt và phát sinh bệnh.
“Năm trước nhà tôi nuôi cá diêu hồng thì tốc độ phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Năm nay đối tượng nuôi mới nhưng nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, qua hơn 4 tháng nuôi, tốc độ sinh trưởng của cá vượt 20% so với yêu cầu.
Trọng lượng bình quân của cá leo đạt 1,2 kg, cá vượt đàn đạt 2,5 kg, với giá bán 80.000 đồng/kg, ước trừ chi phí sẽ có lãi gần 90 triệu đồng”, ông Dũng nói.
Ông Hồ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê cho biết, năm 2022, lần đầu trên địa bàn xã triển khai nuôi cá leo và đã mang lại hiệu quả khá. Qua đây, cần phát triển đối tượng nuôi mới như cá leo trên địa bàn, tạo nên sự đa dạng về đối tượng nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Toàn mong muốn thời gian tới được hỗ trợ thêm các mô hình nuôi trồng thủy sản mới, hiệu quả, để góp phần giúp các hộ gia đình tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Với kết quả đạt được cho thấy mô hình nuôi cá leo trong lồng trên hồ đập thực sự mang lại hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để nhân rộng mô hình trên các hồ đập khác tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cá leo là loài cá nước ngọt có kích thước lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt ngon, được nhiều người ưa thích và có giá trị thương phẩm cao.
Ông Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong 5 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa cá leo vào nuôi với nhiều hình thức khác nhau; đã chuyển giao, xây dựng nhiều mô hình điểm “Nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất” cho các hộ dân tại huyện Vĩnh Linh (năm 2019), huyện Cam Lộ (năm 2020) và tại huyện Gio Linh (năm 2021).
Năm 2022 lần đầu tiên triển khai nuôi cá leo trong lồng bè tại xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh. Những mô hình triển khai đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nơi để các hộ dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm, mở thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân trong việc chọn mua nguồn giống ở những nơi tin cậy, uy tín cũng như giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi cá tại địa phương, tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)