Triển vọng từ trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng

Nam Phương |

Đầu tháng 6/2023, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát phối hợp với Công ty TNHH Minh Khánh (tỉnh Gia Lai) lần đầu tiên triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng (keo lai) và rừng tự nhiên tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Tri). Các đơn vị đã trồng thử nghiệm 2.000 phôi nấm trên diện tích 500 m2.

Sau 3 tháng kể từ khi xuống giống, chăm sóc, đến nay mô hình đã cho thu hoạch đợt nấm đầu tiên với những tín hiệu rất tích cực. Ngoài thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nhựa của lá keo rụng xuống tiết ra một lượng đạm, tạo môi trường cho đất nuôi phôi, do đó nấm linh chi đỏ sinh trưởng nhanh; kích thước, trọng lượng tương đối lớn, có bào tử nấm nặng lên đến 100g.

Nấm linh chi đỏ từ xưa đã được biết đến là một trong những loại dược liệu quý với nhiều công dụng như: ổn định huyết áp; cân bằng chỉ số cholesterol; hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch; giảm căng thẳng, mệt mỏi; tăng cường chức năng cho thận, gan...

Nấm linh chi đỏ trồng dưới tán rừng keo lai phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân - Ảnh: T.P
Nấm linh chi đỏ trồng dưới tán rừng keo lai phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân - Ảnh: T.P
Ngày nay, với nhiều hình thức chế biến khác nhau, loại dược liệu này được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Là một trong 7 hộ dân trực tiếp tham gia mô hình trồng nấm linh chi đỏ, ông Phan Thanh Tự, ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân cho hay, khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình, ông và mọi người đều khá lo lắng rằng loại nấm này sẽ khó chăm sóc, phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như Quảng Trị. Tuy nhiên, mô hình hiện đã thành công như mong đợi.

“Chúng tôi rất phấn khởi khi mô hình trồng nấm linh chi đỏ đầu tiên của HTX đã bước đầu thành công. Việc chăm sóc phôi nấm linh chi đỏ thật ra khá đơn giản, chúng sinh trưởng tốt dưới tán rừng keo, đem lại giá trị kinh tế cao. Nấm linh chi đỏ hiện được công ty thu mua với giá tươi khoảng 600.000 đồng/kg. Tùy theo giá cả thị trường mà sản phẩm nấm linh chi đỏ khô có giá dao động từ 1,6 - 4 triệu đồng/kg”, ông Tự nói.

Được biết, cứ 2.000 phôi nấm linh chi đỏ có giá 120 triệu đồng, sau 3 tháng trồng cho thu hoạch từ khoảng 1,2 - 1,5 tạ nấm. Mỗi phôi sẽ thu hoạch được 3 lần/năm. Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng (keo lai) và rừng tự nhiên ban đầu được thực hiện bởi Giám đốc Công ty TNHH Minh Khánh Nguyễn Công Hiệu. Theo đó, khu vực rừng Kbang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai vốn có rất nhiều nấm linh chi.

Người dân nơi đây chủ yếu vào rừng thu hái rồi bán ra thị trường, không bảo quản đúng cách khiến loại nấm quý này dần bị mất đi giá trị. Nhận thấy việc trồng nấm dưới tán rừng là một cách làm hay, mới mẻ, ông Hiệu đã nghiên cứu trồng thử nghiệm nấm linh chi đỏ dưới tán cây bơ, sầu riêng và một số loại cây khác. Nhưng mãi đến đến khi đưa nấm linh chi trồng dưới tán rừng keo, loại nấm này mới thích nghi và phát triển tốt nhất.

Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát Lê Phước Hiệp cho biết, quá trình đưa giống nấm linh chi đỏ từ Gia Lai về trồng tại Quảng Trị gặp khá nhiều khó khăn. Song ông Hiệp vẫn vượt qua tất cả, đưa giống cây dược liệu quý này về trồng tại địa phương với mong muốn giúp người dân khó khăn nơi đây có cơ hội phát triển kinh tế.

“Để trồng thành công mô hình nấm linh chi đỏ, chúng tôi đã nhiều lần tiến hành khảo sát, kiểm tra kỹ các điều kiện từ nước, thời tiết, khí hậu, đất đai... Quá trình trồng nấm không quá phức tạp, chỉ cần tưới đủ nước, làm cỏ thường xuyên. Trồng nấm linh chi đỏ không những giúp tái tạo môi trường đất, bảo vệ rừng mà quan trọng hơn cả là đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân”, ông Hiệp chia sẻ.

Được biết lợi nhuận thu được từ nấm linh chi cao gấp nhiều lần so với tiền bán cây keo. Nếu 1 ha keo lai chỉ thu được khoảng 50 - 70 triệu đồng sau 4 năm thì 1 ha keo lai có thể trồng 20.000 phôi nấm linh chi đỏ, mỗi phôi cho thu hoạch nhiều lần. Hiện cả nước mới chỉ khoảng 4 địa phương triển khai thành công mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai, trong đó có xã Hướng Phùng, tỉnh Quảng Trị.

Tuy quá trình chăm sóc nấm đơn giản song điều kiện đặt ra là những địa điểm trồng phải phù hợp cho sự sinh trưởng của nấm linh chi đỏ với độ che phủ rừng 80% trở lên, nhiệt độ không khí 15 - 20 độ C. Ông Lê Phước Hiệp cho biết thêm, sau khi trồng thành công 2.000 phôi nấm đầu tiên, đơn vị đang tiếp tục tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị cung cấp giống chất lượng, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo cho các hộ dân có nhu cầu trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng.

“Chúng tôi nhận thấy loại dược liệu quý này mang lại lợi nhuận cao, nhu cầu thị trường cũng rất lớn. Trong thời gian tới, HTX sẽ nỗ lực để nhân rộng mô hình, phấn đấu tăng phôi nấm linh chi đỏ lên 10.000 phôi, thậm chí nhiều hơn. Qua đó sẽ góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương”, ông Hiệp bộc bạch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

14 người nhập viện nghi ngộ độc nấm hoang

PV |

Sau bữa cơm trưa có sử dụng món canh nấm hoang lấy từ vườn nhà, 14/21 người ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu ( tỉnh Lai Châu) xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau đầu, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng và được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Hơn chục người bị ngộ độc nhập viện do ăn nấm rừng

PV |

Ngày 26/5, một nhóm người ở Lâm Đồng vào rừng hái nấm về ăn, sau đó 12 người bị nôn ói, đi ngoài liên tục và phải nhập viện; rất may triệu chứng ngộ độc khá nhẹ nên các bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.

Kịp thời cứu 2 cháu nhỏ bị ngộ độc nấm

Nguyễn Thành Phú |

Ngày 24/4, Trạm xá quân dân y, Đồn Biên phòng A Vao, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã kịp thời cấp cứu cho 2 cháu nhỏ bị ngộ độc nấm trong tình trạng nặng.

Những thực phẩm dễ bị nấm mốc trong ngày Tết

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến |

Các loại thực phẩm ngày Tết do quá trình chế biến, bảo quản trong thời gian dài, bị mất an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất dễ bị nhiễm nấm mốc. Nếu người tiêu dùng không cảnh giác ăn phải các loại thực phẩm này dễ bị ngộ độc.