Trợ giúp pháp lý giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo thông tin

Bảo Bình |

Hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các đối tượng yếu thế trong xã hội. Qua đó, giúp Nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội.


Được tham gia chương trình tập huấn tuyên truyền pháp luật, chị Hồ Thị Dưn, thôn Ra Poong, xã Ba Nang, huyện Đakrông (Quảng Trị) cảm thấy rất bổ ích vì những thông tin được cán bộ truyền đạt. Ngoài những kiến thức về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, chị Dưn còn có cơ hội tiếp cận kiến thức mới về các chính sách ưu tiên cho đồng bào DTTS và miền núi.

“Tham gia lớp tập huấn, tôi biết thêm được nhiều chính sách nhà nước hỗ trợ cho đồng bào DTTS, những nguồn vốn vay giúp người dân làm kinh tế để thoát nghèo. Tôi sẽ truyền đạt lại những gì mình hiểu biết cho chị em phụ nữ trong thôn để mọi người cùng giáo dục con em không vi phạm pháp luật”, chị Dưn chia sẻ.

Tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa tại xã A Vao, huyện Đakrông -Ảnh: B.B
Tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa tại xã A Vao, huyện Đakrông -Ảnh: B.B

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở Tư pháp tập trung việc thực hiện công tác truyền thông về TGPL, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác TGPL.

Từ năm 2022-2023, Sở Tư pháp đã thực hiện 24 hội nghị bồi dưỡng kiến thức TGPL chuyên sâu tại các xã nghèo cho 1.114 đại biểu, tổ chức 2 hội nghị tập huấn về kỹ năng thực hiện TGPL cho người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội cho 92 đại biểu.

Tăng cường công tác tuyên truyền, biên soạn và xuất bản 950 cuốn cẩm nang TGPL, tiến hành lắp đặt 15 bảng thông tin về TGPL.

Trong năm 2024, theo kế hoạch, đơn vị thực hiện 14 hội nghị bồi dưỡng kiến thức TGPL chuyên sâu, 1 hội nghị tập huấn về cơ chế phối hợp thông tin TGPL cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, công chức tư pháp, cán bộ cấp xã... Biên soạn và xuất bản 1.000 tờ gấp, 1.300 cuốn cẩm nang TGPL và lắp đặt 25 bảng TGPL...

Nội dung các đợt truyền thông tập trung phổ biến các kiến thức, quy định về Luật TGPL, trình tự thủ tục yêu cầu TGPL, các giấy tờ chứng minh đối tượng TGPL, vai trò của trợ giúp viên trong hoạt động TGPL, thông tin về địa chỉ tổ chức thực hiện TGPL trên địa bàn.

Thông qua các hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực thực hiện chương trình đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng đối với người thực hiện TGPL trong công tác giảm nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin TGPL cho người dân. Hoạt động TGPL của chương trình đã được triển khai sâu rộng, thiết thực.

Công tác truyền thông về TGPL ngày càng đa dạng về hình thức cũng như nội dung, người dân tiếp cận dễ dàng hơn, nắm bắt thông tin có chiều sâu hơn. Hầu hết đồng bào DTTS tại xã nghèo, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ TGPL của nhà nước.

Qua đó, nắm bắt được những quy định của pháp luật về chính sách đất ở, đất sản xuất dành cho đồng bào đã nâng cao khả năng hiểu biết và tiếp thu của người dân nhằm giúp họ đảm bảo được quyền lợi chính đáng mà các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ cho đồng bào DTTS và miền núi.

Không chỉ riêng Sở Tư pháp, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương vùng DTTS và miền núi cũng đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS. Qua đó, giúp người dân từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật; tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, TGPL, đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.

Để gia tăng hiệu quả tuyên truyền, đơn vị đã linh hoạt hình thức chuyển tải thông tin thông qua tập huấn kết hợp hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người dân, lắp đặt pa nô tuyên truyền, chiếu phim ảnh liên quan một số vấn đề pháp luật, tập huấn cho các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, sân khấu hóa nội dung tuyên truyền... Từ đó, giúp nâng cao khả năng phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ và người dân miền núi.

Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, TGPL trong thời gian tới, cơ quan chuyên môn cần đổi mới, đa dạng phương thức truyền thông về phổ biến pháp luật, TGPL để tạo điều kiện tối đa cho người nghèo, đồng bào dân tộc tại các xã nghèo tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước. Các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện làm việc thiết yếu cho công tác này.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác TGPL và đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo vươn lên thoát nghèo, phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói, bảo đảm thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả và bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)


TAGS

Hiệu quả từ đội văn nghệ tuyên truyền phòng, chống tảo hôn trong trường học

Kô Kăn Sương |

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tổ chức thành lập các đội văn nghệ quần chúng trong trường học nhằm truyền thông đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, đặc biệt là đối với lứa tuổi vị thành niên, tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực.

Học sinh vùng cao dùng nhạc rap tuyên truyền phòng chống tảo hôn

Tây Long |

Lớn lên ở vùng cao, em Nguyễn Cửu Quang Hà (sinh năm 2010) từng chứng kiến những “đám cưới trẻ con”. Biết hệ lụy mà tảo hôn gây ra, Quang Hà đã cùng cô giáo chọn một bản nhạc rap thịnh hành, viết lại lời để tuyên truyền phòng chống hủ tục này. Sau khi được chia sẻ trên trang của chương trình “Cặp lá yêu thương”, video của Hà đã tạo “bão mạng”.

Gần 400 em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được truyền thông ngăn ngừa tảo hôn

Huyền Trang |

Trong khuôn khổ thực hiện các hoạt động chương trình GEM – DGD năm 2023, hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, ngày 9/10, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Plan International tại Quảng Trị tổ chức truyền thông ngăn ngừa tảo hôn và tổng kết sáng kiến truyền thông do trẻ em dẫn dắt.