Năm 2021 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam”. Do đó, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình để từng bước trở thành “doanh nghiệp số” trong thời gian tới.
Thực tế trong những năm qua, PC Quảng Trị đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD) của đơn vị. Đặc biệt là việc thiết kế và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, hệ điều hành trong quản lý, vận hành lưới điện nên đã thiết lập được nền móng vững chắc cho hạ tầng công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty cũng như phục vụ lộ trình chuyển đổi số trong thời gian tới.Hoạt động phát triển, ứng dụng CNTT của PC Quảng Trị tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hệ thống CNTT, viễn thông dùng riêng và tự động hóa đảm bảo tính chính xác, an toàn và tiên tiến, đáp ứng nhu cầu quản lý điều hành của công ty, phát triển các phần mềm phục vụ công tác SX,KD, góp phần tăng năng suất lao động và dịch vụ khách hàng. Trong đó phải kể đến việc xây dựng hoàn thiện hạ tầng CNTT kết nối trụ sở công ty đến EVNCPC và 10 hệ thống mạng tại các đơn vị trực thuộc, sử dụng các thiết bị mạng hiệu suất cao, kênh truyền cáp quang tin cậy, an toàn và dự phòng cao. Hệ thống CNTT và viễn thông dùng riêng phục vụ kết nối SCADA từ Trung tâm điều khiển (TTĐK) lưới điện Quảng Trị đến 7 trạm biến áp 110kV không người trực đã không ngừng nâng cấp hoàn thiện, thiết lập các kênh truyền cáp quang kết nối đảm bảo tính dự phòng. Với nền tảng thông tin an toàn, liên tục chính là cơ sở để hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối tại công ty hoạt động ổn định, hiệu quả, giúp giảm thiểu thời gian sự cố, tăng độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng.
Hiện nay hệ thống các phần mềm quản lý kỹ thuật như PMIS, OMS…đã quản lý rất tốt hệ thống lưới điện. Ngoài ra, với việc đưa vào vận hành hệ thống thông tin hiện trường trung/cao áp đã giúp cho công tác quản lý kỹ thuật có sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể như đối với công tác lập phương án kỹ thuật, thiết kế lưới điện sau khi đã xây dựng hoàn thiện trên thông tin hiện trường, phần mềm hỗ trợ công cụ xuất bản vẽ ra file Autocad rất thuận tiện cho công tác thiết kế…Công tác tự động hóa trong quản lý lưới điện được thể hiện qua việc triển khai, áp dụng hiệu quả tại TTĐK. Hiện nay trên địa bàn có 100% trạm biến áp 110 kV đã thực hiện thao tác xa và vận hành theo tiêu chí trạm không người trực. Sử dụng camera giám sát toàn cảnh, giám sát tình trạng vận hành của thiết bị. Đồng thời vận hành trạm biến áp từ xa với các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin được trang bị đồng bộ; 100% các thiết bị đóng cắt đã được kết nối về TTĐK để vận hành lưới trung áp. Ngoài ra, PC Quảng Trị còn triển khai hệ thống chia sẻ thông số vận hành và hình ảnh camera các trạm biến áp 110kV cho Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế nhằm tăng cường trong công tác quản lý, giúp giám sát thường xuyên, giảm thời gian tiếp cận và xử lý sự cố.
Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng, PC Quảng Trị đã nâng cấp toàn bộ nghiệp vụ trên nền tảng hệ thống CMIS 3.0 như ứng dụng hệ thống đo đếm điện tử tiên tiến theo công nghệ AMR/AMI, hoàn thành số hóa khâu theo các dõi công nợ và quản lý khách hàng (số hóa hợp đồng, hóa đơn điện tử…), hoàn thành cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 trên các cổng dịch vụ công của ngành, địa phương và quốc gia. Hệ thống thông tin hiện trường hạ áp được triển khai, áp dụng đã cung cấp đầy đủ thông tin về hiện trường hạ tầng lưới điện hạ áp, thông tin hiện trường của khách hàng. Thông qua các kênh kết nối số, khách hàng có thể tiếp cận đến các thông tin như hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm; thủ tục cấp điện; tình hình cung cấp điện và tiến độ giải quyết yêu cầu dịch vụ; tình hình sử dụng điện; tra cứu chỉ số, hóa đơn điện tử; tra cứu lịch cắt điện…Đến hết tháng 12/2020, PC Quảng Trị đã lắp đặt hơn 194 ngàn công tơ điện tử, chiếm khoảng 93,85%, trong đó hệ thống đo xa có 184 ngàn công tơ điện tử chiếm 88,95% tổng số khách hàng.
Ở lĩnh vực văn phòng, hệ thống văn phòng điện tử CPC-eOffice hiện nay đã triển khai đến tất cả CBCNV. Tất cả quy trình soạn thảo, phê duyệt, ban hành, tiếp nhận, xử lý, lưu trữ đều đã thực hiện trên môi trường số. Kênh eOffice Chat trở thành công cụ giao tiếp chính trong hoạt động SX,KD. Nhiều ứng dụng văn phòng đã được số hóa và liên kết với CPC-eOffice như lịch tuần, lịch xe-máy, đăng ký lịch công tác…Ngoài ra, hệ thống CPCeOffice cũng đã được kết nối liên thông với hệ thống văn bản điện tử của UBND tỉnh. Hiện nay, tất cả các văn bản đi/đến giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành trong tỉnh với PC Quảng Trị đều theo hướng liên kết này. Về lĩnh vực quản lý xây dựng, hệ thống quản lý thông tin đầu tư xây dựng-IMIS mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong công tác quản lý các dự án công trình bao gồm các khâu lập kế hoạch, quản lý tiến độ thi công, nguồn vốn công trình, giải ngân, thanh toán, quyết toán… Đặc biệt trong giai đoạn thi công, ngoài việc tư vấn giám sát chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, việc chụp hình ảnh thi công và lưu trữ giúp nâng cao ý thức của nhà thầu, tư vấn giám sát. IMIS cung cấp các giải pháp đột phá như lưu trữ hình ảnh thi công theo từng vị trí, từng xuất tuyến cụ thể của công trình. Kho dữ liệu hình ảnh này là công cụ giúp chủ đầu tư kiểm soát được tình hình thi công, nhằm nâng cao chất lượng công trình, giảm thiểu chi phí khi đi lại kiểm tra hiện trường cũng như rủi ro của các công trình xây dựng.
Với xu hướng phát triển hướng tới “doanh nghiệp số” và áp dụng các công nghệ 4.0 (Big Data, IoT, AI, cloud Computing, blockchain…) đặt ra yêu cầu mới đối với sự phát triển CNTT. Do đó, CNTT cần đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, quản lý hệ thống dữ liệu cùng với việc đảm bảo an ninh bảo mật chính là nền tảng vững chắc để triển khai chuyển đổi số một cách sâu rộng và hiệu quả hơn nữa. Bởi việc ứng dụng rộng rãi CNTT ở PC Quảng Trị đã nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động SX,KD và vận hành lưới điện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)